Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gần đây, báo chí đưa liên tục các vụ phá rừng làm khách sạn, sân golf, biệt thự, thậm chí phá rừng để nuôi bò...
Những cánh rừng bị tàn phá ấy toàn là rừng xanh ở nơi xung yếu, rừng phòng hộ ven biển... vốn là những tấm áo choàng bảo vệ cho đất liền như ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), bãi biển Tuy Hòa (Phú Yên)...
Nghe mà đau tức ngực vì sự “thiếu hiểu biết” của người ra quyết định, vì đánh đổi môi trường một cách tùy tiện, dễ dãi. Đó có thể nói là những quyết định thiếu trách nhiệm với môi trường thiên nhiên và với thế hệ mai sau.
Các trận thiên tai đang diễn ra ngày càng nhiều, như các trận lụt lội dữ dội tại Trung Hòa năm rồi, hay hàng chục ngôi nhà của bà con An Giang chìm nghỉm xuống lòng sông Vàm Nao mới đây, những trận lũ bùn cuốn trôi tất cả làng xóm, hoa màu của dân nghèo...
Ngẫm nghĩ lại, đó chính là sự đáp trả của thiên nhiên. Con người đã gây ra tội lỗi với cây cỏ, phá rừng cũng có nghĩa phá hoại ngay chính ngôi nhà của mình thì điều tất yếu, hậu quả nhận lãnh sẽ phải xảy ra như vậy.
Còn nhớ khi xây dựng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) thì cách đó không xa, hàng trăm hecta rừng dương đã bị sụt lún.
Không khỏi đau xót khi bán đảo Sơn Trà - hòn ngọc của biển xanh đẹp như vậy - cũng bị cạo trọc dần với những dự án du lịch hoành tráng.
Những cánh rừng phi lao xanh ngát ven biển Trung Hòa ngày đêm rì rào trước gió biển đã bị chặt đi để thay vào đó là sân golf và khách sạn...
Những sự hoán đổi thô bạo của con người, khai thác một cách kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, ắt sẽ bị trả giá.
Người ta không thể hiểu rằng những cánh rừng “còi cọc” ven biển chỉ là những cây bụi gai với bộ rễ phát triển chằng chịt ôm lấy đất đã được hình thành từ hàng trăm năm qua, dù đơn giản như vậy nhưng nếu không có nó tất cả sẽ vỡ vụn ra dưới sóng và gió biển, sẽ không có những bãi biển tuyệt đẹp, một tạo hóa kỳ quan của thiên nhiên để cho con người thụ hưởng và sinh sống.
Phải xác định rằng đã là rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển hay rừng đầu nguồn, dứt khoát không được động đến, không được phá đi dù với mục đích gì.
Bởi cái mất đi sẽ không thể lấy lại được, không gì bù đắp được để rồi phải đánh đổi bằng cuộc sống bình yên của con người, của chính tương lai con cháu chúng ta.
Đất rừng và cây rừng là một kiệt tác, một mái nhà chắc chắn để che nắng mưa, một tấm áo choàng ấm áp bảo vệ cho cộng đồng vùng ven biển tránh khỏi những cơn “giận dữ” của thiên nhiên.
Mặc dù Thủ tướng đã có lệnh đóng cửa rừng gần một năm nay, nhưng đâu đó rừng vẫn cứ bị chảy máu, vẫn bị đốn hạ không thương tiếc vì những lợi ích cục bộ, trước mắt.
Đã đến lúc các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng cho hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự. Có như thế, may ra mới mong ngăn chặn được những vụ phá rừng vô tội vạ, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá còn sót lại và để thể hiện trách nhiệm của mình với thế hệ tương lai.
Nguồn TTO