Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tin buồn về ông Nguyễn Văn Choàng (Năm Choàng, còn gọi là Nguyễn Tấn), đảng viên lão thành vĩnh viễn ra đi đến với những người làm báo Tây Ninh hết sức đột ngột, dù rằng đến ngày xuôi tay nhắm mắt, vĩnh biệt cõi đời 13.11.2021, ông vừa bước qua tuổi 92 được hơn một tháng.
Ông Năm Choàng bên chiếc máy in typo tự tạo năm 1947 lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Đức An
Đó là tính theo ngày sinh chính thức trên giấy tờ - 5.10.1930, còn theo ông và những người cùng thời với ông, ông tuổi Đinh Mão – 1927, nghĩa là đến nay ông đã bước sang tuổi 95.
Đối với Đảng bộ tỉnh ông là một nguyên Tỉnh uỷ viên 75 tuổi Đảng; đối với Báo Tây Ninh ông vẫn là nhân chứng lịch sử duy nhất từ ngày ra mắt số báo đầu tiên đến ngày kỷ niệm 75 năm Báo Tây Ninh hình thành và phát triển 5.10.2021.
Và sự ra đi của ông đối với mọi người vẫn hết sức đột ngột, vì chỉ mới đây thôi, ngày ông được Tỉnh uỷ trao tặng Huy hiệu 75 tuổi Đảng 23.6.2021, ông vẫn còn khơẻ mạnh, sáng suốt, phát biểu sang sảng về con đường theo Đảng suốt ba phần tư thế kỷ, góp ý về công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay; cũng như những ngày Báo Tây Ninh thực hiện bộ phim tài liệu 75 năm truyền thống Báo Tây Ninh 5.10.2021, ông trình bày rành mạch, chi tiết từ cách in báo bằng đất sét đến cách in chữ chì (in typo) bằng máy in tự tạo, trước ống kính camera tại nhà ông và tại Bảo Tàng tỉnh bên cạnh hiện vật là chiếc máy in typo tự tạo, đóng bằng gỗ phỏng theo kiểu máy in Yoda của Nhật.
Năm 1949, ông là Uỷ viên Ban Tuyên truyền (sau là Ban Tuyên huấn) tỉnh, được Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ phụ trách nhà in mang tên của báo Dân Quyền. Sở dĩ ông được giao nhiệm vụ đứng đầu nhà in của Ban Tuyên truyền tỉnh, in tờ báo và các tài liệu phục vụ kháng chiến từ khi chưa đến tuổi đôi mươi, là vì chính ông đã lặn lội dưới suối Cây Chò ở căn cứ Ninh Điền trong năm đầu “kháng chiến chín năm” để móc đất sét trắng (đất kaolin) về nhồi nặn, đổ khuôn, viết chữ ngược để in những số đầu tiên Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh.
Rồi sau đó không lâu ông được Tỉnh uỷ cử đi học kỹ thuật in typo tại nhà in Lý Chính Thắng của Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam bộ đóng tại căn cứ An Phú Đông, tỉnh Gia Định (TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Chỉ trong vòng hai tháng vừa học vừa làm, ông “lấy được” nghề in typo và được nhà in tặng cho 30 kg chữ chì mang về căn cứ kháng chiến ở quê hương mình.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Nguyễn Văn Choàng. Ảnh Tố Tuấn
Với vốn liếng ban đầu như thế, với sự ủng hộ rất tích cực của các cơ sở cách mạng ở thị xã Tây Ninh, nhà in Dân Quyền, sau được mang tên của Dương Minh Châu, trong chiến khu đã nhanh chóng phát triển với nhiều loại máy móc và hàng tấn chữ chì.
Một số thanh niên học sinh theo kháng chiến được đưa về nhà in cho Năm Choàng dạy nghề, trở thành công nhân kỹ thuật. Có nhà in lớn mạnh, báo Dân Quyền xuất bản thường xuyên, liên tục cho đến khi kết thúc thắng lợi “chín năm kháng Pháp”.
Sau Hiệp định Genève-1954, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, chú Năm Choàng được bố trí ở lại, “điều lắng” tại tỉnh nhà. Đến năm 1960, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ ở miền Nam không chịu thực hiện Hiệp định mà thẳng tay đàn áp, trả thù những người kháng chiến, cách mạng lại vùng lên với chiến thắng Tua Hai lịch sử ở Tây Ninh, mở đầu phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam.
Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Tây Ninh, lúc này “nằm hầm bí mật” tại Lợi Hoà Đông, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, quyết định tái bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng thiết bị của nhà in cũ được đào lên sau nhiều năm chôn lấp dưới đất đã bị hư mục, không còn sử dụng in báo được nữa.
Chú Năm Choàng được lệnh cải trang, đột nhập tận “thủ đô” của địch ở Sài Gòn, theo đường công khai đi mua sắm thiết bị in, chủ yếu là các loại chữ chì và dụng cụ in typo, để tái lập nhà in và tiếp tục xuất bản tờ báo Đảng của tỉnh mang tên Báo Giải Phóng cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975.
Phóng viên Báo Tây Ninh nghe ông Năm Choàng kể chuyện về chặng đường làm báo Dân Quyền 75 năm trước nhân dịp ngày truyền thống 5.10.2021. Ảnh: Đức An
Sáu tháng sau ngày giải phóng, vào tháng 1 năm 1976, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ I (vòng 1), ông Nguyễn Văn Choàng được bầu làm Tỉnh uỷ viên dự khuyết, và đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ I (vòng 2), ông được bầu làm Tỉnh uỷ viên chính thức, nhiệm kỳ 1977-1979.
Từ đây, ông Năm Choàng trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh, lần lượt được Tỉnh uỷ giao giữ các nhiệm vụ phụ trách Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Khi Báo Tây Ninh chính thức trở thành Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh theo quyết định của Tỉnh uỷ, ông Năm Choàng không còn trực tiếp tham gia hoạt động với tờ báo nhưng ông vẫn gắn bó với Báo Tây Ninh cho đến tận những ngày cuối đời mình, vào năm thứ 75 trong lịch sử tờ báo.
Và hôm nay ông Nguyễn Văn Choàng – chú Năm Choàng kính yêu của những người làm báo và bạn đọc báo Tây Ninh đã giã từ cuộc sống, đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của chúng ta.
Nguyễn Tấn Hùng