Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ, giải pháp đối với Tây Ninh
Phần III: Cán bộ là gốc của mọi công việc
Thứ sáu: 10:34 ngày 15/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mọi việc đều do con người, nhưng trong mọi hạng người thì cán bộ là gốc của mọi công việc, mọi sự thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém; vấn đề cán bộ quyết định mọi việc.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các văn kiện của Đảng và phát biểu của Tổng Bí thư đều nhấn mạnh trách nhiệm người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa. Mọi việc đều do con người, nhưng trong mọi hạng người thì cán bộ là gốc của mọi công việc, mọi sự thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém; vấn đề cán bộ quyết định mọi việc. Người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh công tác cán bộ là “then chốt” của công tác xây dựng Đảng.

Con người và cơ chế

Qua thực tế hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố trong các vụ án vừa qua, lý giải mối quan hệ giữa cơ chế và con người, Tổng Bí thư đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện?”.

Ông kết luận: “Đây là bài học rất đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”.

Cách phân tích cắt nghĩa của Tổng Bí thư cho ta hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa con người và cơ chế. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì phải bằng tính khoa học của cơ chế và bộ máy, nhưng cơ chế, thể chế, chính sách, bộ máy lại do con người làm ra.

Con người xấu có thể cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình làm chính sách, pháp luật. Bộ máy, cơ chế tốt mà con người xấu cố tình xuyên tạc, phá hoại thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ cho sự hủ hoá. Đây không chỉ là giải pháp về con người nói chung, mà còn là bài học quý giá về vấn đề gốc, then chốt là công tác cán bộ.

Ba nhóm giải pháp nêu trên luôn vận hành trên cái trục “xây” đi đôi với “chống”: “chống” triệt để bảo đảm cho công việc “xây” thành công, “xây” phát triển thì cái gì cần “chống” sẽ được xoá bỏ tận gốc; “xây” là nhiệm vụ chủ yếu, lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa”.

Mặt khác, phải gắn thưởng với phạt. Khen thưởng và kỷ luật đúng đều mang lại động lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Những quan điểm nêu trên được Đảng ta khẳng định trong các nghị quyết của Đảng: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài: “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách…

Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm”. Đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân gắn liền với chú trọng xây dựng văn hoá Đảng, văn hoá liêm chính, văn hoá công bộc, văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp.

Các giải pháp nêu trên chưa phải là tất cả nhưng có ý nghĩa đột phá. Trong đó, thể chế, công tác cán bộ, tu dưỡng đạo đức, kiểm soát quyền lực, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chúng ta kiên trì, kiên quyết, quyết tâm thực hiện chắc chắn sẽ đem lại những kết quả mới, cao hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tế địa phương, bám sát tinh thần căn cốt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết chuyên đề, Tây Ninh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Đánh giá thực trạng

Rà soát lại các nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn, đặc biệt Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 5.11.2021 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2025”, nhiệm vụ chính trị của Ban Chỉ đạo phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực đã thi hành thế nào: Cái gì làm được, làm tốt, nguyên nhân? Cái gì chưa làm được, khoảng trống, kẽ hở, nguyên nhân? (chú trọng nguyên nhân chủ quan).

Rút ra được những bài học gì? về ý nghĩa của đấu tranh phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; về quyết tâm, nỗ lực, phương pháp, kiên quyết, kiên trì; không chủ quan, không né tránh; về công tác cán bộ, nêu gương; về quan hệ giữa phòng và chống, xử lý nghiêm minh; vấn đề kiểm soát quyền lực; vai trò của quần chúng nhân dân; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Ninh…

Đánh giá thực trạng, rút ra bài học là cực kỳ quan trọng để cái gì làm tốt thì khẳng định, tiếp tục phát huy; cái gì làm chưa tốt phải sửa chữa, khắc phục; cái gì còn thiếu chưa theo kịp tình hình mới thì bổ sung; cái gì cần phát triển thì phát triển.

Ví dụ công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Muốn làm tốt thì phải đánh giá nhiệm kỳ vừa qua làm như thế nào? Những gì làm tốt? Có gì bất cập? Có “lỗ hổng”, “kẽ hở” không? Quy hoạch rồi, được vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, vì sao một thời ngắn có cán bộ hỏng? Do đâu? Những chuyện này cần được làm hết sức riết ráo, thực chất với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Bài học một số tỉnh vừa qua rọi cho ta vấn đề này.

Giáo dục chính trị, tư tưởng

Đây là câu chuyện không mới nên cách làm phải mới, phải sắc, có điểm nhấn. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc hơn di sản Hồ Chí Minh về chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực: biểu hiện, nguy hại, nguyên nhân, ý nghĩa.

Giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, cái cẩm nang thần kỳ, mặt trời soi sáng con đường đi tới tương lai của dân tộc. Phải chỉ ra được không thành công trong cuộc chiến chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực là mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, vào cấp uỷ và chính quyền địa phương, mà mất lòng tin là mất tất cả.

Giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ, về văn hoá Đảng, v.v… Giới thiệu các nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước, sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, nguy hại.

Phải làm rõ được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng văn hoá, đạo đức, lối sống. Giáo dục vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước nhân dân; của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. Giáo dục gương người tốt việc tốt.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tập trung công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, uy tín (tự giác tu dưỡng đạo đức, biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ, trách nhiệm nêu gương, kiểm soát tài sản, thu nhập…). Nhấn mạnh sự gương mẫu của người đứng đầu.

Tránh tình trạng mà nhiều lần Tổng Bí thư nói: “Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên cấp dưới chúng tôi hỗn hào”. Xây dựng nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong điều kiện cụ thể của tỉnh. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy chế, quy định của tỉnh về các mặt. Cụ thể hoá, hiện thực hoá các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh; năng lực quản lý của chính quyền; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Cần có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Nghiên cứu, vận dụng chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng, hoàn thiện các mặt để “không dám”, “không thể”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng trong điều kiện cụ thể của Tây Ninh.

Đổi mới cách làm

Thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Đồng thời đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, nhưng không “theo đuôi” quần chúng, chạy theo dư luận. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể thành phần dân cư Tây Ninh để làm tốt công tác phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân.

Chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải phù hợp tình hình, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán ở địa phương; nghiên cứu học tập kinh nghiệm các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh có nhiều đặc điểm giống Tây Ninh, kế thừa kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục