Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phấn đấu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030
Thứ hai: 05:57 ngày 07/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tây Ninh (gọi tắt Ban Chỉ đạo tỉnh) vừa ban hành kế hoạch tổ chức tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10.11-10.12.2022).

Về định nghĩa chấm dứt dịch AIDS, theo Ban Chỉ đạo Trung ương, ngày 14.8.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Theo Ban Chỉ đạo, mục tiêu của tháng hành động huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Cùng với đó là tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Song song đó, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan virus, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.

Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 được nước ta chọn là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo yêu cầu, tuỳ điều kiện thực tế, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức phù hợp. Đồng thời, tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế…

Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, thực hiện các biện pháp truyền thông, phòng, chống lây nhiễm HIV theo hướng dẫn của các cơ quan y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.

Vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động.

Truyền thông vận động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV- nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương.

Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV- nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dự phòng, dịch vụ PrEP, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS; mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay >10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS<1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân) và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).

Đức An

Tin cùng chuyên mục