Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng Đảng - Hạt nhân chính trị trong cơ quan báo chí

Phần cuối: Máy tính, làn sóng điện thay thanh gươm và tên lửa 

Cập nhật ngày: 24/06/2024 - 14:31

BTN - Khi báo chí lĩnh nhiệm sứ mệnh bảo vệ và phát triển vô điều kiện tất cả những lẽ đó thuộc về quốc gia dân tộc, thuộc về nhân dân, thì đó chính là khi tính đảng phát triển cao nhất, rực rỡ nhất và vô cùng thiêng liêng.

Phóng viên Báo Tây Ninh, Đài PT-TH tỉnh và các cơ quan thông tấn phỏng vấn Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh. Ảnh tư liệu

Một cách tự nhiên, tính Đảng là sự phát triển và kết tinh cao độ và sinh động của tính dân tộc, không ngừng trở thành và hoàn thiện tính dân tộc, mà báo chí dù muốn hay không, không thể không thể hiện một cách tự nhiên nhi nhiên, như là máu thịt, là hồn cốt, là dòng chủ lưu quán xuyến và xuyên thấm mọi hoạt động sống của mình. Có thể nói, theo nghĩa nào đó, hiện nay, tính Đảng chính là kết tinh tính dân tộc Việt Nam hiện nay, Đảng ta “là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động”.

Vẫn theo nhà báo Nhị Lê, lịch sử nhân loại xác tín rằng dù quốc gia biến đổi nhưng dân tộc trường tồn! Nhân dân là chủ giang san xã tắc, là vốn quý nhất trong tài sản dân tộc, là khí phách, bản lĩnh quốc gia dân tộc. Vị thế, lợi ích và uy tín quốc gia dân tộc vô song! Khi báo chí lĩnh nhiệm sứ mệnh bảo vệ và phát triển vô điều kiện tất cả những lẽ đó thuộc về quốc gia dân tộc, thuộc về nhân dân, thì đó chính là khi tính đảng phát triển cao nhất, rực rỡ nhất và vô cùng thiêng liêng. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta vậy. Một thuộc tính căn bản của báo chí thường bị lợi dụng là tính tự do dân chủ. Nhân danh dân chủ, không ít người, bằng mọi thiên kiến và thủ đoạn, đã và đang cố tình hoặc chối bỏ hoặc nhân danh hoặc thổi phồng hoặc xoá nhoà đánh lận các thuộc tính của dân chủ... nhằm cổ xuý một nền dân chủ không có tính từ, phi chính trị hoặc một nền dân chủ với mọi biến thể chết người của nó (dân chủ vô chính phủ, dân chủ giả hiệu, dân chủ cưỡng bức)... và thổi chúng vào báo chí, thậm chí “mượn tay” báo chí chĩa mũi nhọn công phá Nhà nước ta, Đảng ta. Người ta không ngớt cổ vũ cho một kiểu báo chí “không biên giới”, báo chí tuỳ thời, thực dụng, phi quốc gia, dân tộc, phi chính trị... bằng cách cố tình tuyệt đối hoá mặt này của dân chủ hay tô vẽ, thổi phồng sự tự do của báo chí nhằm cổ xuý một kiểu báo chí tự do không giới hạn; đồng thời khuếch trương một thứ dân chủ vô hạn độ và thổi phồng mù quáng cái gọi “cá tính sáng tạo” người làm báo một cách dân tuý... ngấm ngầm áp đặt thứ triết lý “tiếng nói thuộc về kẻ trả tiền”, “tiền trao cháo múc” thực dụng, kích động sự vô pháp vô cương của báo chí, mưu toan xâm hại lợi ích của dân tộc, của nhân dân ta... Thực tiễn không ai có thể chối bỏ hoặc bôi nhọ được, rằng “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý... Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý... lúc đó, quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý ở Việt Nam. Lật ngược chân lý ấy là phi dân chủ. Lại rõ ràng, tính Đảng của nền báo chí cách mạng nước nhà, cũng một cách tự nhiên, không thể không đối diện và góp phần giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội và môi trường, trong quá trình phát triển của mình, đi tiên phong công phá những âm mưu và hành động nhân danh dân chủ, tự do báo chí phá hoại lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc và nhân dân, từ bên trong hay từ bên ngoài bằng và thông qua báo chí, dù xét từ góc độ quốc gia hay trên tầm vóc toàn cầu. Đó chính là tính đảng của nền báo chí chúng ta vậy.

