Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Núi và hồ
Thứ tư: 11:36 ngày 31/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa mới qua các con đường, cánh đồng sừng sững bóng núi ở Tây Ninh, thì chắc chắn rồi sẽ mở ra một khung cảnh lòng hồ xa xanh, trong ngời nước bạc.

Núi Bà nhìn từ ấp Phước Lợi - Suối Đá.

Ngày nay, từ trung tâm thành phố Tây Ninh, dù có đi bất cứ đường nào: ĐT781, ĐT785 hay các con đường lượn ôm lấy núi như đường Khedol - Suối Đá… ta đều có cảm giác là: Đi hết núi là sẽ tới hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ lợi lớn nhất miền Nam.

Vậy nên, vừa mới qua các con đường, cánh đồng sừng sững bóng núi ở Tây Ninh, thì chắc chắn rồi sẽ mở ra một khung cảnh lòng hồ xa xanh, trong ngời nước bạc. Lòng anh, lòng tôi chắc đều ngân lên tiếng hát.

Lời bài ca nhạc sĩ Phó Đức Phương viết tự năm nào: “Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền/ Mây (ư) mây/ Nước (ư) nước/ Thuyền ta ngược/ Thuyền ta xuôi/ Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập ai phá núi/ Cho hồ nước đầy là mặt gương soi…”.

Đấy là những cán bộ công nhân đầu tiên của Viện Khảo sát thiết kế thuỷ lợi Việt Nam. Họ đã đến, luồn rừng lội suối trên miền đất còn nóng rẫy đạn bom ngay từ những tháng cuối năm 1975, khi cuộc chiến vừa kết thúc.

Đấy còn là những đơn vị xây dựng thuỷ lợi dày kinh nghiệm qua các công trình thuỷ lợi ở miền Bắc. Họ cũng là hàng vạn cán bộ, đoàn viên và nhân dân Tây Ninh, cùng tỉnh Sông Bé (cũ) và TP. Hồ Chí Minh, trong đó nhiều huyện, thị ở Tây Ninh đã “Tổng động viên” lực lượng dân công tham gia xây dựng lòng hồ.

Họ còn là biết bao cán bộ tâm huyết của Tỉnh uỷ Tây Ninh, của các bộ, ngành như: Thuỷ lợi, Nông nghiệp, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, các Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước của các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé và TP. Hồ Chí Minh…

Dẫu đôi lúc gặp nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, nhưng vẫn luôn kiên định một mục tiêu hoàn thành hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng. Và sau cùng, là công lao của 1.800 hộ dân với ngót 8 ngàn nhân khẩu của các xã Lộc Ninh, Tân Hưng, Suối Dây, Suối Đá. Từ miền đất quê hương họ từng sống chết, “một tấc không đi một ly không rời ấy”, họ đã di dời cửa nhà, mồ mả ông bà, cha mẹ để ra đi nhường đất cho công trình dân sinh thế kỷ, vì quyền lợi của hàng triệu người dân trên đất miền Đông…

Đoạn sau của bài hát: “Nhìn bóng chiều in ngấn nước/ Ta nhìn đất trời một dòng nghiêng soi/ Nghe tiếng rừng nghe tiếng suối/ Xôn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi”. Lại càng đúng hơn nữa, với hồ Dầu Tiếng.

Là vì phần lớn diện tích hồ hôm nay, xưa là rừng lịch sử Dương Minh Châu- những cánh rừng đã chở che bộ đội, đã bao vây quân thù suốt hai thời kháng chiến. Dưới tán rừng ấy, bài ca Lên ngàn do Hoàng Việt viết sau trận lũ lịch sử 1952 lần đầu được vang lên.

Ông hát cho người lãnh đạo văn nghệ sĩ Phân liên khu miền Đông là nhà thơ Bảo Định Giang nghe, xem có cần sửa chữa gì không! Bảo Định Giang chỉ còn biết lặng người đi trong xúc động.

Chính là nhờ người nghệ sĩ tài năng ấy, và cả người quản lý văn nghệ xuất sắc ấy, mà bài ca Lên ngàn đã bền bỉ sống đến tận ngày nay, dù trải qua biết bao bão giông thời cuộc. Nói thêm, ngay cả Nhạc rừng cũng được sinh ra dưới cánh rừng này.

Và tiếng rừng, tiếng suối của rừng chiến khu Dương Minh Châu ngày nào vẫn còn như vang lên khắp đó đây, ngay trên bao la mặt nước hồ Dầu Tiếng. Cho đến tận ngày nay, năm 2023, sau gần 40 năm khai sinh lòng hồ, người dân vẫn còn giữ nghề khai thác gỗ rừng chìm dưới bao la mặt nước.

Núi Cậu nhìn từ kênh Đông.

Xin được nhắc lại vài mốc thời gian về sự biến đổi từ rừng chiến khu thành lòng hồ thuỷ lợi. Đó là ngày 29.4.1981 khởi công, ngày 12.1.1983 khởi sự chặn dòng sông, xây đập chính.

Và ngày 10.1.1985 hồ cơ bản được hoàn thành để có hội mở nước đông vui hơn tất cả các cuộc hội hè khác từng có trong lịch sử. Kênh Đông dài 45km trườn tới tận Củ Chi. Kênh Tây tương tự sải cánh qua phía Tây, sang cả huyện biên giới Tân Biên. Hai con kênh này cũng có lưu lượng tương đương một dòng sông lớn.

Lại còn hàng trăm ki-lô-mét kênh mương cấp I tới cấp III dẫn nước tới khắp các cánh đồng trong tỉnh. Cho đến năm 2023, nước kênh Tây lại tiếp tục được qua cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, đưa tới những vùng còn khô hạn của hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Nước đi tới đâu, là hai bên bờ kênh loang loáng những mặt hồ in bóng mây trôi; là trắng đàn vịt bơi, là lao xao cá quẫy. Nhờ lòng hồ ta đấy! 270 cây số vuông mặt nước như tấm gương trời lộng lẫy. Để núi một bên diễm lệ soi mình từ gần 1.000m chiều cao.

Bạn đã thấy núi Bà có dáng hình một con voi nằm phủ phục chưa? Nếu chưa, hãy theo con đường từ đường Bời Lời trước cổng chính khu du lịch núi, mà sang đường Khedol - Suối Đá. Thật rõ hình một đầu voi, với cái vòi dài lừng lững thả sang Đông.

Đấy có lẽ là nguồn cơn của câu chuyện về nàng Mé Đen và chàng trai Khmer từ thuở nào đó, được bác sĩ J.C Baurac ghi lại trong cuốn sách Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông, xuất bản từ năm 1899 (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2022).

Nay trên đất Dương Minh Châu lại vừa có thêm một con đường mới nữa, nối từ đường Khedol - Suối Đá ra tận bờ hồ thuộc ấp Phước Lợi, xã Suối Đá. Chỉ khoảng 6km thôi, mặt bê tông nhựa láng o lượn giữa đôi bên ruộng rẫy xanh mơ, lấp lánh những tia nước vòi phun.

Chỉ 6km, mà như hội tụ tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của vùng đất nằm giữa hồ và núi. Những bờ lau xao xác gió. Mãng cầu mởn mơ xanh. Vườn cao su xám đậm đứng im lìm. Ra đến bờ hồ lại gặp những ruộng màu có hoa vàng rung rinh trên giàn tre trúc.

Xa xa, vươn qua mặt nước là những hòn, đống trong dãy núi Cậu như một bầy rùa, hay bầy trâu (mùa len trâu) lổm ngổm trên mặt nước xanh trong. Lại thêm hình tượng chứng minh cho câu chuyện của cô gái Mé Đen nỗ lực năm nào, đắp lên ngọn núi Bà cao vợi.

Hồ Dầu Tiếng

Giữa hồ và núi, tôi còn nhớ một chi tiết đáng giá trong cuốn sách đã kể của bác sĩ “thuộc địa hạng nhất” J.C Baurac. Đấy là ở quyển I: Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây, ông viết và in năm 1894.

Ngay từ đấy ông đã xác định được nguồn nước sông Sài Gòn là sạch nhất: “Vào năm 1892, đã có một công trình dài hơi về chủ đề này (Nước- TV); chúng tôi hy vọng công bố nó để lôi kéo sự chú ý của các quan chức cấp cao trong chính quyền thuộc địa về một nguồn nước mà chúng tôi tìm thấy vào năm 1888 ở Cái Cùng, thuộc vùng lân cận Tây Ninh.

Việc phân tích hoá học loại nước này được thực hiện bởi ông Gan Daubert, dược sĩ cao cấp, và việc kiểm tra bằng kính hiển vi do bác sĩ Calmette tiến hành, đã cho kết quả rất rõ ràng; vì vậy ở thời điểm đó chúng tôi có thể báo cáo nguồn nước này và đồng thời chỉ ra những ưu điểm của nó so với thứ nước thường sử dụng ở Nam kỳ…”.

Theo bản đồ mà J.C Baurac cho in ngay trên bìa sách thì Cái Cùng nằm ở ngay gần đập chính của lòng hồ hiện tại. Dĩ nhiên, nguồn nước quý giá này đã vĩnh viễn nằm dưới lòng hồ, và lặng lẽ ngày đêm cung cấp nước cho hồ.

Trên bờ bến Đá thuộc thị trấn, nước trong veo vẫn xô từng lượn sóng nhỏ bạc đầu vào bờ đá. Sóng vẫn thì thầm kể câu chuyện ngày chưa xa về rừng, suối của lòng hồ. Những huyền thoại mới của Tây Ninh hôm nay và huyền thoại xa xưa.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục