BAOTAYNINH.VN trên Google News

Pháp luật bảo vệ nhà báo tác nghiệp vì chính nghĩa

Cập nhật ngày: 21/06/2016 - 10:40


Các phóng viên tác nghiệp trên nhà giàn DK1. Ảnh: ST.

Vậy nhưng trên thực tế, khoa báo chí ở các trường Đại học vẫn luôn “đắt” sinh viên. Điều đó có nghĩa là những hiểm nguy trong nghề báo đôi khi lại trở thành sự kích thích niềm đam mê ở những người trẻ thích đối diện với thử thách. Hơn thế nữa, vinh quang của nghề báo chính là khi nhà báo chiến thắng được nghịch cảnh để nói lên sự thật nhằm tác động, thay đổi nhận thức hoặc tạo áp lực để cải tạo xã hội. Đó là lý do để hết thế hệ này đến thế hệ khác trong giới báo chí luôn xông pha, dấn thân bất chấp hiểm nguy. Bởi bên cạnh hoạt động báo chí chân chính, có sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng, của đạo đức và pháp luật.

Là một nhà báo với 28 năm cầm bút tại Báo Công an TP.HCM và cho ra đời nhiều tác phẩm điều tra gây tiếng vang trong dư luận, nhà báo Lại Văn Long đã có không ít lần đối diện với nguy hiểm khi tác nghiệp. Nhưng nhờ sự nhanh trí, nhạy bén nên ông luôn khéo léo “hóa giải” mọi hiểm nguy.

Ông kể lại kỷ niệm của chuyến tác nghiệp vào năm 1998, khi ông ra Bình Thuận viết bài điều tra về một giám đốc mỏ đá vi phạm pháp luật. Mỏ đá nằm ở nơi hoang vu và chuyến đi của ông bị rò rỉ thông tin nên khi vừa đặt chân tới mỏ đá, ông liền bị hai ba kẻ xăm mình “nhốt” luôn vào phòng bảo vệ ngoài cổng. Do nơi đó chưa có sóng điện thoại di động nên không thể gọi cầu cứu. Vì vậy, ông Long đành thấp thỏm chờ đợi.

Đến trưa, tay giám đốc đến, hỏi ông: “Ông nghe lời bọn xấu đến đây để phá hoại chuyện làm ăn của tôi phải không?”. Lúc này ông Long làm bộ ngơ ngác “Không phải đâu, tôi nghe nói DN của ông thầu cung cấp đá cho dự án cải tạo Quốc lộ 1A và ông là một giám đốc rất giỏi, rất thương công nhân nên tôi ra viết bài để khen”. Rất may, ông giám đốc tin lời và chuyển thái độ vui vẻ.

Sau đó, ông giám đốc dắt ông Long đi tham quan khắp mỏ đá, ông tha hồ chụp ảnh, ghi nhận thông tin. Đến lúc báo phát hành, bài báo của ông phanh phui việc ông giám đốc này lừa đảo, nổ mìn trái phép gây chết 2 mạng người và đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Sau đó, tay giám đốc đâm đơn kiện ông Long về nội dung bài báo.

Tuy nhiên, sau đó giám đốc mỏ đá đã bị khởi tố, bắt giam và bị tòa án tuyên phạt 12 năm tù. “Nếu hôm đó tôi không nhanh trí để thay đổi tình hình, chắc chắn sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể bỏ mạng ở nơi hoang vu dưới tay một ông giám đốc rất liều mạng với một đám đàn em rất côn đồ” – ông Long nhớ lại. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Long cho rằng: “Nếu có những ứng xử phù hợp và nhanh nhạy, nhà báo có thể chuyển bại thành thắng. Còn nếu ở hoàn cảnh nào cũng ‘cương’ thì có thể không hoàn thành nhiệm vụ mà còn gặp tai họa khó lường”.

Trên thực tế đã xảy ra không ít các vụ việc phóng viên bị đe dọa, hành hung bị thương… Gần đây nhất, 2 phóng viên của Trung tâm Tin tức VTV 24 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã bị một đối tượng dùng dao chém gây thương tích và đập hỏng camera khi đang tác nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên. Bàn về vấn đề này, nhà báo Lại Văn Long cho rằng, khi nhà báo có chức danh ở một cơ quan báo chí của Nhà nước (như phóng viên, thư ký tòa soạn, ban biên tập…) thực hiện nhiệm vụ do cấp trên phân công hợp pháp thì pháp luật phải bảo vệ họ.

Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật nên xử lý hình sự về tội “chống người thi hành công vụ” đối với những cản trở, tấn công, tước đoạt phương tiện hành nghề, vu cáo, xúc phạm… nhà báo. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, các nhà báo cũng nên có biện pháp tự bảo vệ mình. Trước hết, động cơ làm việc phải vì cái chung, hợp pháp, hợp đạo đức.

Ông Đào Kim Phú, Phó Chánh văn phòng, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, hệ thống pháp luật bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên gồm có Luật Báo chí và Bộ luật Hình sự. Mặc dù vậy, trong một số vụ hành hung phóng viên xảy ra thời gian qua, cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời và việc xử lý chưa nghiêm minh.

Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa kịp thời, đồng bộ và chặt chẽ. Ông Phú mong rằng thời gian tới các cơ quan báo chí cần chủ động thông báo cho Hội Nhà báo Việt Nam khi có xảy ra sự việc phóng viên bị tấn công, đe dọa nhằm giúp cho công tác phối hợp xử lý được kịp thời và chặt chẽ hơn nữa.

Nguồn HQ Online