Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của công nghiệp văn hoá
Phần 1: Đường lối, chính sách về công nghiệp văn hoá
Thứ hai: 07:37 ngày 09/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói công nghiệp văn hoá bao trùm một phạm vi rất rộng lớn các lĩnh vực mang tính nghệ thuật, sáng tạo, dịch vụ du lịch, giải trí và truyền thông.

Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đi thực tế sáng tác tại Ninh Thuận. Ảnh: Đức An

Tại một hội nghị tổ chức cách nay chưa lâu ở Tây Nguyên về lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đề cập đến vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hoá không phải bây giờ mới được đề cập nhưng vai trò của văn học, nghệ thuật đối với công nghiệp văn hoá là một câu chuyện tương đối mới.

Năm 2008, khi xây dựng nghị quyết chuyên đề về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16.6.2008), khái niệm “xã hội hoá” đã được đưa vào trong hệ thống giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật. Đây là sự thừa nhận về thể chế đối với việc nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật, một sự thay đổi quan trọng của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa so với kinh tế kế hoạch bao cấp.

Năm 2014, khi xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9.6.2014), khái niệm “công nghiệp văn hoá” và “thị trường văn hoá” đã được đưa vào nghị quyết. Nghị quyết nêu: “Xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, tăng cường quảng bá văn hoá Việt Nam”.

Hiện thực hoá đường lối của Đảng, Nhà nước nỗ lực thể chế hoá các quan điểm thể hiện trong các văn kiện thành những bộ luật và văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực phát triển văn hoá, hoạt động văn hoá và kinh doanh, quảng bá văn hoá như Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng…

Năm 2016, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ các ngành công nghiệp văn hoá là “bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” và sự phát triển của công nghiệp văn hoá là sự phát triển dựa trên “sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hoá” có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và “gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế”.

Chiến lược xác định rõ các lĩnh vực cấu thành nên công nghiệp văn hoá, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá, đặc biệt đối với một số lĩnh vực đặc biệt gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hoá.

Có thể thấy, đường lối của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như những chương trình của Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công nghiệp văn hoá, kịp thời có những định hướng, chỉ đạo đúng đắn để lĩnh vực này phát triển một cách lành mạnh, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Xác lập định nghĩa

Theo một định nghĩa được chấp nhận phổ biến của UNESCO và Liên minh Thuế quan GATT thì công nghiệp văn hoá là một phần của công nghiệp sáng tạo và là một lĩnh vực hoạt động có tổ chức với mục đích chính là sản xuất, sao chép, quảng bá, phân phối, và/ hoặc thương mại hoá hàng hoá, dịch vụ liên quan đến văn hoá, nghệ thuật hoặc di sản.

Công nghiệp văn hoá không chỉ liên quan đến việc sáng tạo ra các giá trị văn hoá, nghệ thuật, nó còn liên quan đến sản xuất, nhân bản, thương mại hoá và phân phối những giá trị đó dưới dạng các sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của con người.

Theo một định nghĩa của PGS. TS. Bùi Hoài Sơn- Uỷ viên Thường vụ Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội thì “các ngành công nghiệp văn hoá là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hoá kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hoá”.

Như vậy, có thể xem công nghiệp văn hoá như một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, nơi diễn ra sự giao thoa giữa văn hoá, công nghiệp và các hoạt động kinh doanh. Theo những nghiên cứu do UNESCO tiến hành từ thập niên 80 của thế kỷ trước thì công nghiệp văn hoá không chỉ bao gồm việc sáng tạo những sản phẩm liên quan đến văn hoá, nghệ thuật, sáng tạo (thuộc lĩnh vực văn hoá) mà còn bao gồm tiến trình “lưu trữ, sản xuất, tái sản xuất, lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn” (thuộc lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh).

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp văn hoá bao gồm các lĩnh vực cụ thể như sau:

Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hoá.

Có thể nói công nghiệp văn hoá bao trùm một phạm vi rất rộng lớn các lĩnh vực mang tính nghệ thuật, sáng tạo, dịch vụ du lịch, giải trí và truyền thông. Trong số những ngành nói trên, một số lĩnh vực được đầu tư đặc biệt để tạo những trọng điểm, đột phá bao gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hoá.

Văn học, nghệ thuật và công nghiệp văn hoá

Là một bộ phận của văn hoá, mục tiêu cuối cùng của hoạt động nghệ thuật là sáng tạo nên những giá trị tinh thần có tính độc bản, là sáng tạo của cá nhân/nhóm cá nhân nghệ sĩ. Và chỉ trong nền kinh tế thị trường thì nghệ thuật mới diễn ra một tiến trình gia tăng của việc hàng hoá hoá nghệ thuật. Một bức tranh, một tiểu thuyết, một cuộc trình diễn âm nhạc… không chỉ mang những giá trị tinh thần mà còn là một hàng hoá đặc biệt có khả năng thu được lợi nhuận và được định giá qua trung gian là tiền.

Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm nghệ thuật trở thành một loại hàng hoá, nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật được cụ thể hoá thành khả năng trả tiền. Tiền trở thành trung gian về mặt giá trị. Thứ hai, như một quy luật có tính tất yếu, chủ nghĩa tư bản đòi hỏi sự nâng cao giá trị hàng hoá để tối đa hoá lợi nhuận.

Tiến trình này được thực hiện theo hai con đường: Khai thác tính độc bản của sản phẩm nghệ thuật gắn với giá trị của tác phẩm nghệ thuật; tối đa hoá lợi nhuận thông qua sản xuất hàng loạt. Hai tiến trình này diễn ra song hành trong tất cả các nền kinh tế thị trường, dù là có “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không.

Chính sự trung gian bằng tiền đã khiến những giá trị vô hình của nghệ thuật được lượng hoá. Một bức tranh của một danh hoạ hay bản thảo một danh tác văn chương đã không còn là những giá trị “vô giá” mà trở nên một món đầu tư và có khả năng tạo nên lợi nhuận khổng lồ. Cùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu thì nghệ thuật đã trở thành một kênh đầu tư và đầu cơ hấp dẫn không kém bất động sản hay kim loại quý.

Song song với việc khai thác tính độc bản của nghệ thuật là tiến trình tối đa hoá lợi nhuận của nghệ thuật thông qua sản xuất hàng loạt. Tiến trình này được sự hỗ trợ đắc lực của các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Máy in đã dẫn đến sự dân chủ hoá trong một loạt ngành nghệ thuật mà tiên phong là văn chương. Nếu như ở thời Trung cổ, các bản thảo văn chương được chép tay (ở phương Đông là in thạch bản, hoặc khắc ván gỗ) là những tài sản lớn, niềm tự hào của các gia đình quý tộc thì với máy in, sách trở nên bình dân và dễ tiếp cận hơn xét trên phương diện giá cả.

Sự nhân bản bằng máy in là cơ sở của thị trường văn chương với lượng tiêu thụ lớn. Nó không chỉ nuôi sống đội ngũ nhà văn mà còn kéo theo sự tồn tại của một lớp người kinh doanh sách: biên tập viên xuất bản, chủ xuất bản, báo chí liên quan đến văn học…

Giữ vai trò tương tự là các công nghệ ghi âm, ghi hình với các nghệ thuật trình diễn và công nghệ sao chép, nhân bản các sản phẩm mỹ thuật. Và tất nhiên không thể bỏ qua vai trò của internet và những công nghệ liên quan đến không gian mạng. Có thể nói ngày nay, internet đã góp phần làm nên sự mở rộng đáng kể của thị trường nghệ thuật.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục