Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong công tác thẩm định, đề xuất cho ý kiến về tiếp nhận, gia hạn, bổ sung giấy phép ngày càng chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Năm 2024, UBND tỉnh cho ý kiến về việc gia hạn, sửa đổi, chuyển đổi, bổ sung địa bàn hoạt động đối với 10 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp, Đài Loan. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 tổ chức đăng ký địa bàn hoạt động tại địa phương.
Hoạt động đúng pháp luật
Năm 2024, có 4 dự án mới đang hoàn tất thủ tục phê duyệt (theo Nghị định 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam) tổng giá trị cam kết toàn dự án (5 năm) ước đạt 1,8 triệu USD.
Các tổ chức PCPNN khi hoạt động tại địa bàn tỉnh Tây Ninh đều được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định, chưa phát hiện tổ chức PCPNN có liên quan đến hoạt động an ninh quốc gia.
Công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong công tác thẩm định, đề xuất cho ý kiến về tiếp nhận, gia hạn, bổ sung giấy phép ngày càng chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Các dự án được viện trợ nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thiết thực của xã hội. Điều này góp phần cải thiện đời sống cho người dân tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trong tỉnh.
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã có sự phối hợp, trao đổi thông tin liên quan tới việc vận động viện trợ PCPNN, cũng như việc tiếp nhận, quản lý nguồn viện trợ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, việc đánh giá, giám sát các dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đánh giá được chính xác hiệu quả thực tế của các dự án nhằm phát hiện ra những mặt cần phát huy và những mặt hạn chế cần khắc phục.
Đơn vị tiếp nhận viện trợ và các tổ chức PCPNN chưa chủ động tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ và sau khi kết thúc dự án theo quy định, gây khó khăn cho cơ quan đầu mối trong việc theo dõi, quản lý cũng như đánh giá tính hiệu quả của các dự án. Hiện nay, nhiều tổ chức thu hẹp địa bàn, tài chính và lĩnh vực hoạt động ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút viện trợ cho tỉnh.
Tạo điều kiện triển khai dự án
Công tác vận động và tiếp nhận PCPNN luôn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức triển khai thực hiện dự án tại địa phương.
Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án của các tổ chức PCPNN được thực hiện theo kế hoạch. Các dự án phi chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đa phần các dự án có giá trị nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội là chính. Mặc dù giá trị viện trợ còn thấp nhưng đã góp phần cùng với chính quyền địa phương từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho một số người dân hưởng lợi từ dự án.
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Theo thống kê, hiện nay khoảng 7.000 người là người Tây Ninh hiện đang định cư và sinh sống ở nước ngoài. Người Tây Ninh tập trung nhiều ở các nước Mỹ, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Hàn Quốc.
Hầu hết kiều bào có cuộc sống ổn định ở nước ngoài, hằng năm, có hơn 3.000 lượt người Tây Ninh định cư ở nước ngoài về thăm quê hương. Nhiều người thành đạt trở về đầu tư, kinh doanh, tham gia hoạt động từ thiện xã hội đã đóng góp xây dựng quê hương.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào thực hiện tại Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, thị xã Trảng Bàng.
Hằng năm, dịp tết nguyên đán, Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp UBND tỉnh tổ chức họp mặt kiều bào. Năm 2024, tỉnh thành lập các đoàn đến gia đình để thăm hỏi và tặng quà cho bà con kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (thay cho họp mặt kiều bào hằng năm), đây là một nét mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với bà con kiều bào cũng như thắt chặt thêm mối quan hệ tình cảm giữa nhân dân trong tỉnh với bà con kiều bào đang sống xa Tổ quốc.
Chính sách đối với kiều bào được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp nhận giải quyết theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn. Tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp là kiều bào để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoại giao kinh tế
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2024. Kết quả kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh như sau:
Giá trị xuất khẩu đạt 5.427,36 triệu USD, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 84,43% so kế hoạch năm. Giá trị nhập khẩu đạt 4.703,60 triệu USD, tăng 13,15% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 81,54% so kế hoạch năm.
Năm 2024, thu hút đầu tư FDI của tỉnh ước đạt 280 triệu USD, bằng 42,9% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 384 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, vốn đăng ký 9.955 triệu USD (có 246 dự án đang hoạt động với số vốn 7.919 triệu USD). Trong đó, 347 dự án từ châu Á, tổng vốn đăng ký 9.000 triệu USD; 19 dự án từ châu Âu, tổng vốn đăng ký 702,5 triệu USD; 17 dự án từ Bắc Mỹ, tổng vốn đăng ký 428,5 triệu USD; 6 dự án từ châu Phi, tổng vốn đăng ký 181,3 triệu USD; 9 dự án từ châu Đại Dương, tổng vốn đăng ký 60,7 triệu USD. Quốc gia có mức đầu tư FDI lớn nhất là Trung Quốc (bao gồm Hong Kong và Đài Loan) với 235 dự án, tổng vốn đăng ký 6.907 triệu USD.
Tây Ninh đã thu hút được các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Các dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, cao su.
Năm 2023, Tây Ninh thực hiện 3 dự án có sử dụng vốn ODA, cụ thể:
Dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 160,22 tỷ đồng, trong đó vốn ODA (cấp phát) 111,980 tỷ đồng, vốn cho vay lại (bội chi ngân sách địa phương) 33,240 tỷ đồng, vốn đối ứng 15 tỷ đồng.
Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 24,237 tỷ đồng, trong đó vốn ODA (cấp phát) 12,904 tỷ đồng, vốn cho vay lại (bội chi ngân sách địa phương) 9 tỷ đồng, vốn đối ứng 3,143 tỷ đồng.
Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Me Kong mở rộng tại Mộc Bài, Tây Ninh: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 60,798 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA (cấp phát) 37,398 tỷ đồng, vốn cho vay lại (bội chi ngân sách địa phương) 20,76 tỷ đồng, vốn đối ứng 2,64 tỷ đồng.
Năm 2024, tỉnh được giao kế hoạch đầu tư công - nguồn vốn nước ngoài 79,17 tỷ đồng để thực hiện Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP. Tây Ninh, bao gồm: vốn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại) 11,1 tỷ đồng giao từ đầu năm 2024 và vốn ODA (vốn cấp phát) 68,07 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 1306/QĐ-TTG ngày 1.11.2024, hai dự án còn lại đã hoàn thành trong năm 2023.
Việt Đông
(còn tiếp)