“Chúng ta cũng cần phải thấy rõ, trong hai thập kỷ qua, chiến lược “diễn biến hoà bình” do các thế lực thù địch nhằm vào Việt Nam không thay đổi mà còn được tăng cường với mức độ đầu tư tài chính, phương tiện, nhân lực ngày càng nhiều hơn. Chúng ta không bao giờ quên chiến lược diễn biến hoà bình do Dales - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất vào cuối thập kỷ 1940 đầu thập kỷ 1950 sau khi thấy không dễ đánh bại Liên Xô bằng con đường quân sự. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã nói: “Bỏ 1 USD cho tuyên truyền bằng 5 USD cho quân sự”. Còn Henry Kissinger - Quốc vụ khanh Mỹ, đánh giá: “Uy lực một đài phát thanh tự do bằng 20 sư đoàn... Dùng máy tính huỷ bỏ một quốc gia sẽ nhanh hơn bom đạn. Ai nắm được tin tức, khống chế được mạng internet thì sẽ cai trị cả thế giới”. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thì cho rằng: “Từ nay về sau, nước khống chế thế giới không phải dựa vào quân đội mà dựa vào năng lực đi trước về thông tin”.

Đại tá Phùng Kim Lân - Báo QĐND

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận nhiều vị đứng đầu Đảng là người sáng lập, trực tiếp làm Chủ nhiệm hoặc Tổng Biên tập các tờ báo và tạp chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ bút các tờ Người cùng khổ, Thanh niên và Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản hiện nay. Tổng Bí thư Lê Hồng Phong làm Tổng Biên tập tạp chí Bônsơ-vích những năm 1934. Tổng Bí thư Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản năm 1935, trực tiếp chỉ đạo các báo L’Avant Garde (Tiền phong, 1937), Dân chúng (1938) của Đảng dưới danh nghĩa “Cơ quan Lao động và Dân chúng” ở Nam kỳ. Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ bút tờ Cờ giải phóng, Sự thật, Nhân Dân, rồi Chủ nhiệm Tạp chí Cộng sản qua nhiều thời kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản giai đoạn 1991-1996. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, có 505 nhà báo hy sinh khắp các chiến trường.

Công nghệ thông tin phát triển, dòng chảy thông tin toàn cầu luôn có tính hai mặt. Ngoài yếu tố tích cực, theo nhà báo Đoàn Tuyết Nhung (Ban Biên tập Tin, TTXVN) thì nội dung chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị vẫn không thay đổi (tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta), nhưng hình thức, thủ đoạn chống phá đã có sự thay đổi với những chiêu trò mới, nguy hiểm hơn. Họ triệt để lợi dụng sự phát triển của internet và mạng xã hội để lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng - sai, thật - giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu; nội dung phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc… Họ lợi dụng “các khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng, phát tán các tin, bài không đúng bản chất sự việc, gây hoang mang dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thủ đoạn của chúng là triệt để lợi dụng một số cá nhân cơ hội chính trị, thoái hoá, biến chất về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thành lập các hội, nhóm “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, X (Twitter trước đây), YouTube, MySpace... để đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, phản động. Cách thức tiến hành của họ thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống, các thông tin chưa được kiểm chứng để tạo ra sự “khách quan”, sau đó cài dần các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, tăng dần cả về số lượng và cường độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Một thủ đoạn khác của các thế lực thù địch là kích động trào lưu “xét lại lịch sử”, “viết lại lịch sử”, phủ nhận lịch sử dân tộc, lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Đảng và nhân dân ta; cổ xuý, tung hô các “giá trị” dân chủ phương Tây, phi chính trị hoá lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; kích động biểu tình, gây rối, thực hiện các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ chính quyền, tạo cớ kêu gọi các thế lực bên ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta. Các đối tượng xấu cũng lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý, công tác cán bộ, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân để nói xấu, bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt đối với Đảng, Nhà nước, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Chúng tận dụng tối đa tiềm lực và sức mạnh của báo chí, truyền thông bên ngoài, mạng xã hội để “lấn át” báo chí, truyền thông trong nước; tiếp cận, mời chào, lôi kéo giới báo chí truyền thông Việt Nam, tác động “chuyển hoá” họ xa dần tôn chỉ, mục đích và định hướng báo chí của Đảng, chạy theo xu hướng thương mại hoá. Đây rõ ràng là những điều không thể xem thường.

Việt Đông