Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông thôn Trảng Bàng: 5 năm và những đổi thay
Thứ sáu: 05:25 ngày 25/06/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp huyện Trảng Bàng đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho phát triển sản xuất. Từ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp huyện Trảng Bàng đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho phát triển sản xuất. Từ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phù hợp, gắn với thị trường theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 6,1%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005-2010 (NQ) đề ra.

Về sản xuất, đến nay diện tích đất nông nghiệp của huyện Trảng Bàng đã khai thác đến mức giới hạn. Diện tích đất gieo trồng được mở rộng đến mức bão hoà và ổn định từ 59.000 đến 60.000 ha/năm, tăng 1,72% so với  năm 2005, hệ số vòng quay của đất đạt đến 2,67 lần/năm. Năng suất bình quân của nhiều loại cây trồng chính như lúa, đậu phộng, bắp được nâng lên, đưa giá trị sử dụng đất sản xuất đạt đến 58,8 triệu đồng/ha/năm (tăng 47% so với NQ). Các chương trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu công nghệ về giống, phân bón, biện pháp canh tác mới được đẩy mạnh cả chiều sâu và chiều rộng. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm có chiều hướng phát triển mạnh. Cơ cấu giống được chuyển đổi và bổ sung. Từ khi có dự án chăn nuôi bò sữa, số lượng đàn bò tăng lên rõ rệt. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được 1.229 con, nâng tổng đàn bò sữa của huyện hiện gần 2.000 con. Trong đó có gần 1.000 con đang khai thác sữa, góp phần đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá triển vọng. Các chương trình nuôi heo hướng nạc, nuôi gà công nghiệp, vịt siêu thịt cũng được phát triển rộng rãi, giá trị chăn nuôi tăng lên, chiếm 33,56% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng

Trong 5 năm qua, huyện đã kiên cố hoá được 68 tuyến kênh mương, với tổng chiều dài 41.656 mét, tổng vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng, phục vụ tưới tiêu được 11.456 ha, xây dựng được 9 công trình đê bao tiểu vùng với chiều dài 38.113 mét. Tổng diện tích ruộng đất trong vùng đê bao được 961 ha, chủ yếu ở các xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Gia Bình. Cơ giới hoá trong nông nghiệp luôn được khuyến khích phát triển, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là khâu làm đất, thu hoạch lúa, đến nay đã cơ giới hoá được 95%, tạo được tiền đề quan trọng cho việc “Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cũng được ngành quan tâm. Hiện nay toàn huyện có trên 90% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã phát triển được 12 hợp tác xã, nâng số hợp tác xã hiện có của huyện lên con số 14.

Tuy nhiên, sự phát triển của sản xuất nông nghiệp ở Trảng Bàng chưa thực sự vững chắc. Chỉ có một số loại cây trồng, vật nuôi được bao tiêu sản phẩm như bắp nhân giống, thuốc lá, bò sữa, còn lại hầu hết nông dân tự sản, tự tiêu, hoàn toàn dựa vào may rủi. Quá trình đô thị hoá và sự phát triển các khu, cụm công nghiệp đã và đang diễn ra trên địa bàn huyện cũng làm nảy sinh một số vấn đề đáng lo ngại như ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi tuy phát triển mạnh nhưng cũng còn không ít khó khăn, vì hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể vùng. Chất lượng sản phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, giá thành sản phẩm còn cao, mức độ rủi ro vẫn thường xuyên đe doạ hiệu quả sản xuất. Ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị sử dụng đất ở một số vùng, nhất là vùng lúa ven sông. Việc lập lại trật tự giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn chưa triệt để, khâu kiểm tra vệ sinh thú y các lò giết mổ có lúc còn lơi lỏng, còn nhiều hộ lén lút giết mổ gia súc, gia cầm  bên ngoài nhưng chưa có biện pháp xử lý thích đáng. 

Đỗ Thị Ngọc Phúc

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục