BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước 

Cập nhật ngày: 16/10/2020 - 01:11

BTN - Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ðến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển khá của vùng Ðông Nam Bộ và cả nước.

Khai trương Khu du lịch Sun World núi Bà Ðen (núi Bà Ðen).

Theo dự báo, thời gian tới, Tây Ninh có cơ hội bức phá hơn nữa khi tiềm năng, lợi thế của tỉnh ngày càng được phát huy.

Cơ hội rộng mở

Dư địa về đất đai, tài nguyên, lao động của tỉnh dồi dào. Tiềm năng cửa khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mang tầm quốc gia và khu vực là điều kiện thuận lợi để định hướng phát triển đồng bộ, toàn diện, thu hút đầu tư mở rộng kết nối phát triển vùng mạnh mẽ hơn, nhất là kết nối, liên thông về giao thông.

Việc hiện thực hoá dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển không chỉ riêng tỉnh Tây Ninh mà cả khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thúc đẩy kinh tế đối ngoại quốc gia, tạo ra hành lang phát triển công nghiệp, đô thị. Sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị và khát khao lớn về sự phát triển của hệ thống chính trị và nhân dân cùng với yếu tố truyền thống cách mạng của quê hương sẽ là động lực, tiềm lực chính trị, tinh thần to lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh thời cơ, thuận lợi là những khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu gia tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp - nhất là hệ luỵ tiêu cực từ đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước và của tỉnh.

Những hạn chế, yếu kém nội tại của địa phương chậm được khắc phục: quy mô, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; an ninh trật tự tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống, sự tăng tốc phát triển về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống chính trị, những “bất cập, điểm nghẽn” trong hoạt động quản lý Nhà nước- nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư, nếu không được khắc phục, khơi thông sẽ là lực cản trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh.

Mục tiêu, định hướng giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ðến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển khá của vùng Ðông Nam Bộ và cả nước.

Về định hướng phát triển, tỉnh gắn kết phát triển với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; duy trì nhịp độ tăng trưởng, gia tăng quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tập trung hoàn thành các dự án giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hình thành trục hành lang công nghiệp, đô thị dọc tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; nghiên cứu đề xuất động lực mới thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển mạnh mẽ.

Từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tập trung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; củng cố quốc phòng, an ninh; đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; phát huy rộng rãi quyền làm chủ trực tiếp và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ðổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ Ðảng; xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức- nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có phẩm chất, năng lực, năng động, trách nhiệm, khát khao phát triển.

Hệ thống cáp treo hiện đại trên núi Bà Ðen.

Các giải pháp đột phá

Tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, có hiệu quả bốn chương trình đột phá: đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hiện thực hoá dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị;

Đột phá về phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen trở thành tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và vùng miền Ðông Nam Bộ; đột phá về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế, nâng cao các chỉ số PCI, ICT, PAPI và PAR Index; xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh; từng bước xây dựng chính quyền số, xã hội số.

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về quy hoạch, đất đai, đầu tư; xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chất lượng, bảo đảm tư duy tầm nhìn dài hạn; tích hợp đồng bộ các quy hoạch ngành-nhất là quy hoạch giao thông, đô thị, công nghiệp và có tính kết nối liên thông quy hoạch vùng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cửa khẩu quốc tế Xa Mát phát triển; hình thành trục hành lang phát triển công nghiệp, đô thị tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài để tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong dài hạn.

Ðình Chung

(Lược ghi dự thảo văn kiện Ðại hội đại biểu lần thứ XI Ðảng bộ tỉnh)