Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nóng tranh luận đề xuất bỏ hình phạt tử hình 8 tội danh
Thứ tư: 14:25 ngày 28/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các đại biểu tranh luận nhiều chiều về đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tám tội danh, có đại biểu đồng ý, có đại biểu bảo cần lộ trình, số khác thì cho rằng không nên bỏ ở một số tội.

Ngày 27-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận sôi nổi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS (sửa đổi) - bộ luật mà Phó Thủ tướng Lê Thành Long trong phát biểu tiếp thu giải trình khẳng định là “bám sát và tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách hình sự”.

Bỏ án tử hình không đồng nghĩa là nương tay với tội phạm

Không phát biểu về các điều luật cụ thể, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói ông mong ước đến một ngày nào đó, Việt Nam cũng không còn án tử hình.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Dẫn trường hợp Cộng hòa San Marino, quốc gia luôn được Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế đánh giá là nơi không hề có tội phạm hình sự, vốn là một vấn nạn bao trùm khắp hành tinh, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi mơ ước một ngày nào đó tình hình vi phạm hình sự ở nước ta cũng được như quốc gia này. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ hình phạt tử hình, thậm chí từ lâu và tôi mơ ước nước ta một ngày nào đó cũng được như vậy”.

Theo ông, trong công tác lập pháp, lập quy, ngoài các tiêu chí như khoa học, hiệu lực, hiệu quả, tích cực thì còn có tiêu chí là tính hợp lý - hợp lý đối với thực tiễn cụ thể và trình độ phát triển của nước mình. “Chúng ta đang hội nhập quốc tế nên vừa phải sống theo pháp luật quốc tế, vừa phải sống theo pháp luật quốc gia. Vấn đề là phải tìm được độ hợp lý của công tác lập pháp, lập quy trong hội nhập” - ĐB Nghĩa nói.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) dẫn chiếu Điều 19 Hiến pháp 2013 khẳng định “mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ”. Ông cũng nói: “Xu hướng giảm, tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình không chỉ là yêu cầu của pháp luật quốc tế mà còn là đòi hỏi tất yếu từ chính hệ thống pháp lý quốc gia.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh).

Ông Bình cho rằng việc giảm và tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình không đồng nghĩa đó là sự nương tay đối với tội phạm mà là sự thay đổi phương pháp từ trả đũa, trừng trị nghiêm khắc sang cải tạo, từ cưỡng chế tối đa sang quản trị công bằng. Ông coi đó là cách tiếp cận đúng đắn của một quốc gia hiện đại thượng tôn pháp luật và mang tính nhân văn sâu sắc.

Dự thảo Luật sửa đổi BLHS giữ lại án tử hình đối với 10 tội danh, ông Bình cho rằng phần lớn đều mang yếu tố bạo lực nhưng “không phải tất cả đều thỏa đáng, nếu xét về tính thực tiễn, hiệu lực răn đe và mục tiêu cải cách tư pháp”. Ông phân tích, lập luận các cơ sở về pháp lý, nhân quyền, thực tiễn, đạo lý và chia việc bỏ án tử hình thành ba giai đoạn.

“Việc xây dựng lộ trình ba giai đoạn như tôi đề xuất để loại bỏ án tử hình đối với 10 tội danh còn lại hết sức cần thiết, khả thi và phù hợp với xu thế phát triển bền vững của pháp luật Việt Nam” - ĐB Bình nói.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói: Lần sửa BLHS kỳ này bỏ tám tội danh áp dụng án tử hình “là một bước tiến rất dài trong quan điểm của chúng ta về chính sách hình sự, đặc biệt đối với hình phạt nghiêm trọng nhất là tước bỏ quyền sống của con người”.

Tranh luận bỏ án tử hình đối với tội phạm về ma túy, tham ô

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận về đề xuất bỏ án tử hình với tám tội danh. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng thuận với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy. Bà lập luận trong nhóm các tội phạm về ma túy, hành vi vận chuyển thường do những người yếu thế, thiếu hiểu biết hoặc bị dụ dỗ thực hiện, khác biệt so với những kẻ chủ mưu sản xuất, buôn bán - thường là tội phạm có tổ chức, lợi nhuận lớn.

Do đó, việc chỉ giữ hình phạt tử hình cho tội sản xuất và buôn bán và giảm hình phạt cho tội vận chuyển là phù hợp với nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, mở ra cơ hội cải tạo cho người phạm tội.

Tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng những đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy không chỉ dừng lại là những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn liên quan đến lợi nhuận. “Các đối tượng tham gia liên địa bàn, liên quốc gia” - bà Nguyệt nói và đề nghị các giải pháp đưa ra phải thực sự đồng bộ, tập trung vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk). Ảnh: QH

Còn với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng khó khăn thì một mặt cần tập trung vào hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, mặt khác phải có chế tài nghiêm khắc để răn đe, không để những đối tượng này có hành vi vi phạm. “Với ma túy, nếu chúng ta không cương quyết cắt nguồn cung thì rất khó để giảm cầu” - bà Nguyệt nhấn mạnh.

Cùng về tội vận chuyển ma túy, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói vận chuyển ma túy nguy hiểm hơn là sử dụng, vì vận chuyển góp phần vào chuyện phân phối, mua bán, đưa ma túy tiếp cận những người, thậm chí đi len lỏi vào các nơi rất hẻo lánh và đưa đến tận những người nghèo mà không có điều kiện để mua bán ma túy.

Ông Nghĩa nói áp dụng tử hình với hành vi vận chuyển nhiều, lặp đi lặp lại, có tổ chức, rất tinh vi, thậm chí dùng bạo lực, dùng vũ khí để tổ chức vận chuyển và tấn công vào các lực lượng bảo vệ pháp luật. “Còn những hành vi vận chuyển không đáng tử hình thì có một cách làm là thiết kế lại điều luật với những tình tiết, mức án cụ thể” - ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB khác không đồng ý bỏ án tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội tham ô tài sản.

Theo ông Hòa, từ trước đến nay chưa tử hình ai phạm tội tham ô tài sản, tuy nhiên vừa rồi vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, khi VKSND đề nghị mức án tử hình bà Trương Mỹ Lan thì vài hôm sau gia đình đã nộp tiền khắc phục.

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) dẫn chứng hai vụ án gần đây gồm vụ án AVG với số tiền hối lộ cán bộ lên đến 3 triệu USD và vụ án chuyến bay giải cứu lên đến 42,6 tỉ đồng. ĐB Sang cho hay cả hai vụ này có đặc điểm chung đó là sau khi tuyên án tử hình, bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả.

“Chúng ta phải phân tích tại sao khi bị tuyên án tử hình người ta lại nộp tiền khắc phục hậu quả. Bởi vì người ta biết rằng nếu không khắc phục hậu quả thì bị tử hình. Điều đó cho thấy rõ ràng án tử hình là hiệu quả trong việc thu hồi tài sản” - ĐB Sang nhấn mạnh.

ĐB của TP.HCM cũng đặt câu hỏi: “Nếu bỏ án tử hình đối với tội nhận hối lộ thì hiệu quả thu hồi tài sản có cao hơn không? Tôi nói tội tham ô, tội nhận hối lộ có đánh giá nào không. Tôi đưa ra ví dụ vừa rồi cho thấy tác dụng răn đe của đối với hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ”.

Đánh giá kỹ về hình phạt chung thân không xét giảm án

Với tám tội danh đề xuất bỏ hình phạt tử hình, dự thảo luật đã thay thế bằng một hình phạt mới là tù chung thân không xét giảm án.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án là không cần thiết. Vì tù chung thân đã có hàm nghĩa là suốt đời nếu phạm nhân không cải tạo tốt hoặc lập công lớn.

Theo ĐB Nghĩa, tù chung thân có tác dụng giáo dục bao hàm cả khả năng giảm án, được hoàn lương, được gặp lại người thân, được làm lại cuộc đời nếu như phạm nhân cải tạo tốt hoặc lập công lớn. Chung thân không giảm án xóa đi hoặc hy hữu hóa hy vọng giảm án.

