BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phải xem việc bảo đảm ATGT như một nhiệm vụ chính trị (*)

Cập nhật ngày: 25/11/2011 - 05:10

Trong hơn hai ngày, từ 23 đến 25.11.2011, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Tại kỳ họp này có 151 chất vấn bằng văn bản của 77 vị ĐBQH ở 43 đoàn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, 17 vị bộ trưởng và trưởng ngành khác. Quốc hội đã lựa chọn 9 nhóm vấn đề và 5 bộ trưởng, thành viên của Chính phủ để tiến hành trực tiếp trả lời chất vấn tại hội trường. Đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và cuối cùng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: - “Tôi có một câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng: Có thể nói hiện nay ngành Giao thông Vận tải trong đầu tư xây dựng cơ bản có tình trạng làm thì chậm, hỏng thì nhanh do chất lượng thi công kém, trách nhiệm thì loanh quanh, trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị quản lý khai thác đùn đẩy với nhau và hậu quả người dân gánh chịu. Gánh ở đây không chỉ là ùn tắc, tai nạn giao thông mà tiền đầu tư bị thất thoát, phải bỏ tiền ra sửa chữa, mất tiền đến 2 lần. Tôi đề nghị Bộ trưởng nêu ra những giải pháp của mình trong thời gian sắp tới để giải quyết tình trạng trên?”.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: “…Mặc dù các ngành, các cấp và toàn dân đã nỗ lực cố gắng nhưng có thể nói tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hiện nay vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Hằng năm bình quân tai nạn giao thông gây nên chết người khoảng 12.000 người. Bình quân 1.000 người/tháng và số tai nạn, bị thương nặng và bị thương cũng gần bằng con số đó.

Vấn đề chất lượng công trình và tiến độ các công trình cũng đang là vấn đề rất bức xúc, ngành GT-VT đã đề ra các giải pháp như sau:

Thứ nhất, vấn đề xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông chúng tôi cho rằng mấu chốt là phải đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Chính vì vậy Đảng và Chính phủ coi đây là một điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ và tập trung phát triển hạ tầng cơ sở giao thông là điểm đột phá cho nhiệm vụ trong 10 năm tới. Để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và xử lý tai nạn giao thông thì theo chỉ đạo của Chính phủ tập trung vào đầu tư xây dựng được tuyến đường giao thông Bắc - Nam, tập trung mở rộng nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1A, đây là tuyến đường huyết mạch có truyền thống và xuyên suốt. Tập trung đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh. Đầu tư đường ven biển, đường vành đai biên giới kết hợp với phát triển giao thông nông thôn.

Thứ hai, phải tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau là tai nạn giao thông do ý thức của người dân hay là do cơ sở hạ tầng yếu kém. Tôi xin phép được báo cáo trước Quốc hội như sau. Tai nạn giao thông đúng là có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu thì nguyên nhân quan trọng nhất đó là quản lý Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn

Việc duy trì pháp luật của chúng ta không nghiêm dẫn đến tình trạng người dân “nhờn luật”. Bởi vì ra đường mà không đội mũ bảo hiểm, nếu xử lý không nghiêm thì người chấp hành tốt nhưng người ta bảo không đội mũ cũng không sao thì người ta lại không đội mũ hoặc việc thực thi công vụ của những người thực thi công vụ không tốt, còn chuyện nọ, chuyện kia, còn chuyện mãi lộ thì vẫn còn tình trạng những lái xe, những người tham gia giao thông sẵn sàng vi phạm pháp luật để nếu có vấn đề gì xảy ra thì vẫn có cách để xử lý. Tôi cho rằng việc phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước là yếu tố quan trọng và quyết định.

Vấn đề ý thức của người dân cũng là một phần rất quan trọng, như tôi đã phân tích, nếu chúng ta làm tốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tốt, công tác tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật được tốt thì tôi nghĩ ý thức của người dân sẽ tốt. Chúng tôi cũng đề xuất là các ngành, các địa phương phải coi việc thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông cũng là một nhiệm vụ chính trị như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của ngành thì chúng ta mới thực hiện được.

Tôi cho rằng xử lý kể cả nhiệm vụ trước mắt cũng như nhiệm vụ lâu dài, vai trò của chính quyền các địa phương, vai trò quản lý Nhà nước của ngành Giao thông- Vận tải phải đi đầu và tiếp đó mới đến vai trò ý thức của người dân. Vì vậy, ngành Giao thông -Vận tải đã đề nghị và Chính phủ cũng đã đồng ý cho chúng tôi báo cáo trước Quốc hội lấy năm 2012 là năm an toàn giao thông và được coi là năm thực hiện đảm bảo trật tự kỷ cương về an toàn giao thông trong cả nước, cũng như phát động phong trào toàn dân tham gia đảm bảo an toàn giao thông và xử lý ùn tắc giao thông”.

NGUYỄN DUY (Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt