Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
So với các kỳ Đại hội trước, báo cáo chính trị trình Đại hội XIII bổ sung quan điểm chỉ đạo; trong 5 quan điểm chỉ đạo có hai quan điểm mới về xây dựng Đảng.
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo Tỉnh uỷ chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Phương Thuý
14.10 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14.10.1930 - 14.10.2023). Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ thường xuyên liên quan trực tiếp đến vận mệnh, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng không ngừng chăm lo xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về những vấn đề cơ bản, cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Ba nghị quyết quan trọng
Nhìn lại một quá trình dài gần 40 năm, cụ thể là từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tạm liệt kê ba nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khoá VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2.2.1999); Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16.1. 2012); Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hoá” trong nội bộ” (Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30.10.2016).
Ngoài kết quả đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế. Báo cáo tổng kết về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã chỉ rõ: “Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, t.2, tr. 222).
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng nhận định: “Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Bốn nguy cơ Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Các mối đe doạ độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là trên biển Đông; vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, xu hướng già hoá dân số; tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động...”.
"Tình hình nêu trên tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, t.2, tr. 228).
Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng, quan điểm của các văn kiện trước đó, đặc biệt là căn cứ vào thực trạng công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã bổ sung những điểm mới để tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. So với các kỳ Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII (về nội dung xây dựng Đảng) có một số điểm mới.
Văn kiện Đại hội XIII dành 138 trang (từ trang 163 đến trang 301) trình bày tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng. Do tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đại hội XIII xác định “trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
So với các kỳ Đại hội trước, công tác xây dựng Đảng không chỉ được đề cập trong báo cáo chính trị Đại hội XIII, mà còn có báo cáo riêng về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Có báo cáo riêng về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là điểm mới hoàn toàn so với các kỳ Đại hội trước.
Bổ sung điểm mới
Đại hội XIII bổ sung điểm mới ở chủ đề Đại hội là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…”. Đảng bổ sung “chỉnh đốn Đảng” và “hệ thống chính trị” vào nội dung tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thành “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Phải bổ sung “chỉnh đốn” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” trong chủ đề Đại hội XIII là vì trong thời gian qua đã có sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Thực hiện chỉnh đốn Đảng có hiệu quả mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh.
Bổ sung “hệ thống chính trị” vào “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là đúng đắn và cần thiết.
Đảng lãnh đạo toàn diện, Đảng lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị nhưng Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị nên sự trong sạch, vững mạnh của Đảng phải gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị bao gồm Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhận thức mới về bài học kinh nghiệm
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII rút ra 5 bài học kinh nghiệm, bài học đầu tiên về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Đại hội xác định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…”.
Nhận thức mới của Đảng trong bài học này là nhấn mạnh xây dựng Đảng về cán bộ. Đại hội khẳng định công tác cán bộ phải là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Chỉnh đốn Đảng - yếu tố hàng đầu
So với các kỳ Đại hội trước, báo cáo chính trị trình Đại hội XIII bổ sung quan điểm chỉ đạo; trong 5 quan điểm chỉ đạo có hai quan điểm mới về xây dựng Đảng.
Quan điểm (thứ nhất) nêu những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. So với các Đại hội trước, Đại hội XIII bổ sung thêm: “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”.
Quan điểm (thứ năm) nêu những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, trong các nhân tố có ý nghĩa quyết định, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố hàng đầu.
Việt Đông
(Còn tiếp)