Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá trị lý luận, ý nghĩa thực tiễn của Đề cương văn hoá Việt Nam

Phần I: Đặt con người ở vị trí trung tâm 

Cập nhật ngày: 06/03/2023 - 10:02

BTN - Các nguyên lý và định hướng căn bản trong chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá vẫn thể hiện sự kiên định với nền tảng lý luận và tinh thần của Đề cương về văn hoá Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ 5% người Việt Nam biết chữ, nay gần 100% biết chữ, trong đó riêng học sinh, sinh viên chiếm hơn 20% tổng số dân

“Việc xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hoá bao gồm ba thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương về văn hoá Việt Nam thể hiện tư duy mạch lạc và sự tiến bộ vượt thời đại trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Không dừng lại ở đó, trên cơ sở vận dụng phương pháp luận mác-xít, Đề cương còn khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hoá cũng như giữa văn hoá với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội”- các nhà nghiên cứu bình luận.

Trong khi các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hoá dân tộc thì toàn bộ nền văn hoá đó cũng chính là một “mặt trận”, có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị.

Luận điểm “văn hoá là một mặt trận” được coi là tuyên ngôn của Đảng về sứ mệnh và vị thế của văn hoá, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận tổng thể của Đảng đối với việc giải quyết các yêu cầu, mục tiêu lớn của đất nước.

Trong bối cảnh lịch sử đương thời, luận điểm này là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức, kiến tạo nền tảng và nguồn sức mạnh tinh thần cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ nhận thức căn bản này, đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương khẳng định mặt trận văn hoá sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hoá với ba nguyên tắc vận động căn bản, gồm: dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá.

Ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nền văn hoá mới mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người trước hết nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hoá, văn nghệ.

Quan trọng hơn nữa, con người, hay nói chính xác hơn là quần chúng nhân dân, chính là chủ thể của văn hoá, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá.

Nền văn hoá mới mà Đảng hướng tới chính là nền văn hoá thuộc về nhân dân và do nhân dân xây dựng, phát triển vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân. Từ góc nhìn của chủ nghĩa Mác, Đề cương về văn hoá Việt Nam coi văn hoá như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

Văn hoá hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hoá bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc.

Các giá trị văn hoá, ngay cả giá trị truyền thống cũng không tồn tại một cách bất biến mà không ngừng được bổ sung và tái định hình để phù hợp với cuộc sống đang diễn ra. Việc lựa chọn các giá trị phù hợp để kế thừa dựa trên tinh thần khách quan và tư duy phê phán là một yêu cầu quan trọng đối với phát triển văn hoá.

Thái độ khoa học, tiến bộ này của Đề cương cung cấp một nền tảng lý luận quan trọng về động năng và tính kế thừa của văn hoá. Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích trên đây, Đề cương về văn hoá Việt Nam “xứng đáng là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hoá cách mạng Việt Nam”.

Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.

Kể từ thời điểm này cho đến năm 1975, đường lối văn hoá kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về văn hoá Việt Nam đã đề ra.

Trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hoá cũng như các mục tiêu phát triển văn hoá cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới.

Tuy vậy, các nguyên lý và định hướng căn bản trong chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá vẫn thể hiện sự kiên định với nền tảng lý luận và tinh thần của Đề cương về văn hoá Việt Nam.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng xác định, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là “nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tiếp đó, quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” được nhấn mạnh trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về các văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng (năm 1996). Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thông qua như một bản chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

So với Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII đã có quan niệm rộng hơn, toàn diện hơn, bao quát hơn về văn hoá, về văn hoá và phát triển, về di sản văn hoá, về bản sắc, đặc trưng văn hoá Việt Nam, về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này được làm sâu sắc hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Nghị quyết khẳng định mục tiêu “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Năm 2020, Bộ Chính trị ra Kết luận số 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế, đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hoá, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Như vậy, trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hoá như nguồn lực nội sinh cho phát triển. Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng của mình và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hoá.

Quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn hoá cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hoá Việt Nam như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hoá, phát triển con người ở Việt Nam.

Việt Đông

(Còn tiếp)