Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Một quyết sách chiến lược xoay chuyển tình thế
Phần cuối: Chúng ta không còn con đường nào khác
Thứ sáu: 10:05 ngày 25/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hội nghị Trung ương 15 quyết định đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam, soi sáng phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam, tăng thêm tin tưởng ý chí phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam tiến lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Chính vì không nhận rõ chỗ yếu của địch, chỉ thấy mặt hung ác của chúng nên có khi rụt rè không dám đấu tranh, không quyết tâm tạo hoàn cảnh và điều kiện để tấn công địch, có khi lại đấu tranh phiêu lưu, nên sau đấu tranh cơ sở bị vỡ, phong trào sa sút. Những khuyết điểm trên đây bắt đầu được sửa chữa từ năm 1957. Sự phổ biến và học tập đường lối cách mạng miền Nam ở Nam bộ đến tận chi bộ và ở Liên khu V trong một số cán bộ đã có tác dụng củng cố lập trường tư tưởng trong Đảng. Phong trào hiện nay tương đối phát triển đúng phương hướng hơn và cơ sở có phần vững chắc hơn trước.

Cầu Hiền Lương (phía bờ Bắc) sau ngày hoà bình lập lại năm 1954

Hội nghị nhận định, tình hình giữa ta và địch sẽ diễn ra phức tạp và quyết liệt hơn. Địch sẽ tăng cường khủng bố, đàn áp hơn nữa và quần chúng dưới sức ép của địch sẽ đấu tranh rộng rãi, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Tình hình đó đề ra cho toàn Đảng ta nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi ở Đảng một sự lãnh đạo vững chắc, kịp thời và sắc bén đối với phong trào miền Nam.

Hội nghị Trung ương 15 quyết định đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam, soi sáng phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam, tăng thêm tin tưởng ý chí phấn đấu anh dũng của các đảng bộ miền Nam tiến lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Căn cứ vào sự phân tích trên đây, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 chỉ rõ, cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Hội nghị Trung ương đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (1959) là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Hội nghị nêu rõ, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là củng cố, phát huy thắng lợi đã giành được, xây dựng cơ sở vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà.

Quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cần chống những khuynh hướng sai lầm tách rời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, với nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà. Một mặt, cần phê phán những khuynh hướng như xem nhẹ nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân còn phải tiếp tục ở miền Nam, hoặc coi cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là chỉ riêng cho miền Bắc, không nắm vững phương châm “củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam”, không thấu suốt nhiệm vụ thống nhất nước nhà trong mọi chính sách và chủ trương công tác ở miền Bắc. Mặt khác, cần phê phán những khuynh hướng chỉ thấy đấu tranh thống nhất, xem nhẹ nhiệm vụ củng cố miền Bắc, không thấu suốt ý nghĩa xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nhận thức sâu sắc rằng công cuộc kiến thiết trong hoà bình của mình là một cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước thì nhiệt tình xã hội chủ nghĩa, tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cách mạng của nhân dân miền Bắc càng được đề cao.

Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà.

Cách mạng ở miền Nam đang tiếp tục phát huy ý chí quật cường, truyền thống bất khuất của cả dân tộc Việt Nam. Mỹ - Diệm thống trị miền Nam đang ra sức nô dịch, khủng bố nhân dân miền Nam, tích cực chuẩn bị chiến tranh hòng mở rộng sự xâm lược của chúng ra phạm vi cả nước. Vì vậy, miền Nam đấu tranh đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm là theo yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, là giải phóng nhân dân miền Nam, đồng thời cũng là vì yêu cầu của cách mạng cả nước là phải tích cực chống Mỹ - Diệm để bảo vệ miền Bắc, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.

Phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam càng được giữ vững và phát triển thì một mặt càng tăng cường lực lượng cách mạng để đánh bại chính sách nô dịch, gây chiến, chia cắt của Mỹ - Diệm, đi đến đánh đổ sự thống trị tàn khốc của chúng, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Mặt khác, đó cũng chính là thiết thực bảo vệ miền Bắc, tạo điều kiện cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được thuận lợi. Trái lại, nếu phong trào yêu nước ở miền Nam suy yếu thì chẳng những cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam gặp khó khăn, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng không tốt.

Vì chế độ miền Nam là một chế độ thực dân và nửa phong kiến, cho nên ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Chỉ có sự thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân miền Nam, mới triệt để đánh bại mọi chính sách nô dịch, chia cắt và gây chiến của Mỹ và tay sai ở miền Nam. Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu của cách mạng, con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.

Tuy vậy, cần thấy rằng cách mạng ở miền Nam vẫn có khả năng hoà bình phát triển, tức là khả năng dần dần cải biến tình thế, dần dần thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam có lợi cho cách mạng. Khả năng đó hiện nay rất ít, song Đảng ta không gạt bỏ khả năng đó, cần ra sức tranh thủ khả năng đó. Nhưng đồng thời, vì Mỹ - Diệm quyết tâm bám lấy miền Nam, chúng không thể tự nguyện từ bỏ chính quyền, từ bỏ hành động bạo lực nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam và xâm lược miền Bắc, cho nên Đảng vẫn phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt theo phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm.

Quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam hiện nay là quá trình xây dựng, củng cố và phát triển phong trào quần chúng đấu tranh về chính trị, kinh tế, văn hoá, bảo đảm cho phong trào đi đúng đường lối của Đảng, tiến từ những hình thức thấp, từ đẩy lùi chính quyền địch từng bước đến những hình thức cao với những chuyển biến làm lay chuyển tận gốc chính quyền đó. Cuối cùng phát động quần chúng khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. Cuộc khởi nghĩa ấy đổ máu nhiều hay ít là tuỳ mức độ chống trả của địch đối với cách mạng, tuỳ lực lượng so sánh giữa ta và địch. Quá trình đó là quá trình đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp giữa ta và địch để thực hiện những nguyện vọng hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và cải thiện đời sống của nhân dân miền Nam.

Để tránh những khó khăn không cần thiết cho cách mạng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong phe đế quốc, phân hoá hàng ngũ kẻ thù và cô lập cao độ nước Mỹ, việc thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ rộng rãi bao gồm đại biểu các giai cấp và tầng lớp chống Mỹ - Diệm là cần thiết.

Nhưng Mỹ là đế quốc hiếu chiến, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình thế.

Lịch sử diễn ra 15 năm sau đó (1960 - 1975) cho thấy, sự phân tích thấu đáo, nhận định sắc bén, chuẩn xác tuyệt đối của Nghị quyết 15.

Việt Đông

 

Tin cùng chuyên mục