BAOTAYNINH.VN trên Google News

Oanh liệt một thời, gương mẫu một đời

Cập nhật ngày: 07/05/2014 - 06:07

Cựu chiến binh Đinh Xuân Tần nay đã 89 tuổi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác vận chuyển, tiếp tế lương thực cho bộ đội hết sức gian nan. Trên đầu là máy bay địch, dưới đất đầy hiểm hoạ bom mìn trong khi thời tiết thì khắc nghiệt, phương tiện vận chuyển lại thiếu thốn.

Việc tiếp tế phải bảo đảm bí mật nên dân công càng phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với các đại đoàn chủ công trực tiếp tác chiến, có hàng vạn dân công được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra tiền tuyến.

Là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đinh Xuân Tần, hiện ngụ tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, quê Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1946, thuộc Đại đội 41, thuộc Sư đoàn 312.

Trước khi có lệnh tổng động viên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tần công tác trong một đơn vị chuyên về quân giới, sản xuất vũ khí, súng đạn cho quân đội. Theo lời kêu gọi cứu quốc, chàng trai trẻ Đinh Xuân Tần ngày ấy cũng như bao thanh niên yêu nước khác hăng hái cầm súng xông pha nơi chiến trường.

Hồi đó, trên bước đường hành quân, trải qua bao gian khó vượt thác, băng rừng, anh lính trẻ Đinh Xuân Tần chỉ mong muốn có một đôi dép lành lặn để vững bước đường xa. Đi chiến dịch, đôi dép cao su- cắt ra từ vỏ xe ô tô chính là vật quý giá của các anh bộ đội cụ Hồ.

Dép đứt quai, mòn đế là chuyện thường ngày và là nỗi lo của chiến sĩ khi hành quân. Nay được sống trong thời bình, đất nước đã ngưng tiếng súng từ rất lâu, cụ Tần ít nói về những tấm huân, huy chương thời trai trẻ nhưng cứ nhắc nhớ hoài về những đôi dép cao su của một thời lửa đạn.

Nếu như cựu binh Đinh Xuân Tần xem đôi dép cao su thời kháng chiến như báu vật, thì cựu binh Nguyễn Văn Chờ xem chiếc áo lính năm xưa là vật bất ly thân của mình. Cụ Chờ năm nay 84 tuổi, quê quán Ninh Bình, hiện sống tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh.

Cụ Chờ bây giờ sức khoẻ không còn như xưa, nhưng bản chất người lính cụ Hồ thời trẻ trai hầu như vẫn vẹn nguyên nơi cụ. Nhà cụ Chờ, phía trên cửa chính có ghi dòng chữ “Đảng Cộng sản muôn năm. Hồ Chí Minh muôn năm”.

Trên bàn thờ gia tiên, hình Bác Hồ được đặt trang trọng chính giữa. Các vị trí khác trong nhà cũng treo đầy ảnh Bác. Bị tai biến mạch máu não, trí nhớ đã lẫn lộn nhưng cụ Chờ không hề quên chuyện mình từng là người lính cụ Hồ, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp năm châu.

Đất nước thanh bình đã lâu nhưng giờ đây, hằng ngày cụ Chờ vẫn chỉ mặc đồ bộ đội. “Cha tôi luôn nhắc nhở con cháu sống giản dị, noi gương Hồ Chủ tịch. May đồ khác cho ông, ông không chịu mặc, cứ mặc đồ lính. Huy chương thì treo đầy trên áo, để đầy trên tủ, ông nói là để nhớ những kỷ niệm thời kháng chiến”- một người con của cụ Chờ cho biết.

Lúc còn khoẻ mạnh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chờ ít khi nói về những chiến công, thành tích của mình trong kháng chiến, luôn sống hăng hái, tích cực đóng góp sức mình cho xã hội.

“Sau khi về địa phương, sinh hoạt Đảng tại ấp Thanh Sơn, bác Chờ sống rất giản dị, bác rất tích cực tham gia công tác Hội Cựu chiến binh, góp sức giúp Hội đạt vững mạnh nhiều năm. Bác là một cựu chiến binh gương mẫu trong cách sống và trong các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền ở địa phương”- ông Phan Thành Mạnh- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Điền nhận xét về cựu chiến binh Nguyễn Văn Chờ như vậy.

Cựu chiến binh Đinh Nho Lâm cùng vợ trong cuộc sống đời thường

Ngoài các cụ kể trên, trên địa bàn huyện Châu Thành hiện còn có một cựu chiến binh Điện Biên cao tuổi khác- cụ Đinh Nho Lâm ở xã Thái Bình vẫn đang tiếp tục cống hiến sức lực phần đời còn lại của mình cho xã hội.

Ông Cao Văn Phấn- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thái Bình nói về cụ Lâm bằng những lời kính trọng: “Trước đây mấy năm khi bác Lâm còn khoẻ, bác tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ bằng cách đi nói chuyện trong các dịp lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12 ở các điểm trường trong xã. Bác cũng từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Tiếng nói của bác Lâm rất có trọng lượng, được nhiều người nghe theo”.

Ông Đinh Viết Phú, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành đánh giá: Các vị cựu chiến binh Điện Biên Phủ trong cuộc sống đời thường luôn thể hiện vai trò của những cây cao bóng cả để giáo dục, bảo ban thế hệ trẻ sống tốt, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia xây dựng quê hương.

Nguyên Vũ