BAOTAYNINH.VN trên Google News

"Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động" 

Cập nhật ngày: 09/01/2021 - 19:16

BTNO - Đây là phương châm hành động của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư, được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát động tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, diễn ra vào chiều 8.1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng (trái) tham dự hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hoà vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển.

Những cải cách này thực sự khắc phục tình trạng nhiều năm qua như: đầu tư công dàn trải, phân tán; chậm trễ trong bố trí và điều chuyển vốn; giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng nhưng gắn liền trách nhiệm và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thực hiện tốt công tác hậu kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với kế hoạch đầu tư công.

Về thu hút đầu tư FDI, giai đoạn 2016 – 2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước, đặc biệt là năm 2020, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực, cần tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Về công tác xây dựng quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, Luật Quy hoạch là cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất, đồng bộ các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước, tránh chồng chéo, lãng phí, dàn trải trong sử dụng các nguồn tài nguyên, nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Luật ra đời đã loại bỏ 692 quy hoạch không phù hợp, rà soát 320 quy hoạch đã được lập hoặc phê duyệt để tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đây là kết quả bước đầu để sớm xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt những quy hoạch phát triển mới phù hợp với tầm nhìn phát triển của đất nước, với mục tiêu sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: Năm 2021, bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy Bộ KH&ĐT và các địa phương cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, kịp xu thế thời đại; phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm); có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới.

Đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, tạo sự lan toả lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ.

Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…

Trúc Ly


Liên kết hữu ích