Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại: Góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tây Ninh
Phần 2: Đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, thu hút đầu tư nước ngoài
Thứ bảy: 23:39 ngày 14/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tập trung phát triển hạ tầng các cửa khẩu bao gồm: cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án bến, bãi, kho phục vụ cho nhu cầu lưu thông hàng hoá với các tỉnh giáp biên Campuchia, phát triển dịch vụ logistics.

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu (ảnh minh hoạ- Hoàng Anh)

Để đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh kịp thời triển khai các chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân yên tâm mua bán, trao đổi hàng hoá, đầu tư sản xuất nông sản tại các huyện giáp biên Campuchia, xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư biên giới.

Hoạt động biên mậu qua các cửa khẩu và huyện biên giới có những chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu được tăng cường đầu tư, phát triển theo chuẩn quốc gia, quốc tế, hệ thống giao thông nối các cửa khẩu được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hoá giữa hai biên giới, với lượng người và hàng hoá qua lại ngày càng tăng.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá trên biên giới, UBND tỉnh và các huyện biên giới còn đầu tư, nâng cấp một số dự án giao thông tới các cửa khẩu như: xây dựng cầu bê tông nối cửa khẩu Tân Nam với Meun Chey, tỉnh Prey Veng (trên 40 tỷ đồng).

Huyện Tân Biên đầu tư dự án đường ra cửa khẩu Chàng Riệc dài hơn 1km, tổng mức đầu tư gần 8,1 tỷ đồng; nâng cấp ngã tư Chàng Riệc, tổng chiều dài tuyến 493,59m, tổng mức đầu tư 3,4 tỷ đồng. Tiếp tục cải tạo các chợ, khu dân cư biên giới nhằm đưa dân cư ra định cư, sản xuất ở vùng biên.

Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng phối hợp chặt chẽ, theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư tập trung ở thị xã Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, các địa phương khác cũng có nhưng quy mô nhỏ, số lượng doanh nghiệp ít hơn hai địa phương nêu trên. Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có cuộc trao đổi với Báo Tây Ninh về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Cho đến nay, các nhà đầu tư vào Tây Ninh phần lớn tập trung ở thị xã Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, các địa phương khác cũng có nhưng quy mô nhỏ, số lượng doanh nghiệp ít hơn các địa phương nêu trên. Theo ông, vì sao lại như thế, do nhà đầu tư chọn địa điểm hay do quy hoạch của tỉnh?

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các dự án tập trung tại thị xã Trảng Bàng chiếm 57,71% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh, huyện Gò Dầu chiếm 22% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh.

Lý giải cho việc này, đầu tiên, vì đây là các địa bàn có lợi thế về đường giao thông, gần TP. Hồ Chí Minh, thuận tiện trong việc xuất nhập khẩu hàng hoá. Thứ hai, do quy hoạch của tỉnh là các địa phương phía Nam ưu tiên phát triển công nghiệp, các địa phương phía Bắc phát triển nông nghiệp ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao nên các nhà đầu tư vào Tây Ninh phần lớn tập trung ở Trảng Bàng và Gò Dầu, Dương Minh Châu là điều dễ hiểu.

Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, tỉnh đã đưa định hướng thu hút đầu tư trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư từ các quốc gia và vùng, lãnh thổ khác nhau, đa dạng ngành nghề đầu tư; trong đó đặc biệt tập trung thu hút các dự án phục vụ phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, dự án giáo dục, dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dự án khu đô thị, nhà ở và các dự án nông nghiệp công nghệ cao…

Tập trung phát triển hạ tầng các cửa khẩu bao gồm: cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án bến, bãi, kho phục vụ cho nhu cầu lưu thông hàng hoá với các tỉnh giáp biên Campuchia, phát triển dịch vụ logistics.

Phóng viên: Theo ông, ngoài những mặt được, mặt thành công, còn vấn đề nào đặt ra đối với Tây Ninh trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại? thu nhập của công nhân (theo lương tối thiểu vùng) như thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Về đầu tư, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ cao, hiện Tây Ninh chưa thu hút được dự án đầu tư nào, chủ yếu là doanh nghiệp may mặc, giày da… nên cần số lượng công nhân làm việc tay chân, chưa cần tới lao động chất lượng cao. Đây là bài toán nan giải của tỉnh trong việc thu hút đầu tư cũng như nguồn nhân lực của tỉnh.

Trước mắt, tỉnh áp dụng mức lương tối thiểu vùng là vùng II và vùng III, cụ thể: mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu). Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (các địa phương còn lại).

Lương tối thiểu thấp ảnh hưởng thu nhập người lao động. Giai đoạn 2009-2020, Nhà nước liên tục điều chỉnh lương, song chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu người lao động. Chưa kể, với lý do dịch bệnh, hai năm qua (2020-2021) lương tối thiểu không được điều chỉnh. Từ năm 2020 đến nay, lương tối thiểu cao nhất áp dụng cho tỉnh Tây Ninh vùng II ở mức 3,92 triệu đồng.

Từ cơ sở này, các doanh nghiệp xây dựng lương cơ bản và thường sẽ bám rất sát mức lương tối thiểu vùng, chỉ cao hơn 5%-10%. Thu nhập từ tăng ca, thưởng tết, chi trả chế độ ốm đau... đều căn cứ mức lương này. Trong khi đó, dịch Covid-19 xuất hiện, người lao động phải chi nhiều hơn cho y tế nhưng việc tăng lương bị trì hoãn càng khiến đời sống công nhân khó khăn.

Hiện nay, xăng dầu, điện nước, giá cả thực phẩm tăng nhanh khiến doanh nghiệp gặp khó khăn để tạo nguồn, tăng lương cho lao động. Còn công nhân phải chi 15%-20% thu nhập để thuê phòng trọ; tiền điện, nước thường cao hơn 2-3 lần so với quy định. Tăng ca thường xuyên, giờ giấc làm việc khắt khe, công nhân phải gửi con nhỏ ở trường tư với giá cao do trường công gần như không có hoặc quá tải. Vì vậy, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tăng thu nhập, giảm bớt phần nào khó khăn cho người lao động và tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.

Phóng viên: Sự phát triển nào cũng có tính hai mặt, phát triển công nghiệp là chủ trương, là hướng đi đúng không có gì phải bàn cãi, song cũng đặt ra câu chuyện (không mới) về suy thoái, ô nhiễm môi trường. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phát triển công nghiệp là chủ trương, hướng đi đúng. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế điều này, tỉnh sẽ chú trọng đổi mới nội dung và cách thức tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chú trọng chất lượng hơn về số lượng. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đa dạng các quốc gia và vùng, lãnh thổ khác nhau, đa dạng ngành nghề đầu tư.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cung cấp thông tin cho bạn đọc của Báo Tây Ninh.

Tính đến nay, Tây Ninh có 5 dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó 3 dự án vào Campuchia với tổng số vốn đầu tư là 3.690,69 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đầu tư 1.298 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh hợp tác với Lào thành lập Công ty Cổ phần Cao su Việt - Lào thực hiện dự án trồng, chăm sóc, khai thác và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Champasak, Lào.

Một dự án đầu tư vào Singapore do Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà hợp tác với Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai thành lập Công ty TNHH tư nhân đầu tư TSU kinh doanh thương mại và thực hiện một phần công đoạn sản xuất, đóng gói các sản phẩm đường, mua bán đường thô và đường tinh luyện trên thế giới với tổng vốn đầu tư là 12.640.000 USD, tương đương 283.482.880.000 đồng.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục