Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vấn nạn lục bình:
Phải giải quyết từ “gốc”
Thứ sáu: 22:26 ngày 20/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cái gốc của vấn đề là làm sao đừng để lục bình tồn tại nhiều rồi sinh sôi, phát triển dày đặc trên sông trong mùa khô. Muốn như vậy, cần có sự phối hợp tích cực của chính quyền các địa phương trong việc vận động người dân tháo dỡ, không cắm cọc, chà ven sông…

Lục bình nghẹt cứng trên sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Đ.H.T

Trong mùa khô năm 2019-2020, cử tri liên tục phản ánh tình trạng lục bình “lấp kín mặt nước” ở nhiều đoạn sông trên địa bàn tỉnh. Đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo nhiều cử tri, trong mùa khô 2019-2020, tình trạng lục bình “lấp sông” có vẻ tệ hại hơn vài năm trước.

“Được biết, Nhà nước đã trích một phần ngân sách để thuê nhà thầu xử lý vớt lục bình, bảo đảm cho các phương tiện đường thuỷ lưu thông được thông thoáng nhưng thực tế thì không như vậy. Suốt nhiều tháng qua, các phương tiện lưu thông qua nhiều đoạn sông rất khó khăn. Nhiều người dân muốn qua sông nhưng ghe máy bị kẹt cứng giữa dòng lục bình không cách nào để đi vào bờ, khổ sở trăm bề”- một người dân ở ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết.

Phương pháp cơ học còn hạn chế

Nhiều năm trước, sau một thời gian dài loay hoay kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia, đề xuất các giải pháp xử lý vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông mà chưa đạt kết quả tích cực, đến tháng 4.2017, Sở Giao thông Vận tải ký hợp đồng xử lý lục bình với Công ty TNHH Huỳnh Vương.

Theo đó, Công ty TNHH Huỳnh Vương có trách nhiệm vớt lục bình và xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh bảo đảm thông thoáng luồng tàu chạy (rộng trung bình 50m). Lục bình sau khi vớt lên phải có nơi tập kết và phải được xử lý hoặc có nơi tiêu thụ ổn định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Công suất vớt lục bình trong ngày không được thấp hơn 480 tấn.

Khối lượng công việc mà Công ty TNHH Huỳnh Vương phải thực hiện là suốt dọc chiều dài sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua Tây Ninh (dài khoảng 105km). Việc xử lý lục bình không được gây ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ trên sông, bảo đảm thông thoáng, không còn hiện tượng ùn, ứ trên sông. Thời gian thực hiện là 5 năm; tổng giá trị hợp đồng là 9,7 tỷ đồng. Phương pháp vớt lục bình được Công ty TNHH Huỳnh Vương áp dụng là dùng phương tiện cơ giới (máy xúc, được đặt trên sà lan) xúc lục bình dưới sông bỏ lên bờ.

Theo đại diện Công ty Huỳnh Vương, từ khi ký hợp đồng, công ty đã nỗ lực trục vớt lục bình bằng cơ giới theo phương án đã được thông qua. Tuy nhiên, trong mùa khô, lượng lục bình dồn về dày đặc nhiều đoạn sông; trong khi các phương tiện cơ giới trục vớt liên tục, quá tải nên hay bị hư hỏng.

Đồng thời, quá trình xử lý lục bình trên sông rất vất vả nên công ty gặp khó khăn trong việc tìm nhân công. “Lục bình quá nhiều nên việc xử lý chưa như mong muốn. Thực tế thì việc trục vớt lục bình bằng cơ học chỉ đạt được hiệu quả tương đối, dù chúng tôi đã rất cố gắng”- đại diện đơn vị xử lý lục bình cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý

Trước nhiều ý kiến phản ánh của cử tri, vừa qua, Sở GTVT đã tổ chức khảo sát thực tế. Kết quả kiểm tra, khảo sát công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ - ngã ba Vàm Trảng Trâu (giáp ranh với biên giới Campuchia thuộc địa phận xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) cho thấy, các khu vực bến khách ngang sông Bực Lở, Trung Dân chảy dài xuống Bến Sỏi bị lục bình phủ kín mặt sông, phương tiện lưu thông không được hoặc lưu thông rất khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Theo Sở GTVT, lục bình dày đặc trong mùa khô là do trong mùa mưa, người dân hai bên bờ sông đóng cọc gỗ, chà cây và dây chặn để dồn lục bình vào bờ sông làm nơi nuôi cá hoặc giữ bờ. Đến khoảng tháng 12, gần tết âm lịch hằng năm, người dân đồng loạt tháo dỡ cọc, chà và đẩy đuổi lục bình ra sông để khai thác thuỷ sản trong khi tốc độ dòng chảy trên sông chậm, lục bình sinh trưởng tốc độ rất nhanh.

