BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Nóng” trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản

Cập nhật ngày: 22/03/2010 - 05:38

Còn nhiều tồn tại

Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Nên-Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh đúc kết bằng cụm từ “đã có những chuyển biến tích cực”, góp phần thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số mặt công tác PCTN còn hạn chế, chậm phát huy tác dụng, một số vụ án tham nhũng chậm được xử lý, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Đáng quan tâm là chuyển biến từ nhận thức đến hành động PCTN của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN ở một số nơi chưa thể hiện quyết tâm cao. Có nơi chưa thực hiện tốt công tác tuyên tuyền phổ biến pháp luật về PCTN. Có nơi còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: kê khai tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác định kỳ đối với cán bộ, công chức; chưa xử lý đúng mức trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó trong cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng… Giữa các ngành, các cấp chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc PCTN, từ khâu phòng ngừa ở cơ sở đến đấu tranh tự phê bình và phê bình. Do đó, trong thời gian qua, rất hiếm trường hợp tham nhũng được phát hiện rõ từ cơ sở. Phần lớn các vụ tham nhũng được phát hiện, xử lý là do thanh tra, kiểm tra, điều tra của ngành chức năng hoặc từ đơn thư tố cáo, phản ánh của nhân dân.

Phiên toà xét xử một vụ án tham nhũng

Bên cạnh đó về cải cách hành chính cho đến nay vẫn còn một số khâu, thủ tục hành chính chưa hợp lý, chậm được khắc phục, bổ sung, sửa đổi đã “tạo điều kiện” cho một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

Từ các vụ tham nhũng bị phát hiện, Ban Chỉ  đạo PCTN tỉnh nhận định: Nguyên nhân chính để xảy ra vụ việc tham nhũng trước hết là do bản thân một số cán bộ, công chức còn thiếu rèn luyện, học tập, tu dưỡng; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu; một số khác lại xem nhẹ công tác giáo dục, phòng ngừa, không kiểm tra khi giao việc; khi phát hiện tham nhũng lại chậm xử lý, làm hạn chế tác dụng răn đe giáo dục chung với người sai phạm, gây tác động tiêu cực đến những người trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng. Cuối cùng Ban Chỉ đạo kết luận: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tình hình tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Chúng ta cần thẳng thắng nhìn nhận vấn đề này để có những giải pháp và định hướng đúng đắn trong thời gian tới”.

Phức tạp nhất vẫn là chuyện xây dựng cơ bản

Ông Lê Thanh Hải-Chánh Thanh tra tỉnh  cho biết: Hành vi tham nhũng rất tinh vi, luôn được che giấu. Thông thường, khi tiến hành thanh tra thì sai phạm đã xảy ra khá lâu nên chủ yếu chỉ phát hiện sai phạm về chế độ, định mức. Còn việc xác định dấu hiệu tham nhũng thì rất khó khăn trong khâu thu thập chứng cứ… Khi bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm, đối tượng đấu tranh gay gắt với đoàn thanh tra, tìm mọi cách “xoá dấu vết”. Theo ông Chánh Thanh tra tỉnh, hành vi tham nhũng thường liên quan đến nhiều người, kể cả những người có chức, có quyền.

Ông Trần Lưu Quang-Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng băn khoăn về tình trạng bất hợp lý, gây lãng phí đến mức bức xúc trong thời gian qua. Ông Quang dẫn chứng cụ thể: Một đơn vị ở Trảng Bàng thi công cống thoát nước. Hồ sơ dự toán kinh phí “báo giá” công trình này là 142 triệu đồng. Tuy nhiên, một nhóm thợ hồ chấp nhận thi công đoạn cống này với giá chỉ… 70 triệu đồng, kèm theo “giao kèo”: các thủ tục giấy tờ thì UBND huyện phải lo. Tất nhiên, UBND huyện Trảng Bàng không thể giao công trình cho nhóm thợ hồ này và chấp nhận “mất” gần 100 triệu đồng vì… thủ tục. Sau khi thi công xong, tổng kinh phí của công trình này lên đến gần… 160 triệu đồng.

Ông Quang nêu một dẫn chứng khác: Một trường học xây nhà để xe cho giáo viên. Công trình đơn giản chỉ có nền xi măng, mái tôn. Giá dự toán là 123 triệu đồng. Trong khi đó, một nhà để xe tương tự được xây dựng ở nhà dân có giá chưa bằng phân nửa. “Chúng ta đang để lãng phí rất lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nên cần phải xem lại khâu thủ tục, giấy tờ”.

Chánh Thanh tra Lê Thanh Hải khẳng định: “Qua thanh tra xây dựng cơ bản, từng khâu công việc đều phát hiện có vi phạm quy định gây thất thoát lớn. Nhưng để chứng minh có sự trục lợi của các cá nhân trong từng sai phạm rất khó khăn. Chẳng hạn như trong những việc thiết kế, lập dự toán, áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, áp dụng đơn giá sai hoặc không phù hợp thực tế gây thất thoát vốn đầu tư, nhưng để xác định sai phạm của các cá nhân có liên quan là điều rất khó khăn. Hơn nữa, công tác thanh tra được tiến hành công khai, có kế hoạch thông báo trước nên trong hầu hết những trường hợp có sai phạm, đối tượng đã có sự chuẩn bị để đối phó”.

Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên nhắc nhở các thành viên BCĐ và các cơ quan có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra gắn với việc xử lý kịp thời các khiếu nại, tố cáo tham nhũng; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án tồn đọng và các vụ án mới phát hiện; tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm như: xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng…

BẢO TÂM


 
Liên kết hữu ích