Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông dân với nỗi lo không có vốn tái sản xuất
Thứ hai: 00:34 ngày 02/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua không những gây khó cho người nông dân mà chính những đại lý kinh doanh cũng đang gặp không ít khó khăn.

Nông dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân không có lợi nhuận để tái sản xuất cho vụ Hè Thu sắp tới

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, nhiều mặt hàng nông sản không có nơi tiêu thụ, giá cả xuống thấp, trong khi đó, giá vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi) liên tục tăng cao đã và đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trồng trọt, đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh “lấy công làm lãi”. Đây rõ ràng là bài toán khó với ngành nông nghiệp, bởi nông dân không thể duy trì được sản xuất trong tình cảnh càng làm càng lỗ.

Nông dân lấy công làm lời

Tổng kết vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, ông Phan Tấn Bửu, ngụ ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ cho biết, với hơn 2 ha lúa, sau khi trừ hết chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày xới, phun xịt và thu hoạch… thì số tiền còn lại của gia đình ông sau 3 tháng canh tác chỉ vỏn vẹn 11 triệu đồng.

Theo ông Bửu, hiện nay, gần như tất cả mọi chi phí đầu vào để sản xuất lúa đều tăng, trong đó, giá phân bón tăng gấp ba lần so với trước đây, song song đó, giá xăng dầu tăng cao cũng kéo theo giá các hoạt động cày xới, phun xịt, thu hoạch tăng; nên để tiết kiệm chi phí, người nông dân phải tiết giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến cho năng suất lúa vụ Đông Xuân năm nay không bằng những năm trước. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa bị những cơn mưa trái mùa làm ngã rạp, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa đáng kể.

Ông V.T- nông dân tại ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình cho biết, trong đợt mưa trái mùa cuối tháng 3 vừa qua, hơn 1,5 ha lúa mới cứng hạt của gia đình ông bị ngã rạp, đến hơn 15 ngày sau mới được thu hoạch, khiến sản lượng lúa thu được giảm chỉ còn một nửa so với vụ Đông Xuân năm 2020-2021, chất lượng lúa thấp nên bị thương lái mua với giá thấp hơn lúa cùng loại khoảng 500 đồng/kg.

Theo ông T, sau khi thanh toán hết các khoản nợ với đại lý vật tư nông nghiệp thì số tiền từ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân vừa qua chỉ đủ trả tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, ông nhẩm tính toàn bộ chi phí đầu tư cày xới, chăm sóc và thu hoạch bị lỗ gần 6 triệu đồng.

Anh Dũng- một nông dân canh tác gần 5 ha lúa tại xã Thanh Điền cho biết, hiện nay, đa phần nông dân đều còn nhiều khó khăn nên vẫn làm ăn theo hình thức “ăn trước, trả sau”. Từ đầu vụ, nông dân đến các cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua “ký sổ” các loại vật tư nông nghiệp như: lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu...

Các khoản chi phí đầu vào này sẽ được thanh toán vào cuối vụ với giá chênh lệch với mua trả thẳng khá nhiều. Bên cạnh giá các loại vật tư nông nghiệp tăng quá cao thời gian qua, thì từ đầu năm 2022 đến nay, khi giá xăng dầu tăng mạnh đã làm cho chi phí sản xuất của người nông dân tăng lên gần gấp 2 lần so với trước đây.

Theo anh Dũng ước tính, chi phí đầu tư cho 1 ha lúa trước đây chỉ quanh quẩn khoảng 13 đến 15 triệu đồng, thì nay con số này phải tăng lên gần 30 triệu đồng, nên nhiều nông dân đã tiết giảm chi phí bằng cách cắt giảm lượng phân bón làm năng suất lúa không bằng những năm trước. Chính vì vậy, sau khi tất toán với đại lý thì số tiền nông dân có được gần như chẳng còn bao nhiều, thậm chí còn có trường hợp bị thua lỗ.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân không còn lợi nhuận.

Lo không có vốn tái sản xuất

Chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng lên là bài toán khó hiện nay mà nông dân vẫn chưa tính được. Chi phí trong sản xuất nông nghiệp chiếm phần nhiều là vật tư phân bón (chiếm khoảng 60% - 70% cả phân bón và BVTV) và hiện tại là giá xăng dầu tăng cao kỷ lục cũng kéo theo nhiều loại chi phí khác tăng cao. Trong khi giá các sản phẩm nông nghiệp vụ Đông Xuân mới thu hoạch xong có giá bán thấp hơn cùng kỳ khiến cho người nông dân sản xuất không có lợi nhuận, thậm chí thiếu vốn tái sản xuất.

Ông Lê Văn Trắc ở ấp Long Giao, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu cho biết, vụ lúa Đông Xuân hằng năm là thời kỳ thời tiết thuận lợi, ruộng đồng được nghỉ ngơi thời gian dài nên việc canh tác của nông dân rất nhàn, ít tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lại cao hơn vụ Hè Thu.

Tuy nhiên, vụ lúa Đông Xuân năm nay, dù gia đình ông được mùa nhưng toàn bộ sản lượng lúa của ông bán ra không đủ trang trải cho những khó khăn của cuộc sống. Ông Trắc cho biết: hiện nay, để tái sản xuất vụ Hè Thu, gia đình ông phải vay nợ để trả tiền thuê máy cày làm đất, còn toàn bộ lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều đi mua thiếu của đại lý vật tư nông nghiệp, nếu giá lúa vụ Hè Thu vẫn bằng như hiện nay thì ông cầm chắc sẽ bị thua lỗ.

Theo một chủ đại lý vật tư nông nghiệp ở Bến Cầu cho biết, so với những năm trước, thời điểm này đang vào mùa sản xuất mới, lượng người đến đại lý mua lúa giống và phân bón rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay tình hình kinh doanh của đại lý không bằng vì nông dân không dám đầu tư nên lượng bán ra giảm mạnh.

Vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp nên giá giảm chỉ còn từ 800.000 - 805.000 đồng/bao urê (50kg); thời điểm này giá lên tới 930.000 - 940.000 đồng/bao; phân DAP tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,32 triệu đồng/bao.

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua không những gây khó cho người nông dân mà chính những đại lý kinh doanh cũng đang gặp không ít khó khăn. “Nông dân nói càng làm càng lỗ, làm để nuôi đại lý mà tôi nghe rất buồn, đâu phải giá lên bao nhiêu chúng tôi cũng tăng bấy nhiêu, chúng tôi nhập về bán từ đầu vụ giá thấp rồi bán thiếu cho nông dân, đến cuối vụ thì giá tăng gấp đôi nhưng chúng tôi vẫn tính giá cũ theo sổ sách đã ghi chứ nào có dám tính thêm đồng nào, số tiền thu về chẳng đủ để chúng tôi mua lại sản phẩm cùng loại nữa nên phải móc túi bù thêm để nhập hàng về bán tiếp”- chủ một đại lý tại huyện Châu Thành than thở.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân còn phụ thuộc nhiều vào nguồn phân bón vô cơ và các loại vật tư nông nghiệp khác bao gồm cả thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu các loại. Việc áp dụng những khuyến cáo của ngành chức năng về việc thay thế bằng sản xuất hữu cơ còn nhiều hạn chế, không chỉ bởi trình độ nhận thức của người nông dân mà còn bởi nguồn cung phân bón hữu cơ mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ diện tích canh tác. Do đó, việc hạ nhiệt và giữ giá vật tư nông nghiệp ổn định đang là vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng và các doanh nghiệp.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục