Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phản bác các luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực 

Cập nhật ngày: 28/02/2024 - 09:57

BTN - Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam suốt 10 năm qua không khó để nhận thấy công tác này đã đi từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công.

Sau khi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xuất bản và được triển khai sâu rộng trên toàn quốc; trên các diễn đàn mạng xã hội và một số tờ báo điện tử của người Việt ở nước ngoài đã xuất hiện những luận điệu xuyên tạc về Tổng Bí thư và những nội dung mà cuốn sách đề cập.

Các luận điệu ấy cho rằng việc Tổng Bí thư cho xuất bản sách mang tên mình chỉ là để đánh bóng tên tuổi chứ “in cho ai đọc” (sic). Cũng các luận điệu xuyên tạc ấy cho rằng thể chế chính trị một đảng của Việt Nam là nguồn gốc sinh ra tham nhũng, và rằng bản chất con người là tham mà Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng nhưng chỉ thấy hô hào tu dưỡng đạo đức thì không thể chống được tham nhũng, v.v…

Về cái gọi là độc đảng là nguồn gốc sinh ra tham nhũng và không thể chống tham nhũng

Khi đưa ra các luận điệu này, họ cho rằng ở Việt Nam không có tam quyền phân lập, không có các đảng phái giám sát lẫn nhau nên lãng phí, tham nhũng là phổ biến và không thể chống nổi. Và rằng, muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì phải đa đảng…

Đúng là ở Việt Nam không có tam quyền phân lập mà chỉ có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việt Nam chỉ có một đảng nhưng không phải vì vậy mà không có các cơ chế để giám sát.

Ở Việt Nam, ngoài giám sát của nhân dân, của tổ chức Đảng, của Hội đồng nhân dân thì các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam ngoài chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên thì còn có chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Trong những năm qua, rất nhiều các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được báo chí, cán bộ hưu trí, người dân phát hiện và phản ánh. Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân (…). Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng” (1).

Trong những năm qua, với tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm, Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam đã tăng liên tục qua các năm. Trước đây, nhiều năm, chỉ số này ở Việt Nam thường xếp hạng ở mức trung bình, từ năm 2012 đến 2015 chỉ dừng ở mức 31/100 điểm.

Năm 2016, CPI tăng được 2 điểm lên đến 33 và 2017 tăng lên đến 35 điểm, xếp thứ 107 trên tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ… Ngày 31.1.2023, TI đã công bố CPI năm 2022 124 quốc gia không có tiến bộ trong chống tham nhũng; hơn 2/3 số quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi - ở mức 43. CPI năm nay cho thấy, có 124 quốc gia được đánh giá ở mức độ trì trệ, “giậm chân tại chỗ” trong chống tham nhũng, trong khi số quốc gia suy giảm đang gia tăng.

Tại bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã có nhiều chuyển biến tốt. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều nước đa đảng trên thế giới vẫn nảy sinh tham nhũng, trong đó có nhiều quốc gia đa đảng còn tham nhũng khủng khiếp.

Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã viết: “Tham nhũng “là hiện tượng tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” (2). Vì vậy, các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả”.

Tất cả những dữ kiện nêu trên cũng đủ để cho thấy rằng tham nhũng không phải do cơ chế một đảng. Trong thực tế, “chế độ một đảng cũng có thể dân chủ và cũng có thể mất dân chủ, vấn đề là ở chỗ đảng cầm quyền có thực sự cách mạng không, có thực sự vì lợi ích của Nhân dân hay không…” (3). Như vậy cả lý luận và thực tiễn đã bác bỏ luận điểm “chỉ có chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ”.

Với những thành tựu ấn tượng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam 10 năm gần đây, đã có nhiều ý kiến trong tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.

Nhiều ý kiến đánh giá khách quan những thành tựu của công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Ngài Kamal Malhotra, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý” (4). Đài Bắc Kinh đánh giá: “Cường độ chống tham nhũng của Việt Nam là chưa từng có. Đối với một số vụ án tham nhũng lớn và quan trọng, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ đạo và giám sát điều tra…” (5). 

Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) trong “Báo cáo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2019” (GCB) đã đánh giá: “Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có (6)”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá rất cao công cuộc lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới” (7) v.v… Đây chính là minh chứng chứng minh cho luận điểm mà Tổng Bí thư đã viết trong cuốn sách, đó là: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận” (8).

Khi xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, các luận điệu xuyên tạc cho rằng tham lam là bản chất của con người, vậy mà chỉ dùng hô hào suông về đạo đức thì sẽ không thể chống được tham nhũng.

Trước hết phải khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chống tham nhũng, tiêu cực chỉ bằng hô hào suông mà kết hợp cả giáo dục, tu dưỡng về đạo đức với xử lý kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh.

Để xây dựng, hoàn thiện thế chế, trong 10 năm từ 2013 đến 2022, Đảng đã ban hành trên 250 văn bản; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định…

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam suốt 10 năm qua không khó để nhận thấy công tác này đã đi từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công. Tấn công trên diện rộng với nguyên tắc vào cuộc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” từ Trung ương tới cơ sở, từ khu vực công sang khu vực tư…

Trong 10 năm qua đã có 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, 36 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) bị xử lý kỷ luật.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý. Nhìn vào con số này làm sao có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ hô hào chung chung, làm sao có thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam không thật lòng chống tham nhũng, tiêu cực? Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Những con số nhức nhối nêu trên là minh chứng, chứng cứ bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc khi cho rằng "cuộc chiến chống tham nhũng là thất bại". Những kết quả này cũng là minh chứng khẳng định nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai đã và đang được triệt để thực hiện trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.     

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết”.

Rõ ràng, kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác, chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi. Vì vậy, trong tác phẩm này, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” (9).

Không chỉ đề cao giáo dục đạo đức, liêm sỉ, Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định cần “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Ngay ở những trang mở đầu của cuốn sách, tác giả đã viết: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hoá liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”.

Đã nhiều lần Tổng Bí thư khẳng định phải nhốt quyền lực vào trong cái lồng cơ chế. Đây chính là quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, hiệu quả chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc rằng Đảng và Tổng Bí thư chỉ hô hào chung chung về đạo đức.

Những thành tựu đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hơn 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những minh chứng sống động phản bác hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.

Hồng Phúc - Quyết Thắng

(1) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.21

(2) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.15

(3) Lê Hữu Nghĩa: “Một đảng cầm quyền với việc phát huy dân chủ”, in trong Vững bước trên con đường đã chọn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 211

(4) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.598

(5) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.600

(6) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr. 602

(7) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr. 602

(8) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.13

(9) Nguyễn Phú Trọng: sđd, tr.46