Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC
Thứ bảy: 09:17 ngày 13/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, tối 12/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến.

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước:

Ngày 12 tháng 11 năm 2021

Thưa bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, Chủ nhà APEC 2021,

Thưa Quý vị,

Tôi vui mừng gặp lại những người bạn thân thiết nhiều năm.

Tôi chúc mừng sự lãnh đạo mạnh mẽ, đầy sáng tạo của bà Thủ tướng trong năm APEC 2021 và hoan nghênh nỗ lực của các bạn New Zealand và các thành viên chúng ta về những thành quả to lớn đã đạt được khi cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, khó khăn chưa từng có.

Tôi đánh giá cao cuộc gặp Cấp cao lần thứ hai trong năm APEC 2021 để chúng ta thảo luận về một chủ đề quan trọng và cấp bách - hợp tác APEC thúc đẩy phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Tôi ủng hộ nhiều ý kiến của các vị Lãnh đạo trong APEC.

Cuộc chiến cam go đầy đau thương, mất mát của thế giới với đại dịch COVID-19 trong hai năm qua và những thay đổi nhanh chóng, tác động sâu sắc, đa chiều đến kinh tế xã hội, đời sống mọi người dân, buộc chúng ta phải suy ngẫm, nhìn nhận lại về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là: sự tùy thuộc lẫn nhau và gắn kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế; sự dễ tổn thương và thiếu sẵn sàng trước dịch bệnh và biến đổi khí hậu; bất cập và hạn chế của hệ thống quản trị toàn cầu trong xử lý khủng hoảng; và sự bất bình đẳng trong và giữa các nền kinh tế.

Để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, chúng ta cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên.

Đây là thời khắc đặc biệt đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động” vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng.

Thưa Quý vị,

Lịch sử cho thấy mỗi lần vượt qua khủng hoảng, APEC lại càng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và vai trò gắn kết của mình. Hơn bao giờ hết, trong khó khăn hôm nay, trên cơ sở phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực và sự hợp tác giữa các nền kinh tế, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới.

APEC chủ động mở rộng liên kết kinh tế trong phục hồi, tăng trưởng bền vững, phát huy vai trò dẫn dắt trong định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch và góp phần củng cố quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Tôi xin nhấn mạnh 3 trọng tâm của APEC:

Thứ nhất, kiểm soát và dập dịch là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để bảo đảm châu Á-Thái Bình Dương an toàn và mạnh khỏe, ổn định và phục hồi kinh tế vững chắc.

Nền tảng hạ tầng y tế phải được củng cố và đổi mới. Các nền kinh tế phải ưu tiên hợp tác để vừa bảo đảm tiếp cận vaccine, nghiên cứu công nghệ và sản xuất vaccine, thuốc điều trị và các thiết bị y tế, vừa cải thiện hệ thống y tế cộng đồng và nâng cao năng lực ứng phó trước những thách thức đối với an toàn sức khỏe của người dân trong tương lai.

Nhân dịp này, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi xin cảm ơn nhiều thành viên APEC đã hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng COVID-19 và thuốc điều trị.

Thứ hai, APEC phải phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu để gánh vác trách nhiệm xây dựng nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, hội nhập, kết nối hiệu quả.

APEC và từng nền kinh tế thành viên cần chung tay củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử, và đề cao vai trò của WTO.

Trong trạng thái “bình thường mới,” APEC cần tăng cường kết nối để bảo đảm hoạt động của các chuỗi cung ứng khu vực gắn với mở cửa biên giới, mở cửa đường biển cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân một cách an toàn và thuận lợi.

Tôi đề nghị APEC sớm xây dựng “Bộ hướng dẫn và thực tiễn tốt về khôi phục đi lại giữa các nền kinh tế vừa bảo đảm an toàn chống dịch.”

Phát huy nội lực của mình, chúng ta cần hoàn thành các Mục tiêu Bogor, Tầm nhìn Putrajaya, Lộ trình cạnh tranh Dịch vụ, thúc đẩy hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, hướng tới một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Đồng thời thúc đẩy các chương trình hợp tác APEC về cải cách cơ cấu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba, APEC cần đi đầu xây dựng hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040.

Phục hồi kinh tế là cơ hội để chúng ta mạnh mẽ đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, thích ứng bền vững với những biến động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tôi đề nghị APEC mở rộng hợp tác trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, lương thực và quản lý thiên tai.

Đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đạt Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải metan vào 2030, trồng thêm 1 tỷ cây xanh đến 2025 và nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%.

APEC triển khai nhanh Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm, nâng cao năng lực cho các Nhóm kinh tế tiềm năng, như các nhóm dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng sâu, vùng xa, và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trên tinh thần đó, tôi nhất trí thông qua Kế hoạch hành động Aotearoa với các mục tiêu rõ ràng và hoạt động triển khai cụ thể. Việt Nam sẽ hợp tác cùng Thái Lan và các thành viên tổ chức thành công năm APEC 2022.

Thưa Quý vị,

Sau 23 năm tham gia APEC, ngày nay Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân với nền kinh tế có độ mở lớn, chủ động hội nhập, phát triển nhanh. Trên cơ sở phát huy tốt nội lực, chúng tôi đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và góp phần giải quyết những thách thức chung.

Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên APEC hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á-Thái Bình Dương mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

Mong gặp lại Quý vị.

Xin cảm ơn./.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục