BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi nấm bào ngư để... ngất ngư

Cập nhật ngày: 09/04/2010 - 05:35

Tháng 11.2009, Chi cục Hợp tác xã (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh) triển khai thực hiện dự án nuôi trồng nấm bào ngư tại hai xã Thạnh Tân (Thị xã) và Long Vĩnh (huyện Châu Thành) với kinh phí hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia - giảm nghèo giai đoạn II, 2007 - 2010. Mục đích của dự án là giúp những hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, nghèo liền kề vươn lên. Thế nhưng, sau khi thực hiện dự án, nhiều hộ chẳng những không thoát nghèo mà còn… nghèo thêm.

Để được mắt thấy tai nghe, chúng tôi đã lần lượt tìm đến các hộ nuôi nấm ở Thạnh Tân và Long Vĩnh, đến đâu cũng nghe những lời than phiền xung quanh việc trồng nấm bào ngư theo dự án.

Thất vọng tràn trề

Trại nấm bào ngư của anh Thân bị bỏ hoang phế

Anh Huỳnh Tương Thân, 43 tuổi, ở tổ 1, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Tân dẫn chúng tôi ra xem trại nấm của gia đình anh nay đã thành “hoang phế”.

Anh Thân kể: cuối năm 2009, anh được Hội Nông dân xã mời đến tập huấn kỹ thuật trồng nấm bào ngư do bà Cao Thu Thuỷ -Chủ nhiệm Hợp tác xã Tấn Lộc hướng dẫn. Sau đó, anh được bà Thuỷ giao cho 1.195 bịch phôi nấm đem về trồng. Thấy được Nhà nước hỗ trợ làm kinh tế, anh Thân mừng lắm, liền vay 1 triệu đồng cất trại, làm giàn trồng nấm. Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", chỉ vài ngày sau đó đã có 795 bịch phôi nấm bị hư. Bà Thuỷ ghi vào biên nhận, hứa đến ngày 15.12.2009 sẽ đền bù nhưng mãi đến nay chưa thấy gì.

Trong suốt quá trình anh Thân trồng nấm, bà Thuỷ chỉ ghé hướng dẫn kỹ thuật duy nhất 1 lần. Không được hướng dẫn đến nơi đến chốn nên anh không biết cách chăm sóc. Thay vì mở nút bịch phôi nấm, tưới bằng bình xịt phun sương thì anh lại xé bịch ra và tưới bằng gàu. Kết quả đến kỳ thu hoạch anh chỉ được khoảng… 7 kg nấm.

“Bà Thuỷ hứa bao tiêu sản phẩm nhưng không thấy đến thu mua. Cuối cùng, tôi không biết làm sao đành để… ăn và cho bà con hàng xóm, để mọi người cùng biết mùi nấm... ngất ngư”, anh Thân chua chát nói.

Hộ ông Hồ Văn Cưng, 52 tuổi, cùng ấp Thạnh Lợi được xem là một trong số ít hộ trồng nấm bào ngư thành công nhất trong xã Thạnh Tân nhưng ông cũng bị lỗ vốn. Ông ký nhận 1.200 bịch nấm nhưng khi về đếm lại chỉ còn 983 bịch, trong đó có thêm khoảng 100 bịch bị hư. Ông Cưng bỏ ra 600.000 đồng cất trại trồng nấm. Mặc dù được chăm sóc đúng kỹ thuật hướng dẫn nhưng cuối cùng trại nấm của ông cũng chỉ cho thu hoạch kiểu “lai rai”, mỗi ngày khoảng… 1kg. Ông bán cho bà con trong xóm được khoảng 150.000 đồng, còn lại bao nhiêu nấm, gia đình… tự ăn. Ông Cưng nói: “Bà Thuỷ không hướng dẫn kỹ thuật thêm, cũng không bao tiêu sản phẩm như đã hứa. Đúng là đem con bỏ chợ. Đã nghèo, trồng nấm lại càng mạt thêm”.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Tân cho biết: toàn xã có 36 hộ được đầu tư nuôi nấm bào ngư. Đến nay chỉ có khoảng 10 hộ đạt hiệu quả. Ông Tòng kiến nghị: “Nhà nước có chủ trương giúp cho dân là tốt nhưng cần chọn mô hình làm kinh tế hiệu quả để dân không phải bị lỗ vốn”.

Tình hình trồng nấm bào ngư ở xã Long Vĩnh còn tệ hơn. Sáng ngày 7.4 vừa qua, chúng tôi đến ấp Long Châu thấy nhiều gia đình đã đem vứt những bịch nấm ra sân. Chị Trần Ngọc Phương ngụ tại ấp, dẫn chúng tôi vào xem căn nhà của chị đã thành trại nuôi nấm. Chị Phương kể: “Khi được giao nấm về trồng, chúng tôi mừng lắm. Không có tiền cất trại, chúng tôi phải dồn đồ đạc ra nhà sau, hy sinh phần nhà trước để làm trại nấm. Nhưng suốt mấy tháng qua, chỉ thu hoạch được khoảng 40 kg. Không có ai thu mua, tôi đành đem ra tiệm tạp hoá bán với giá trung bình 9.000 đồng/kg”. Buồn và thất vọng, mấy ngày nay chị Phương đem mớ  bịch nấm bỏ ra sân.

Tại nhà anh Phạm Văn Bình, những bịch nấm cũng chất thành đống ngoài gốc cây. Còn tại nhà anh Lê Văn Chánh, gần như toàn bộ số phôi nấm đều bị hư mà chưa được HTX Tấn Lộc bồi thường.

Anh Lê Văn Trong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh nói: “Xã có 36 hộ dân nghèo được nhận nấm về trồng. Trong số hơn 43.000 bịch phôi giống đã giao, sau khi nghiệm thu lại chỉ có hơn 22.000 bịch (51%) đạt chất lượng, số còn lại đều bị hỏng, đến nay chưa được bồi thường, gây thiệt hại cho người dân. Đã hai lần UBND xã mời bà Thuỷ - đối tác cung cấp phôi nấm cho Long Vĩnh đến lập biên bản vì không đúng hợp đồng nhưng đến nay, bà Thuỷ vẫn chưa đền bù, khiến tôi khó trả lời với bà con trong xã”.

Anh Trong còn kể cho chúng tôi nghe một chuyện vui… cười không nổi: bà Thuỷ hứa bao tiêu sản phẩm cho người trồng nấm mà không thấy thực hiện nên sau khi thu hoạch, bà con không biết “bắt đền” ai, bèn mang nấm đến… UBND xã. Anh Trong phải đứng ra thu mua chịu rồi giao lại cho bà Thuỷ. Tính đến nay, anh đã giao cho bà Thuỷ 80 kg nấm, nhưng bà chưa trả tiền. “Mấy ngày cận Tết âm lịch, bà con nông dân đến đòi tiền quá, tôi phải xuất tiền túi ra trả thay cho bà Thuỷ hết 20 kg. Đến nay, bà Thuỷ chưa trả tiền lại cho tôi. Tôi còn biết, bà Thuỷ đã thu mua 27 kg nấm của người khác và cũng lặn luôn”.

 Anh Trong đánh giá: “Dự án nuôi nấm bào ngư thất bại hoàn toàn”. Anh kiến nghị: “Nếu tỉnh ta có dự án khác hỗ trợ người nghèo thì nên chọn đối tác có uy tín”.

Y kiến của ngành chức năng

Ông Nguyễn Duy Ân, Chi cục trưởng Chi cục HTX – đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án nuôi trồng nấm bào ngư cho hai xã Thạnh Tân và Long Vĩnh cho biết: Dự án được triển khai từ tháng 6.2009 và chính thức thực hiện từ tháng 10.2009. Mỗi hộ dân được đầu tư không quá 3 triệu đồng để trồng nấm. Mô hình này do Chi cục HTX và chính quyền địa phương chọn. Để thực hiện dự án, Chi cục HTX đã thông báo mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng đúng theo quy định, nhưng vì dự án nhỏ, nên chỉ có bà Cao Thu Thuỷ, chủ nhiệm HTX Tấn Lộc nộp đơn xin đấu thầu. Vì vậy, Chi cục HTX chỉ định bà Thuỷ thực hiện. Theo hợp đồng đã được ký kết, từ ngày 22.10 đến 30.11.2009, bà Thuỷ phải giao 86.040 bịch phôi nấm cho bà con nông dân 2 xã Thạnh Tân, Long Vĩnh, hướng dẫn làm nhà nấm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, sau khi nghiệm thu phôi giống của bà Thuỷ, chúng tôi đã phát hiện có 25.000 bịch không đạt chất lượng. Chi cục HTX đã lập biên bản và bà Thuỷ đã cam kết đến hết ngày 15.4.2010 sẽ giao đủ số phôi giống bị hư cho người dân, nhưng đến nay (ngày 7.4.2010), bà Thuỷ vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như do thủ tục làm dự án kéo dài dẫn đến giao phôi nấm vào cuối mùa mưa, không thích hợp cho nấm phát triển. Người trồng nấm đều là hộ nghèo, không có tiền làm nhà trại đúng quy cách, chăm sóc nấm không đúng kỹ thuật. Nhà thầu (bà Thuỷ) không đáp ứng được những điều khoản đã ký kết và thiện chí hợp tác rất kém. Tất cả những nguyên nhân ấy dẫn đến dự án không đạt yêu cầu. Có nhiều khả năng Chi cục HTX sẽ kiện hợp đồng đối với bà Cao Thu Thuỷ.

Nấm bào ngư là một loại khó trồng, nó đòi hỏi phải có nhà trại đúng quy cách, giữ vệ sinh sạch sẽ và người trồng phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật nuôi trồng. Với những đặc tính trên, e rằng những người nông dân nghèo khó đủ điều kiện để thực hiện dự án này.

ĐẠI DƯƠNG - VIỆT ĐÔNG