Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

OCOP- Động lực phát triển kinh tế nông thôn 

Cập nhật ngày: 25/08/2020 - 22:24

BTNO - Một trong những giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp là việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, gọi tắt là OCOP.

Nâng tầm nông sản địa phương

Thực chất của OCOP là huy động các nguồn lực để thực hiện đồng bộ việc phát triển một hoặc một số sản phẩm chủ lực của từng địa phương, là sản phẩm mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí "kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ðể thực hiện, xã Suối Dây (huyện Tân Châu) triển khai chương trình OCOP đồng thời kết nối với các ngành, đơn vị cung ứng hỗ trợ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hoá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Đoàn Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết đã triển khai thực hiện OCOP gần một năm nay và xác định "Na Hoàng Hậu" (mãng cầu dai) là sản phẩm chủ lực. Đây là sản phẩm mới được đăng ký sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Theo ông Hoàng, loại trái cây này được người tiêu dùng ưa chuộng, nếu chú trọng đầu tư sẽ phát triển bền vững hơn. Từ đó, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm được chuẩn hoá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Sol, chủ hộ kinh doanh vận tải Phú Đô My tại ấp 3, xã Suối Dây cho biết, đây là giống cây mới được ông mang về trồng trên diện tích 10 ha tại ấp 7, xã Suối Dây, năng suất và chất lượng trái đạt cao, phù hợp trồng trên vùng đất xấu, đất cát, bạc màu.

Na Hoàng Hậu đã cho thu hoạch trái chiến, năng suất đạt gần 2 tấn trái/ha, được thương lái thu mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg. Để có thêm kinh nghiệm sản xuất, ông tích cực tham gia các buổi tập huấn, tư vấn kỹ thuật từ các cơ quan nông nghiệp địa phương. Ông Sol cho biết, những vụ sau, khi cho trái ổn định, năng suất bình quân sẽ đạt khoảng 7-8 tấn/ha.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm Na Hoàng Hậu.

Ông Sol cho biết thêm, hiện toàn bộ diện tích Na Hoàng Hậu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, ưu tiên bón phân hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.

Còn tại huyện Gò Dầu, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết, địa phương đã chọn trái sầu riêng là sản phẩm chủ lực với diện tích gần 1.000 ha. Để bảo đảm chất lượng, địa phương đã vận động người dân đầu tư công nghệ, tiếp cận được các công nghệ hàng đầu trong sản xuất.

Theo ông Dũng, chương trình OCOP mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Với xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, địa phương đã đăng ký "nhãn Ido" là sản phẩm tiêu biểu với diện tích trồng hơn 20ha. Theo ông Dũng, việc triển khai chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương.

Cụ thể như một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công, nhỏ lẻ. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Ông Dũng cho biết thêm, nhằm nâng cao giá trị nông sản, địa phương đã tập trung triển khai chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ngành nghề truyền thống còn khó khăn

Theo Sở NN&PTNT, tỉnh có một số điểm du lịch thu hút khá đông khách tham quan trong và ngoài nước như: núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng… và là địa điểm tiềm năng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn địa phương.

Hằng năm, UBND tỉnh tạo điều kiện cho các sở, ngành tổ chức hội chợ cho các HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm tại tỉnh và các chương trình hội chợ, triển lãm do Bộ NN&PTNT tổ chức, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá thương hiệu, tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có bước phát triển khá mạnh cả về số cơ sở, lao động, công nghệ và giá trị sản xuất; một số nghề truyền thống như bánh tráng, muối ớt, mây tre đan… đang từng bước mở rộng được thị trường.

Tuy nhiên, các sản phẩm này phần lớn chưa có thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa ổn định; sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế; trong khi đó, hoạt động ngành nghề nông thôn chưa gắn với du lịch nên hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Thu hoạch nhãn Ido trên địa bàn xã Truông Mít.

Một số nghề truyền thống hình thành lâu đời như nghề chằm nón lá, sản xuất đũa tre, nghề rèn… sản xuất mang tính nhỏ lẻ, không ổn định, hiệu quả thấp, có xu hướng bị mai một, thất truyền, nhưng các địa phương chưa có kế hoạch hỗ trợ để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Vùng nguyên liệu đang dần cạn kiệt, chi phí nhân công cao, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, doanh thu thấp nên nguồn vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú để đáp ứng thị trường.

Việc phát triển sản xuất kinh doanh lên quy mô doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở, hộ gia đình đa số thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; việc sản xuất chủ yếu là thủ công, công nghệ lạc hậu nên sức cạnh tranh thấp. Nguồn nguyên liệu đầu vào của một số nghề truyền thống đang ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng.

Theo Sở NN&PTNT, các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài.

Đồng thời tạo điều kiện các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tour, tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Với những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, các ngành chức năng cần hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra sản phẩm, ngành nghề mới có sự khác biệt. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu, tạo khả năng cạnh tranh, không chỉ sản xuất và phát triển trong một xã mà còn nhân rộng ra các địa phương khác.

Nhi Trần

TP. Tây Ninh có 39 loại sản phẩm, trong đó có 18 loại sản phẩm có quy mô như chằm nón, mãng cầu, làm bánh kẹo, sinh vật cảnh, bún, bánh canh, nấu rượu…; huyện Tân Biên có 35 loại sản phẩm, trong đó có 14 loại sản phẩm có quy mô như chế biến khoai mì, mía, chuối, xoài, rau, đậu…; Tân Châu có 35 loại sản phẩm, trong đó có 13 loại sản phẩm có quy mô như cao su, dê, mía, mãng cầu…;

Dương Minh Châu có 42 loại sản phẩm, trong đó có 31 loại sản phẩm có quy mô như mộc gia dụng, mây tre đan, làm gạch, cơ khí, làm nhang, nuôi trồng thuỷ sản, nhãn…; Châu Thành có 44 loại sản phẩm, trong đó có 32 loại sản phẩm có quy mô như nuôi trồng thuỷ sản, lúa, nấu rượu, thuốc lá, gà, vịt…;

Gò Dầu có 37 loại sản phẩm trong đó có 16 loại sản phẩm có quy mô như muối ớt, bánh tráng, nhãn, sầu riêng, lúa, may mặc…; Bến Cầu có 36 loại sản phẩm trong đó có 9 loại sản phẩm có quy mô như thuốc lá, lúa, trâu, nuôi trồng thuỷ sản…; thị xã Hoà Thành có 41 loại sản phẩm, trong đó có 23 loại sản phẩm có quy mô như mây tre đan, nhãn, đậu hũ, làm gạch; thị xã Trảng Bàng có 41 loại sản phẩm, trong đó có 23 loại sản phẩm có quy mô như bánh tráng, muối ớt, bò, xoài, bún…