Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm gần đây, việc nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình được nhiều người quan tâm, chọn làm nghề chính.
Những năm gần đây, việc nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình được nhiều người quan tâm, chọn làm nghề chính. Với diện tích không lớn, chỉ vài trăm mét vuông, thậm chí vài chục mét vuông đất, đào đất lên thành ao, lót vải mủ hoặc xây gạch, tráng xi măng giữ nước; dùng mô-tơ bơm nước giếng lên là có thể nuôi cá, ba ba, lươn. Công lao động cũng không phải mất nhiều thời gian, thức ăn cho vật nuôi thì sẵn có nguồn cung ứng từ cá hồ Dầu Tiếng, cá biển, và tận dụng phế phẩm khác. Nhiều hộ dân đã theo đuổi việc nuôi các loài thuỷ sản và hiện đã có kinh nghiệm, trở nên lành nghề, tự sản xuất được con giống, có thu nhập khá.
Anh Hồng Thế Phương (giữa) tại ao nuôi cá của gia đình |
Anh Hồng Thế Phương, 34 tuổi, gia đình nghèo, hai vợ chồng phải đi làm mướn nhưng không đủ ăn. Năm 2006, hai vợ chồng anh từ Củ Chi đến ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, DMC ở nhờ nhà người anh trai đi làm mướn. Thấy nhiều người đào ao nuôi cá lóc có lời, anh Phương bàn với vợ hỏi mượn đất của người anh đào 2 ao nuôi hơn 2 nghìn con cá lóc đen. Những lứa đầu do chưa có kinh nghiệm cá chết nhiều, mặt khác do thiếu vốn mua thức ăn phải đi vay ngoài lãi suất cao nên khi thu hoạch trừ mọi chi phí, còn lãi thấp. Không nản chí, anh Phương tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của nhiều người và đến nay anh đã trở thành người lành nghề trong số những người nuôi cá ao tại gia đình. Từ tay trắng, hiện anh Phương đã có vốn đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống ao nuôi cá ngay trên diện tích 1.500m2 của người anh trai cho mượn. Trong số 10 ao, anh Phương nuôi thả 2 ao cá lóc đen, 2 ao cá bông, 2 ao ba ba, 2 ao thả lươn và 2 hầm để nhân giống cá lóc. Tổng nguồn vốn đã đầu tư con giống và thức ăn trị giá hơn 400 triệu đồng, dự kiến cuối năm thu hoạch sẽ cho lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Hiện tại anh Phương đã nhân giống thành công cá lóc đen và ba ba, đang tiếp tục nghiên cứu để nhân giống cá lóc bông và lươn. Với quy mô sản xuất của anh Phương, ngân hàng chỉ cho vay tối đa 25 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Do thiếu vốn anh Phương phải vay ở ngoài hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi tới hơn 5 triệu đồng. Tại khu vực ấp Phước Lợi 2 có 6 hộ gia đình đã chọn nghề nuôi trồng thuỷ sản làm nghề chính. Tất cả các hộ này đang gặp phải khó khăn là thiếu vốn, nhất là lúc chuẩn bị thu hoạch phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, nhưng đầu ra không ổn định, thường bị thương lái ép giá, nhất là ba ba là loài có nguồn gốc hoang dã, nhưng chưa được đăng ký nuôi nên khi bán thường bị ép giá.
Các hộ nuôi trồng thuỷ sản quy mô nhỏ tại gia đình rất mong muốn được tổ chức như hợp tác xã để có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ việc vay vốn, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hoá cho sản phẩm của mình.
NGUYỄN CÔNG DÂN