Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ông Phan Đình Trạc: “So với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí”
Chủ nhật: 09:24 ngày 25/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng tình trạng lãng phí hiện nay rất lớn, thậm chí nhiều đánh giá cho thấy còn lớn hơn thất thoát và tham nhũng.

Phát biểu thảo luận tổ chiều ngày 24/7 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, ông Phan Đình Trạc -  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đặt vấn đề lâu nay chống tham nhũng làm tương đối tốt, nhưng cũng thực tế cho thấy, để kéo dài sự phá sản sau vụ án cũng là một dạng lãng phí, thất thoát.

“Nhiều vụ án ta tuyên mà không thực hiện được. Đất đai, tài sản nhưng không tháo gỡ khó khăn vướng mắc, dừng và để dự án kéo dài, nhiều địa phương lãng phí rất lớn vì không triển khai dự án được, không đưa vào phục vụ hoạt động kinh tế xã hội” – ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Dẫn chứng một số địa phương có nhiều nguồn lực phát triển tương đối cao như Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa…, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết đang có những ách tắc liên quan giải phóng nguồn lực trong nhiều vụ việc sai phạm đã được thanh tra, kiểm tra.

“Thực tế này đặt ra yêu cầu chúng ta cần có một cơ chế đặc thù, như việc Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về đất quốc phòng cho phát triển kinh tế. Cần có cơ chế riêng nếu không nguồn lực sẽ bị lãng phí” – ông Phan Đình Trạc nêu quan điểm.

Cho rằng lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản vô cùng lớn, ông Phan Đình Trạc đặt vấn đề nguyên nhân do đâu? Khái niệm thế nào là lãng phí, thế nào là tiết kiệm có quy định trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm là sử dụng dưới mức định mức, không vượt định mức, còn lãng phí là vượt quá định mức tiêu chuẩn.

“Quy trách nhiệm, yêu cầu xử lý trách nhiệm người gây lãng phí thì căn cứ phải dựa trên định mức tiêu chuẩn, nhưng nếu người xây dựng định mức tiêu chuẩn đó không phù hợp thì có xử lý không? Anh xây dựng định mức hời hợt” – vị đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng nói và lưu ý rằng luật ban hành nhiều năm nhưng đến giờ chưa được sửa cho phù hợp hơn. 

Dẫn chứng công trình mà báo chí từng đưa ra là “rút ruột công trình” vì sắt phi 12 chỉ có phi 10, nhưng khi Cục giám đất chất lượng vào làm việc cho thấy chất lượng công trình đảm bảo, điều đó cho thấy định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán.

“Chi phí nhà tư vấn ăn theo giá trị công trình, giá trị càng cao thì càng lớn. Thiết kế an toàn, mất gì mà không nâng hệ số an toàn lên. Tất cả đều thấy nhưng không ai sửa. Hay một đoạn đường cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng, bớt 3.000 tỷ đồng mà quy mô chất lượng công trình không thay đổi là do tổ chức thi công hay do định mức của ta quá thừa? Soi với định mức kinh tế kỹ thuật của Đức với của ta, khác nhau một trời một vực” – ông Phan Đình Trạc nói.

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, muốn chống lãng phí trước hết phải từ định mức kinh tế kỹ thuật. Nhiều định mức kinh tế kỹ thuật trong thực tiễn phát sinh chưa có, không được vận dụng. Đơn cử như thay đổi phương pháp thi công, ta chưa có định mức trong phương pháp thi công thì tính thế nào? Hồi xưa một máy bao nhiêu ca dầu, nhưng giờ thì ra sao khi máy móc hiện đại, nhân công đắt hơn? Cả bao nhiêu năm không thay đổi, khiến tình ngay lý gian, lý thì sai nhưng lại hoàn toàn phù hợp cuộc sống.

Một vấn đề nữa mà ông Phan Đình Trạc đề cập là nhận thức, trách nhiệm trong và ngoài nhà nước khi “ta không quan tâm đến giáo dục và thay đổi nhận thức nên trách nhiệm chống lãnh phí chưa cao”. Ta phải chống được lãng phí, còn tiết kiệm là khuyến khích chứ không phải bắt buộc, cần chống lãng phí là trách nhiệm lớn. Phải truyền nhận thức đầu tiên từ người đứng đầu, trong đảng viên, Nhà nước trước mới đến bên ngoài xã hội.

“So với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí, người dân bình thường cũng lãng phí, thậm chí lãng phí ghê gớm so với Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển… Phúc lợi công cộng của họ phổ biến nhưng họ cực kỳ tiết kiệm” – ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Nguồn VOV.VN

Tin cùng chuyên mục