Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện cuối tuần
Ôi thương quá... nông dân Việt Nam !
Thứ sáu: 14:52 ngày 07/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời kinh tế thị trường mà có người nhắc đến mối quan hệ “liên minh giai cấp” thật quý hoá quá! Nhưng mà “giải cứu” kiểu đó chừng nào mới cứu hết khổ, giải hết nạn cho nông dân?

- Ông ăn sáng chưa? Mình đi ăn hủ tiếu nhé!

- Tui ngán thịt heo lắm rồi, ta đi ăn phở thôi ông ơi!

- Sao ngán? Nhà mới mần heo hả?

- Không! Mấy bữa rày gia đình tui góp phần “giải cứu” thịt heo do mấy đứa con làm việc trong cơ quan, đơn vị nó mang về! Sếp chúng nó bảo: hãy coi việc ăn thịt heo như là một “nghĩa vụ” giúp đỡ nông dân, kế thừa truyền thống đại đoàn kết dân tộc, liên minh giai cấp công - nông ngày xưa...

- Hả? Thời kinh tế thị trường mà có người nhắc đến mối quan hệ “liên minh giai cấp” thật quý hoá quá! Nhưng mà “giải cứu” kiểu đó chừng nào mới cứu hết khổ, giải hết nạn cho nông dân?

- Hỏi đúng đấy ông ạ! Nước ta đã từng “giải cứu” quá nhiều loại nông sản, thuỷ hải sản... từ ngày nông dân đi vào sản xuất hàng hoá cho đến nay. Tui nhớ không lầm thì chúng ta đã từng “giải cứu” mía, tỏi, nghệ, dưa hấu, thanh long, dừa khô, khoai lang, chuối, cà phê, muối, gà, trứng, lúa gạo, tiêu, điều, tôm, cá tra, cá bớp... và lúc này là “giải cứu” heo (lợn) trên khắp cả 3 miền, “giải cứu” đu đủ ở Tây Nam bộ! Hổng biết sắp tới sẽ “giải cứu” cây, con gì nữa đây?

- Ông bà ta có câu tục ngữ rất hay “Thấy người ăn khoai vác mai đi đào”, là để phê phán cái tính hay bắt chước của anh nhà nông Việt Nam! Tội nghiệp nông dân mình, do đa số học vấn còn thấp, trình độ nhận thức kinh tế - kỹ thuật về ngành nghề sản xuất cũng không cao, thấy làng trên xóm dưới ai nuôi, trồng cây, con gì có lời (thường trong một, hai mùa vụ đầu) thì bắt chước sản xuất theo một cách máy móc mà không tính đến các quy luật của kinh tế thị trường (giá trị, cung cầu, cạnh tranh...) nên sản xuất ra mà không mang lại hiệu quả, có khi mất cả chì lẫn chài, giống như anh nhà nông kia, bán trâu cho ông hàng xóm để lấy vốn trồng dưa, đến khi dưa chín không bán được, kêu ông hàng xóm dắt trâu qua ăn dưa vậy!

- Những điều hạn chế của nhà nông Việt Nam như ông vừa nói, theo tui, không phải lỗi chỉ tại họ. Và cho dù trình độ có thế nào, thì nông dân nước ta vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá - nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

- Vâng! Không ai thay được họ trong sự nghiệp này, cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc suốt 72 năm qua... “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước...”, nếu... tính tỷ lệ “máu” trên lá cờ, máu giai cấp nông dân chiếm hơn bảy, tám mươi phần trăm đấy ông ạ! Vậy nên, tui xin có kiến nghị này!

- Nói tui nghe với, được không?

- Ðược, công khai mà! Ðất nước có 24.000 tiến sĩ/ Học vấn cao tót vời/ Ðất nước nhiều quan chức/ Ði nghiên cứu nước ngoài/ Mà tại sao nông, thuỷ sản/ Cứ “giải cứu” dài dài/ Ðược mùa thì mất giá/ Lỗi tại ải, tại ai?/ Nếu thương nhà nông khổ/ Xin bước xuống luống cày/ Làm “luận văn” với họ/ Cùng “nghiên cứu” tương lai!/ Xây nông thôn trù phú/ Ðất nước hoá rồng bay/ Mong lắm thay!

THIÊN HẠ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục