Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cả thế giới đang lo âu vì đại dịch Covid-19 và vì thế không nhiều người tin tưởng việc kiểm soát doping sẽ được thực thi nghiêm túc như một sự bảo đảm cho thành công tuyệt đối của kỳ Olympic sắp khai mạc
Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) vừa bác bỏ vụ kiện chống lại các VĐV bơi lội người Nga Alexandr Kudashev và Veronika Andrusenko hôm 20-7, cho phép cả 2 tham gia thi đấu tại Olympic Tokyo do không có đủ bằng chứng về việc vi phạm các quy tắc phòng chống doping.
Điều đáng chú ý là Liên đoàn Thể thao dưới nước quốc tế (FINA) chỉ vừa ban hành quyết định đình chỉ tạm thời bộ đôi VĐV này chưa đầy một tuần, căn cứ vào các bằng chứng do Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cung cấp, được trích xuất phát từ các tài liệu thu hồi tại Phòng thí nghiệm chống doping ở Moscow trước đây.
Từ vụ kiện bất thành này, kết hợp với việc cường quốc thể thao Nga không thể "danh chính ngôn thuận" tham gia Olympic Tokyo vì quá khứ dính dáng quá sâu với doping (330 VĐV nước này sẽ thi đấu dưới phiên hiệu "Ủy ban Olympic Nga", quốc hiệu, quốc kỳ lẫn quốc ca đều không được sử dụng tại đại hội), không khó để nhận thấy doping vẫn thực sự là vấn đề gây nhức nhối của thể thao quốc tế. Tuy vậy, liệu việc kiểm tra doping đã được thực thi ra sao trong hơn 18 tháng qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát?
Đoàn thể thao Úc chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Narita, Nhật Bản Ảnh: REUTERS
Theo điều tra độc quyền của tờ The Mail on Sunday, tình hình dịch Covid-19 "vô tình" đã làm giảm mạnh sự chú ý vào các cuộc kiểm tra việc sử dụng chất kích thích trong thể thao. Từ 306.000 cuộc kiểm tra vào năm 2019, con số này đã giảm chỉ còn 168.000 cuộc vào năm ngoái. "Gây sốc" hơn cả là con số chi tiết so sánh thời điểm tháng 4 của hai năm này: Tháng 4-2019, toàn thế giới có khoảng 25.000 cuộc kiểm tra đột xuất lẫn thường xuyên, trong thi đấu và sau khi các giải đã kết thúc, phát hiện được 1% ca dương tính, tương đương 250 vụ gian lận bị bại lộ.
Thế nhưng, ở thời điểm tháng 4-2020, khi 33 quốc gia ở châu Âu dừng tất cả các cuộc kiểm tra, xét nghiệm và hầu hết các quốc gia khác cũng làm điều tương tự thì cả thế giới chỉ ghi nhận… 578 cuộc kiểm tra và chỉ vài trường hợp bị đưa ra ánh sáng.
Sue Backhouse, giáo sư tâm lý và dinh dưỡng tại Đại học Leeds Beckett, cho biết: "Để phát hiện doping trong thể thao, người ta phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong cũng như ngoài các giải đấu. Một khi các hoạt động thể thao bị đình trệ trong thời gian dài, doping đương nhiên có cơ hội tái xuất".
Căn cứ theo tỉ lệ 1% vi phạm, xem ra trong hơn một năm qua đã có ít nhất 1.400 trường hợp "thoát" án doping và giả sử tất cả số VĐV này cùng góp mặt tại Olympic Tokyo, liệu sẽ có bao nhiêu VĐV chân chính giành được huy chương từ công sức tập luyện của chính mình?
Jamaica, cường quốc điền kinh đồng thời cũng là nơi dính nhiều vụ án doping, kể từ cuối tháng 3-2020 đã đình chỉ mọi hoạt động xét nghiệm doping trong vòng 7 tháng. Tại Nga, cơ quan phòng chống doping RUSADA không hoạt động hàng tháng trời trong năm 2020. Tương tự, Trung Quốc tạm dừng việc kiểm tra từ tháng 2-2020 và hoạt động lại theo kiểu cầm chừng. Tại Anh, UKAD chỉ hoạt động khoảng 6% công suất với 124 ca xét nghiệm mùa hè 2020, ít hơn hàng chục lần so với 2.017 ca cùng kỳ năm 2019.
VĐV quần vợt Coco Gauff và VĐV bóng rổ 3x3 Katie Lou Samuelson, đều của đoàn thể thao Mỹ, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, VĐV bóng chuyền bãi biển Ondrej Perusic (CH Czech), VĐV thể dục dụng cụ Kara Eaker (Mỹ) cũng mắc Covid-19 khi đang tập huấn tại Nhật Bản.
Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 hôm 18-7 đã thông báo trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ngay tại làng Thế vận. Kể từ ngày 2-7, đã có 58 trường hợp nhiễm bệnh gồm cả VĐV, quan chức và nhà báo.
Nguồn NLDO