“Bên cạnh đó, công tác xử lý lục bình trong các kênh rạch chảy ra sông ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xử lý triệt để, khiến cho lục bình đổ dồn ra sông trong mùa khô và sinh sôi nảy nở gây ùn ứ. Đồng thời, việc tuyên truyền, vận động người dân không cắm cọc, chà, không nuôi giữ lục bình ở ven sông, rạch còn hạn chế” - một cán bộ Sở GTVT nhận định.

Trước những diễn biến như trên, Sở GTVT cho biết sẽ có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã: Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng và Công ty TNHH Huỳnh Vương (đơn vị thi công) tích cực thực hiện một số công việc để bảo đảm hiệu quả xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Trong đó, UBND các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và hai thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không cắm cọc, chà chắn giữ lục bình trên sông và trong các kênh rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông; thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tháo dỡ cọc chà trên sông; khẩn trương triển khai thực hiện công tác trục vớt, đẩy đuổi lục bình trong các kênh rạch chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.

Mắc kẹt giữa dòng sông lục bình.

Sở GTVT đề nghị Công ty TNHH Huỳnh Vương ưu tiên đưa phương tiện trục vớt lục bình tại các bến khách ngang sông như Bực Lở, Trung Dân, Cây Ổi, Gò Nổi - An Bình để bảo đảm cho phương tiện thuỷ lưu thông. Sở cũng yêu cầu đơn vị thi công đưa vào hoạt động bảo đảm đủ 4 phương tiện hoạt động trục vớt lục bình theo đúng phương án và hợp đồng đã ký kết; đồng thời, tổ chức tăng thời gian hoạt động (tăng ca) của phương tiện trục vớt lục bình trên sông để bảo đảm phương tiện đường thuỷ đi lại được nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt… của người dân.

“Hiện nay vẫn chưa có phương án nào có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao hơn phương án đang thực hiện. Sở sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu phương hướng xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trục vớt, xử lý lục bình trên sông chỉ phần “phần ngọn”. Cái gốc của vấn đề là làm sao đừng để lục bình tồn tại nhiều rồi sinh sôi, phát triển dày đặc trên sông trong mùa khô.

Muốn như vậy, cần có sự phối hợp tích cực của chính quyền các địa phương trong việc vận động người dân tháo dỡ, không cắm cọc, chà ven sông và triển khai xử lý lục bình trong các kênh rạch để “chặt đứt” nguồn lục bình đổ ra sông Vàm Cỏ Đông trong mùa khô, bảo đảm lòng sông thông thoáng cho phương tiện đường thuỷ lưu thông”, một cán bộ lãnh đạo Sở GTVT phân tích.

Đình Chung

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nguyên nhân khách quan khiến lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cụ thể như: thứ nhất, do mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm. Cơn mưa cuối cùng của năm là ngày 22.11.2019 (nhằm 26.10 âm lịch), do đó lượng nước giảm so với các năm trước.

Thứ hai là, nước sông từ thượng nguồn Campuchia năm nay không chảy về nhiều như các năm trước nên lưu lượng dòng chảy của sông thấp. Thứ ba là, từ ngày 1.10.2019 đến 31.12.2019, kênh Tây đã đóng nước theo kế hoạch để thi công, cải tạo tuyến kênh và đến ngày 7.1.2020 mới mở nước nên lượng nước đổ ra sông Vàm Cỏ Đông giảm đáng kể. Kế đến là tổng lượng các chất ô nhiễm không tăng nhưng lưu lượng dòng chảy giảm làm nồng độ các chất hữu cơ ô nhiễm cao, tạo điều kiện cho lục bình phát triển nhiều hơn.

Về chủ quan, theo Sở TN&MT, qua 2 năm 2017 và 2018 xử lý lục bình trên sông đạt được hiệu quả nhất định dẫn đến tâm lý chủ quan. Các địa phương, đơn vị, tổ chức có liên quan chưa cập nhật các diễn biến bất lợi để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Hệ quả của các lý do trên là thời điểm tháng 11 và 12.2019 (tháng 9 và 10 âm lịch), lưu lượng nước sông Vàm Cỏ Đông không đủ để đẩy đuổi lục bình như các năm trước, dẫn đến lục bình dày đặc như hiện nay.

Cũng theo Sở TN&MT, trước mắt, cơ quan hữu quan cần tiếp tục yêu cầu đơn vị xử lý lục bình trên sông đẩy mạnh việc trục vớt lục bình, tăng cường nhân lực, phương tiện, thiết bị; tổ chức tháo dỡ cọc, chà do người dân cắm giữ lục bình để bảo đảm luồng lạch thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện ghe tàu đi lại trên sông.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh