Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng 

Cập nhật ngày: 14/03/2024 - 05:03

BTN - Đại đoàn kết dân tộc mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Những năm qua, cả nước thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về chính sách và công tác dân tộc; với sự vào cuộc của toàn xã hội, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, góp phần xây dựng và phát triển đất nước

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24.11.2023 - từ đây gọi là Nghị quyết số 43) đã đề ra 4 nhóm quan điểm toàn diện nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới.

Nội dung cốt lõi của các quan điểm là đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đoàn kết dân tộc mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân và đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị...

Sinh thời, Lênin đã khẳng định một đảng tiền phong cho dù mạnh tới đâu cũng chỉ có khả năng trong một giới hạn nào đó, sức mạnh vĩ đại nhất chính là ở nhân dân. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta nhận thấy, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết chắc chắn sẽ thành công, còn chia rẽ sẽ dẫn tới thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm của mình, truyền thống đại đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, giúp Việt Nam vượt qua những trở ngại, khó khăn, nhất là những khi phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Không những thế, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết thành một khối thống nhất sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch vượt qua mọi chông gai, thử thách. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành chất kết dính, gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam lần lượt thất bại. Nguyên nhân các thất bại ấy là do các phong trào yêu nước đã chưa có một đường lối đúng đắn để quy tụ các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp Nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Những thành tựu mà đất nước và dân tộc đạt được những năm qua có phần đóng góp lớn lao của tất cả mọi tầng lớp người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hoá bằng các chính sách, pháp luật. Mọi tầng lớp Nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như: Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27.3.1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân; Nghị quyết 23-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28.1.2008); Nghị quyết 26-NQ/TW về nông dân (gần đây là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;

Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức (Hội nghị Trung ương tám khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24.11.2023 “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”;

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế;

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25.7.2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá;

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12.3.2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo; Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10.1.2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo;

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới (Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12.3.2003); Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới v.v…

Tất cả những chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Tuy vậy, trong thực tế hiện nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện, những vấn đề bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã chỉ ra mà gần đây nhất, Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24.11.2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đã chỉ ra các hạn chế, bất cập, đó là:

Việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong Nhân dân. Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hoá giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn.

Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đó là: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

(2) Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. (3) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

(4) Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân.

(6) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước và (7) Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Các nghị quyết của Đảng gần đây đều đề ra quan điểm nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đó, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán là lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết…

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được tầm nhìn và khát vọng ấy, chắc chắn cần có sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước. Vì vậy, việc thực hiện có hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đề ra sẽ góp phần vào thành công ấy.

Hồng Phúc