BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi

Cập nhật ngày: 01/06/2009 - 07:09

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Người cao tuổi chiều 1.6, các đại biểu Quốc hội cho rằng: Các điều khoản trong Luật phải thể hiện rõ việc phát huy trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội trong việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi cũng như việc phát huy phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Các đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Nam Định, Phú Yên… thảo luận tổ

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, Pháp lệnh Người cao tuổi ra đời thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi - lực lượng xã hội chiếm gần 10% dân số cả nước.

Tuy nhiên, do một số hạn chế nhất định sau hơn 8 năm thực hiện Pháp lệnh, sự gia tăng của số lượng người cao tuổi, yêu cầu phải tiếp tục xác định khung pháp lý cơ bản nhằm điều chỉnh chế độ, chính sách.. đối với người cao tuổi đặt ra yêu cầu cần thiết xây dựng và ban hành Luật Người cao tuổi.

Các đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Nguyễn Minh Hồng (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bố cục lại dự thảo Luật theo hướng gọn hơn, không nên thiết kế nhiều chương, mục như Dự thảo đồng thời cần nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm bảo vệ và các biện pháp bảo vệ người cao tuổi.

Theo đại biểu Nguyễn Tự Nam (Đồng Tháp), dự thảo Luật nên bổ sung chế tài xử lý các hành vi kích động người cao tuổi làm những việc trái pháp luật hoặc ép buộc người cao tuổi làm việc quá sức lực...

Về đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, Điều 16 dự thảo Luật xác định các nhóm đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội gồm: người cô đơn, không nơi nương tựa, người mắc bệnh tâm thần mãn tính, nhiễn HIV, nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi tàn tật không có khả năng tự phục vụ... Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm các nhóm người cao tuổi khác được hưởng chính sách bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của người cao tuổi, tránh tình trạng bỏ sót hoặc trùng lắp đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Về hỗ trợ, giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi tại Điều 15, đại biểu Nguyễn Văn Đồng (Nam Định) đề nghị cụ thể mức giảm giá một số dịch vụ như: du lịch, thể thao, sử dụng phương tiện giao thông công cộng ngay trong Luật.

Điều 24 về hệ thống tổ chức và vị trí của Hội người cao tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Đồng Tháp) nêu ý kiến: Hội Người cao tuổi là tổ chức xã hội, do đó không nên quy định trong dự thảo Luật về hệ thống tổ chức của Hội mà nên quy định trong Điều lệ Hội.

Một số ý kiến cho rằng, về độ tuổi xác định người cao tuổi, Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên” là chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Cán bộ, công chức. Luật Cán bộ, công chức quy định độ tuổi về hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Như vậy phụ nữ ở độ tuổi 55-60 sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, đây là vấn đề cần làm rõ hơn.

Về khoản 2 Điều 23 trong dự thảo: “Người cao tuổi lao động tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo được hưởng ưu đãi về vốn, đất đai, thuế theo quy định của pháp luật”, theo một số đại biểu, dự thảo nên quy định theo hướng người cao tuổi được vay vốn ưu đãi. Các vấn đề liên quan đến đất đai, thuế sẽ do các luật khác điều chỉnh.

(Theo chinhphu.vn)