BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Trảng Bàng tập trung đổi mới, phát triển quê hương

Cập nhật ngày: 17/08/2010 - 10:30

Cách đây đúng 65 năm ở thị trấn Trảng Bàng có một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã là Phó thủ lĩnh, lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng với toàn dân xứ Trảng Bàng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) cướp chính quyền thành công. 65 năm sau một người con trai của vị Phó thủ lĩnh thanh niên ấy vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trảng Bàng bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, Bí thư Huyện uỷ cùng với toàn Đảng bộ và nhân dân Trảng Bàng quyết tâm đưa kinh tế-xã hội của huyện phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hoá. Người Phó thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ngày ấy chính là nhà văn quá cố Vân An và con trai ông là đồng chí Trần Lưu Quang.

Nhà văn Vân An tên thật là Trần Vạn An, sinh năm 1925, tại thị trấn Trảng Bàng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là Tỉnh uỷ viên từng giữ nhiều cương vị lãnh đạo ngành văn hoá tư tưởng của tỉnh. Là thanh niên trí thức ông tham gia phong trào yêu nước từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đầu tiên, ông gia nhập Thanh niên Tiền phong và được cử làm Phó thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong khi mới tròn 20 tuổi. Khi tập kết ra Bắc ông vẫn một lòng hướng về quê hương. Là Chủ tịch Hội đồng hương Tây Ninh, ông rất quan tâm chăm sóc các con em Tây Ninh ra Bắc học tập. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông về quê và đem hết nhiệt tình, tâm huyết ra phục vụ nhân dân.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng đang phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 34

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ cách đây 65 năm, Phó thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Trần Vạn An cùng các đồng chí, đồng đội của ông đã tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền ở Trảng Bàng thành công tốt đẹp. Theo tư liệu truyền thống địa phương cho biết, sáng sớm ngày 25.8.1945, trong lúc tại sân vận động tỉnh Tây Ninh có cuộc mít tinh với hơn 5.000 người dự, thì ở Trảng Bàng cũng có hơn 2.000 người từ các xã xung quanh đội ngũ chỉnh tề kéo về quận lỵ Trảng Bàng. Hàng trăm thanh niên trang bị tầm vông vạt nhọn, giáo mác kéo qua đường phố chính ở chợ Trảng Bàng. Đúng 8 giờ cuộc mít tinh bắt đầu, đại biểu Việt Minh phát biểu nêu rõ: “Nhật đầu hàng đồng minh, chính quyền ở Hà Nội, ở Sài Gòn và các nơi khác đã về tay Việt Minh, đồng bào ở Trảng Bàng hãy ủng hộ Việt Minh và sẵn sàng đứng lên cướp chính quyền”. Những người tham gia mít tinh hô vang: “Chính quyền về tay Việt Minh! Việt Minh muôn năm!”. Sau cuộc mít tinh các cán bộ trung kiên cùng lực lượng thanh niên vũ trang dẫn đầu cuộc biểu tình quần chúng diễu hành qua các đường phố thị trấn Trảng Bàng, qua quận đường rồi toả ra các xã. Bọn tề xã kể cả lính làng, lính Nhật không dám phản ứng. Một số tên tay sai của Pháp, Nhật trốn khỏi nhiệm sở. Tối hôm đó các đồng chí trong Uỷ ban Chỉ đạo khởi nghĩa cùng khoảng 30 Thanh niên Tiền phong được trang bị vài khẩu súng và giáo mác bao vây quận đường. Tên quận trưởng nghe động cho khoá chặt cổng. Ta móc nối với một người thư ký trong quận đường ra mở cổng đưa lực lượng của ta vào. Dưới áp lực của ta, tuy không dám chống cự lại, nhưng tên quận trưởng cũng giằng co mấy giờ đồng hồ mới giao chính quyền cho Việt Minh. Tin quận đường đã về tay nhân dân được truyền đi khắp nơi trong huyện. Hôm sau, khi trời vừa sáng cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc quận đường.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân không bao lâu thì giặc Pháp lại tái xâm lược nước ta. Nhân dân Trảng Bàng cùng đồng bào cả nước phải chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ xâm lược quân dân Trảng Bàng anh dũng, kiên cường đánh giặc giữ nước. Kết thúc các cuộc chiến tranh vệ quốc, quân dân huyện Trảng Bàng đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương anh hùng đến hai lần. Nước nhà được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xứ Trảng hồ hởi bắt tay xây dựng lại xóm làng. Hơn 35 năm qua, huyện Trảng Bàng không ngừng phát triển. Nhất là từ khi nước nhà đổi mới đến nay, kinh tế văn hoá xã hội của huyện có bước phát triển nhanh chóng. Với lợi thế là địa bàn tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh, Trảng Bàng là địa phương đi đầu của tỉnh trên con đường công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng Trần Lưu Quang cho biết, lãnh đạo và nhân dân huyện Trảng Bàng rất tự hào với những thành quả đã đạt được trong những năm qua trên mọi lĩnh vực. Diện mạo của huyện không ngừng đổi thay. Đời sống của dân được nâng lên rõ rệt. Thành tựu đáng tự hào của huyện Trảng Bàng là kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá.

Bí thư Huyện uỷ Trần Lưu Quang tâm sự: “Được cấp trên phân công về Trảng Bàng công tác, vừa đúng nguyện vọng, vừa là trách nhiệm của tôi để tiếp nối công việc của cha tôi tiếp tục phục vụ cho quê hương mình. Bản thân tôi cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành và toàn Đảng bộ quyết tâm đưa huyện Trảng Bàng ngày càng phát triển. Cha tôi không còn nữa, nhưng tôi biết ông rất vui vì quê hương Trảng Bàng ngày càng đổi mới. Những mong ước, kỳ vọng của ông đang được con cháu của ông từng bước thực hiện để quê hương Trảng Bàng ngày càng khởi sắc. Lúc sinh thời cha tôi và những đồng chí của ông, những người lão thành cách mạng luôn mong muốn Trảng Bàng có sự bức phá trong phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Ốm (Nguyễn Văn Chắc-Ba Ốm N.V), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh đã từng nói với tôi: “Trảng Bàng đã từng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thì bây giờ các cháu phải cố gắng làm sao để Trảng Bàng lại một lần nữa nhận được danh hiệu anh hùng-Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Để thực hiện được việc này là không phải dễ, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên Huyện uỷ Trảng Bàng định hướng phát triển theo mục tiêu này. Hiện nay chỉ với Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Khu Công nghiệp-chế xuất Linh Trung III, với tổng diện tích khoảng 400 ha đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 31,82% giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh. Điều này cho thấy sự đúng đắn của việc phát triển khu công nghiệp. Huyện sẽ tập trung phát triển, kêu gọi đầu tư để phát triển các khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp-dịch vụ Bourbon -An Hoà; Khu Công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phước Đông-Bời Lời và các khu công nghiệp khác theo quy hoạch, góp phần quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cả tỉnh.

Với truyền thống khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám và hai lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến, cùng với tiềm năng lợi thế sẵn có, nhất là với sự đoàn kết quyết tâm của nhiều thế hệ người dân Trảng Bàng, tin rằng Trảng Bàng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

D.H