Đối với văn hóa Việt Nam, tạo ra hy vọng hoàn lương là một chính sách, một yêu cầu, một quan điểm nhân văn, điển hình là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.

Nhận định chung thân không giảm án là hình phạt nhẹ hơn tử hình và nặng hơn chung thân, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị cân nhắc đánh giá kỹ về hình phạt mới này.

Theo bà, dù có nhân văn hơn nhưng nếu tử hình thì còn được quyền xin Chủ tịch nước ân xá, đặc xá và có thể xuống chung thân. Chung thân rồi có cơ hội giảm án tiếp.

Với chung thân không xét giảm án, nếu không được ân xá, đặc xá của Chủ tịch nước xác định ở đây là ở trong tù suốt đời. Vấn đề này sẽ có một tác động rất lớn đối với điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ. Đồng thời, phải tính đến số lượng phạm nhân này chấp hành án chỉ có tăng lên mà không có giảm, chưa kể những phạm nhân này bị ốm đau hay mắc bệnh nan y cũng phải áp dụng chạy chữa và được chăm sóc như những tù nhân khác. Điều này sẽ gây áp lực về nhân lực và tài lực cho tổ chức thi hành án.

ĐB Dung còn cho rằng có khả năng hình phạt này sẽ mất đi ý nghĩa giáo dục, cải huấn. “Những người bị tuyên án tù chung thân không xét giảm án, họ hiểu rằng suốt cuộc đời phải ở trong tù nên có thể sẽ phát sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau hoặc phát sinh ý nghĩ, hành vi tiêu cực vì họ nghĩ có hối cải cũng không thể được trở lại hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng” - ĐB Dung nói.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì cho rằng: Việt Nam nằm trong Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nên hội nhập quốc tế thì phải tính toán đến những vấn đề chính trị trong quan hệ quốc tế này.

ĐB Thành nhận định việc bỏ án tử hình xuống hình phạt chung thân không giảm án cũng là một bước tiến bộ. Có nước thì không có án tử hình, có nước như Mỹ thì họ tuyên những án thời hạn rất dài, có những án tới 80 năm nhưng họ không có giảm án.

“Trong trường hợp chúng ta tuyên là chung thân không giảm án và khi có trường hợp được ân giảm thì phải quy định rất kỹ trường hợp ân giảm đặc biệt. Tôi cho rằng vấn đề này cần phải được nghiên cứu và được cụ thể hóa thêm” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, thực tế người bị tuyên chung thân không giảm án đôi khi họ còn sợ hơn tử hình. Bởi vì tử hình có lúc còn cảm thấy có lối thoát nhưng chung thân không giảm án là vĩnh viễn cách ly đời sống xã hội.

“Đây là câu chuyện mà trong tâm lý con người có thể dẫn đến những trường hợp như thế” - ĐB Thành kết luận.•

Băn khoăn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Tôi hết sức băn khoăn đối với việc không còn hình phạt tử hình cho bốn tội danh tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy trái phép và sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan hành pháp đã phải hết sức vất vả để có thể kìm hãm những tội phạm này và kịp thời phát hiện, xử lý. Vậy tại sao chúng ta lại giảm án? Nếu nhân văn với tội phạm thì thân nhân của những nạn nhân và những người đã chết vì những tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào?

Đừng phát biểu rằng người ta không biết khi làm chuyện này với tất cả những gì chúng ta đã tuyên truyền. Đa số tội phạm này họ biết hết hậu quả sẽ như thế nào, sẽ gây những tác hại gì nhưng vì lợi ích họ vẫn bất chấp.

Trong rất nhiều trường hợp đương nhiên án tử hình không phải là giải pháp duy nhất nhưng ít ra cũng góp một phần nào đó trong việc lập lại trật tự và để cho thấy quyết tâm của chúng ta là không khoan nhượng và luôn quyết liệt để chống lại các loại tội ác này.

ĐB PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TP.HCM)

Nguồn PLO

Xem link gốc
Tin cùng chuyên mục