Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Sinh Hùng được đề cử làm Chủ tịch QH
Thứ sáu: 09:39 ngày 22/07/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chủ tịch Quốc hội khoá XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII trình bày Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Chiều 22.7, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII; trao đổi về dự kiến nhân sự Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XII báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội khoá XII Nguyễn Phú Trọng cho biết tuyệt đại đa số các đại biểu nhất trí với Tờ trình về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XIII với sự tán thành của toàn bộ 494 đại biểu Quốc hội có mặt.

Chủ tịch Quốc hội khoá XII Nguyễn Phú Trọng thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII trình bày Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng được đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khoá XIII.

4 Phó Chủ tịch Quốc hội được đề cử gồm 3 Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XII Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngoài 5 ứng viên các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khác được đề cử gồm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện; Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Trần Văn Hằng; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương và Trưởng Ban Dân nguyện Bùi Văn Cường.

Cuối phiên họp chiều 22.7, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để trao đổi về dự kiến nhân sự Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Theo chương trình, chiều 23.7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Dưới đây là tóm tắt tiểu sử các ứng viên Chủ tịch và Phó Chủ tịch  Quốc hội.
1. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng

Họ và tên: Nguyễn Sinh Hùng 

Sinh ngày: 18.1.1946. Quê quán: Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dân tộc: Kinh.

Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 26.5.1977.

Trình độ học vấn: Tiến sĩ kinh tế. Lý luận chính trị: Cao cấp.

Tóm tắt quá trình công tác

Năm 1972: Tham gia cách mạng. Từ năm 1972 đến năm 1977: Là cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính.

1978- 1982: Nghiên cứu sinh tại Bulgaria.

10.1986- 1.1990: Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính. Từ 10.1992: Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Tháng 6.1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 11.1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tháng 4.2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, được bầu là Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tháng 8.2002, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tháng 4.2006, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Ngày 28.6.2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI được bầu giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ.

Ngày 28.7.2006: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư ban Cán sự đảng Chính phủ. Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Tại Đại hội Đảng XI diễn ra tháng 1 năm 2011 vừa qua, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

2. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng:

Họ và tên: Tòng Thị Phóng

Sinh ngày 10.2.1954.

Quê quán: phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Dân tộc: Thái.

Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 20.11.1981.

Trình độ học vấn: Cử nhân Luật.

Lý luận chính trị: Cao cấp.

Tóm tắt quá trình công tác:

Tháng 6.1965: Tham gia cách mạng

1991- 1996: Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La.

Tháng 6.1996: tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La.

Tháng 9.1997: Phó Chủ nhiệm kiêm nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Tháng 1.2001: Đại hội lần thứ 11 Đảng bộ Sơn La bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Tháng 4.2001: tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 5.2002: Đại biểu Quốc hội khoá XI.

Tháng 9.2002: Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tháng 4.2006: tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công Bí thư Trung ương Đảng.

Ngày 23.7.2007: tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội khoá X, XI, XII.

3. Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Kim Ngân

Họ và tên: Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày sinh: 12.4.1954

Quê quán: Xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

Dân tộc: Kinh.  Tôn giáo: Không

Trình độ học vấn: Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Chính trị

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X; Bí thư Ban Cán sự, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Chính phủ nhiệm kỳ khoá XI, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII

Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 9.12.1981

Ngày chính thức: 9.12.1982

Tình trạng sức khỏe: Tốt

Khen thưởng: Huân chương Lao động hạng II, III

Kỷ luật: Không

Đại biểu Quốc hội khoá: XII, XIII

Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương khoá XI đã được bầu vào Ban Bí thư Trung ương.

4. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

Họ và tên: Uông Chu Lưu

Ngày sinh: 20.7.1955.

Quê quán: Xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Dân tộc:  Kinh.

Tôn giáo: Không.

Trình độ học vấn: Tiến sĩ

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật học, Cao cấp lý luận chính trị

Nghề nghiệp, chức vụ: Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Ngày vào Đảng:  3.12.1983

Ngày chính thức: 3.12.1984

Khen thưởng: 2 Bằng khen, 5 huy chương và kỷ niệm chương của các ngành

Kỷ luật: Không

Là đại biểu Quốc hội khoá: XI, XII, XIII

5. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Huỳnh Ngọc Sơn:

Họ và tên: Huỳnh Ngọc Sơn

Ngày sinh: 10.10.1951

Quê quán:  Phường Hòa Quí, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Dân tộc: Kinh

Tôn giáo: Không

Trình độ học vấn:  Đại học

Trình độ chuyên môn: Chỉ huy tham mưu cao cấp

Nghề nghiệp, chức vụ hiện tại: Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5

Ngày vào Đảng: 06.8.1971

Ngày chính thức: 6.5.1972

Khen thưởng: Được tặng thưởng nhiều huân huy chương

Là đại biểu Quốc hội khoá: XI, XII, XIII

(Theo Vietnam+/VTC)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục