(BTN) - Năm Quý Tỵ - 2013 đầy khó khăn, thách thức đã qua đi, nhưng dư âm của nó còn đọng lại trong lòng người về những lúc chèo chống vượt qua ghềnh thác. Đối với những người có trách nhiệm với cuộc sống cộng đồng xã hội, việc chèo chống ấy có lẽ còn khó khăn nhiều hơn, nhất là khi chặng đường phía trước vẫn còn dài. Bên thềm xuân mới Giáp Ngọ, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Minh Trọng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh về chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh và phương hướng nửa nhiệm kỳ sắp tới.
|
- Thưa đồng chí Phó Bí thư, năm 2013 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, đồng chí có thể cho bạn đọc báo Tây Ninh biết nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đã đạt những thành tựu gì?
- Trong nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sự suy giảm kinh tế trong nước cùng diễn biến phức tạp, khó lường về thời tiết, dịch bệnh, giá cả... Song với tinh thần đoàn kết, thống nhất, với quyết tâm chính trị cao, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự nỗ lực của hệ thống chính trị; sự đồng thuận, tính năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn; tỉnh ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu hết sức quan trọng, làm tiền đề cho sự bứt phá trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển khá ổn định với tốc độ tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung, đã có 15/24 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, tăng bình quân hằng năm 25,97% (Nghị quyết đề ra tăng bình quân 20%). Thu hút đầu tư trong và ngoài nước được 111 dự án mới, 51 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 851,6 triệu USD và 8.333 tỷ đồng. Thu ngân sách tuy khó khăn, nhưng đều đạt và vượt dự toán hằng năm.
|
Đồng chí Lê Minh Trọng tặng hoa chúc mừng Hội thánh Cao Đài Tây Ninh nhân Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung. Ảnh: Tố Tuấn.
Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các Chương trình hành động thực hiện 3 khâu đột phá, các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả quan trọng; quan tâm chỉ đạo, đầu tư, đẩy nhanh quá trình kiến thiết thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại III. Quan tâm chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đặc biệt là đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất lúa hoặc khó triển khai thực hiện, đưa ra khỏi quy hoạch 2.033,92 ha, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Các mặt văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, phát triển, đạt kết quả khá toàn diện. Thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhờ đó, hộ nghèo chuẩn Trung ương trên địa bàn tỉnh năm 2011 là 4,1% đến năm 2012 giảm xuống còn 2,61%, tương đương với 7.308 hộ.
Công tác quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được giữ vững ổn định. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại với Campuchia, phân giới cắm mốc theo kế hoạch, xây dựng biên giới ổn định, hoà bình, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là, các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân; tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố ngày càng vững chắc…
- Trong thành tựu chung của ba năm qua, kết quả phát triển kinh tế xã hội - an ninh quốc phòng của năm 2013 góp phần như thế nào, thưa đồng chí?
- Riêng năm 2013, tỉnh đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24.2.2011 “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội. Kết quả, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 9,61% so cùng kỳ; 3 chương trình đột phá của tỉnh được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực; tỉnh cũng phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2050; hoàn thành các tiêu chí nâng cấp 2 xã Ninh Sơn và Ninh Thạnh thành Phường. Và như bạn đọc đã thấy, 2 xã Ninh Sơn, Ninh Thạnh đã thành phường, còn Thị xã đã là thành phố Tây Ninh từ ngày 29.12.2013 theo Nghị quyết 135 của của Thủ tướng Chính phủ.
Về văn hoá - xã hội, hệ thống trường, lớp học tiếp tục phát triển, tỷ lệ học sinh bỏ học được kéo giảm so với năm học trước; an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Về quốc phòng - an ninh, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và trong nội địa được bảo đảm, giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại giữa Việt Nam - Campuchia (các tỉnh giáp biên và tỉnh Tây Ninh) được duy trì thường xuyên. Công tác phân giới, cắm mốc luỹ kế đến nay đã xây dựng xong 97/109 cột mốc. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng giảm.
Về xây dựng chính quyền và cải cách hành chính luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương; công tác dân vận, mặt trận và đoàn thể tiếp tục được củng cố; công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được quan tâm; các ngành, các cấp đã vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tích cực đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”; xây tặng nhà “đại đoàn kết”. Về xây dựng Đảng, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh, phần lớn các cấp uỷ đã nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá khách quan, trung thực những thành tựu, những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp mình; đề ra các giải pháp để thực hiện cho những năm còn lại của nhiệm kỳ.
- Từ kết quả thực hiện Nghị quyết nửa nhiệm kỳ và năm 2013, đồng chí Phó Bí thư có thể cho biết Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì?
- Theo kết quả đánh giá tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, có năm bài học kinh nghiệm cụ thể: Một là, phải có sự đoàn kết, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hai là, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ba là, thực hiện tốt công tác dự báo, xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu cần gắn kết chặt chẽ với khả năng nguồn lực để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải biết tận dụng tốt thời cơ, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tìm khâu đột phá để tập trung dồn sức thực hiện đạt kết quả. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Bốn là, thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là việc bổ nhiệm, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường là nhân tố quan trọng quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm là, tranh thủ sự quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực, các tập đoàn kinh tế và phát huy mạnh mẽ nội lực của các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh.
- Từ những kinh nghiệm đó, tỉnh đề ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
- Cũng tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, tỉnh xác định nhiệm vụ đặt ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại là rất nặng nề, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, thì chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có những khó khăn, thách thức lớn hơn nửa đầu nhiệm kỳ đã qua, trong khi những tác động từ sự suy giảm kinh tế của đất nước, của tỉnh nhà vẫn còn; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn…
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
- Thứ nhất, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu nghị quyết đại hội cấp mình, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp. Trong đó phải tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, nhất là chuyển dịch nhanh hơn về cơ cấu kinh tế; nâng cao giá trị sản xuất các ngành, lĩnh vực.
- Thứ hai, quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc; không để xảy ra điểm nóng ở địa phương; tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện về các mặt văn hoá - xã hội. Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng khám, điều trị bệnh - nhất là nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chú trọng nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
- Thứ ba, thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại, giữ vững đường biên giới hoà bình hữu nghị và hợp tác.
- Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là các cơ quan và đội ngũ tham mưu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhất là người đứng đầu; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
- Thứ năm, chú trọng công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Coi trọng và phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp. Xây dựng nội bộ thật sự đoàn kết thống nhất cao cả trong suy nghĩ và hành động, nâng cao ý thức kỷ luật, thực hiện nghiêm túc những điều đảng viên không được làm, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác.
|
Đồng chí Lê Minh Trọng tặng quà cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Kiệt, ngụ ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: Tố Tuấn.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng và các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
- Với tư cách là người đại biểu của nhân dân - Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, xin đồng chí cho biết trong thời gian qua Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh đã ghi nhận và gửi gắm những ý kiến, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội và cơ quan thẩm quyền như thế nào?
Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị cử tri bằng nhiều hình thức như tiếp xúc cử tri, góp ý các dự án luật, công tác giám sát, khảo sát và làm việc các sở, ban, ngành có liên quan đến các nội dung kỳ họp Quốc hội. Riêng trong năm 2013, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, trước và sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII tại 88 điểm tiếp xúc, kể cả các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời các vị đại biểu Quốc hội còn tổ chức tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú và tiếp xúc cử tri theo ngành với 14.118 lượt cử tri tham dự, trong đó 501 cử tri phát biểu 674 vấn đề. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp và chuyển 238 kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương, 162 kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương và đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và trả lời. Từng vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đều thể hiện tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, cử tri; đã phản ánh kịp thời và đầy đủ nguyện vọng chính đáng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan Trung ương, địa phương; thông báo kịp thời kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị đến cử tri; cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu theo quy định của pháp luật.
Về công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH đã tổ chức 16 buổi hội nghị lấy ý kiến trực tiếp của đại diện các ngành, địa phương về tình hình thực hiện quản lý điều hành các lĩnh vực có liên quan ở địa phương cũng như ý kiến đề xuất về những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau được quy định trong các dự án luật và từ đó có được thông tin làm cơ sở cho việc tham gia thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường trong kỳ họp đạt kết quả. Đặc biệt, thời gian qua từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tuỵ, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của các ngành, các cấp và cử tri tỉnh nhà góp ý và tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là bản Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, cùng với việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương đã tổ chức các đợt giám sát như giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009 - 2012; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
|
Ảnh: NQV
Điển hình như về trả lời kiến nghị cử tri, các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm và trả lời nghiêm túc các ý kiến, kiến nghị cử tri qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nổi bật nhất là đề nghị tăng mức lương hưu của những đối tượng nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước (đều là những đối tượng đã trải qua thời gian của các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, trong thời kỳ đất nước hết sức khó khăn). Hiện tại lương hưu của những đối tượng này rất thấp, khó đảm bảo ổn định được cuộc sống theo giá cả thị trường hiện nay. Vấn đề này đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan (Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) tiến hành rà soát mức lương hưu của người nghỉ hưu qua các thời kỳ để có cơ sở đánh giá và đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Còn đối với nội dung kiến nghị đến chế độ, chính sách đối với những người “hoạt động không chuyên trách” ở cấp xã theo quy định của Nghị định 92, thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22.10.2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
- Tiếp tục những gì đã làm được từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, trong năm 2014 sẽ phát huy vai trò đại biểu của nhân dân như thế nào, thưa đồng chí?
Trong năm 2014, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết Quốc hội đã thông qua để pháp luật sớm đi vào cuộc sống, đồng thời đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2014. Cụ thể là tổ chức các cuộc giám sát với nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012, giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và giám sát về tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nhân dịp xuân mới Giáp Ngọ 2014, thay mặt Tỉnh uỷ và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, tôi xin kính chúc các đồng chí và cử tri tỉnh nhà sức khoẻ, hạnh phúc, an khang thịnh vượng; năm mới thắng lợi mới.
- Xin cảm ơn đồng chí.
BÀN DÂN
(Thực hiện)