Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phá sản doanh nghiệp hay “trốn” thưởng Tết?
Thứ tư: 09:35 ngày 04/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều năm qua, trong tháng 12, số doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản lại tăng vọt, gây ra nhiều hệ lụy không chỉ về kinh tế, mà còn về bảo đảm an sinh xã hội vào dịp Tết.

Một trong những điểm sáng đáng chú ý trong năm 2016 là sự bùng nổ với gần 136,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hơn nữa, theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê: Có hơn 80% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV-2016 ổn định và tốt hơn quý trước; quý I-2017 cũng sẽ ổn định và tốt lên so với quý IV-2016...

Tuy nhiên, có một vấn đề cần quan tâm, đó là ngược lại với sự cải thiện môi trường và cơ hội kinh doanh chung, trong tháng 12-2016, cả nước có 2.010 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng tới 71,4% so với tháng trước và tăng gấp đôi mức trung bình mỗi tháng trong năm. Tương tự, trong tháng 12-2015, cả nước có 8.615 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 80,6% và có 999 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 20,8% so với tháng trước. Trước đó, trong tháng 12-2014, cả nước có 7.944 doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 30,2% so với tháng trước...

Doanh nghiệp phá sản hay dừng hoạt động là điều bình thường của đời sống kinh tế thị trường. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, tại sao số doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản lại tăng vọt tập trung vào tháng cuối hằng năm như vậy, khi tuần lễ Nô-en, Tết Dương lịch và Âm lịch thường là cơ hội vàng cho cộng đồng doanh nghiệp tăng đầu tư, mở rộng kinh doanh đón bắt và đáp ứng làn sóng đa dạng về nhu cầu, sự mở rộng về quy mô và sự cải thiện sức mua thị trường… Thực tế có không ít cơ sở để dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu doanh nghiệp dừng hoạt động hay phá sản do gặp khó khăn khách quan thật sự trong kinh doanh hay đó chỉ là "chiêu" áp dụng, khai thác kẽ hở pháp lý nhằm qua mặt cơ quan chức năng để trốn thuế, trốn các khoản nợ. Năm nay, đây cũng có thể là cách để “trốn” thưởng Tết và trốn cả việc tăng lương cho người lao động theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp trên cả nước đều được tăng từ 120 đến 250 nghìn đồng… Doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động, dù với bất kỳ lý do gì, thì người lao động của doanh nghiệp đó đều mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bản thân và gia đình. Khi doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản đột ngột hay chủ doanh nghiệp bỏ trốn và nợ lương, bảo hiểm xã hội thì hệ lụy càng lớn người lao động sẽ càng lao đao, khó khăn gấp bội. Tình cảnh còn nặng nề hơn khi doanh nghiệp phá sản hay dừng hoạt động vào thời điểm tháng 12. Bởi khi đó, mọi khoản lương, thưởng Tết cuối năm mà người lao động kỳ vọng trong suốt cả năm làm việc đều đột ngột không còn, đồng nghĩa mất Tết, kém vui. Hơn nữa, những khoản nợ bảo hiểm xã hội sẽ càng khó đòi hơn, khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc cố tình chây ỳ với lý do mình đã phá sản!?

Việc dừng hoạt động hoặc cố tình đội lốt phá sản doanh nghiệp để “trốn Tết”, trốn nợ và trốn luôn cả những nghĩa vụ tài chính và đạo đức đối với nhà nước và xã hội là khoảng trống đáng quan ngại trong quản lý nhà nước và trong văn hóa doanh nghiệp.

Bởi vậy, cùng với tạo mọi điều kiện thuận lợi và an toàn cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp chính quyền, bộ, sở, ngành và công đoàn cũng cần quan tâm bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an sinh xã hội cho cộng đồng người lao động nói chung, cho những lao động trong những doanh nghiệp bị phá sản hay dừng hoạt động dịp cuối năm nói riêng; giảm thiểu những “cú sốc phá sản - trốn Tết” cho mỗi cá nhân người lao động, cũng như cho an ninh, trật tự và an toàn xã hội nói chung trong bối cảnh nhiều bất ổn, phức tạp khó lường hiện nay.

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục