Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường Chính trị Tây Ninh:
Phát huy truyền thống, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn
Thứ sáu: 00:39 ngày 17/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với truyền thống gần 75 năm xây dựng và phát triển, Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh luôn chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Tập thể cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Năm 1947, tại Nam Bộ, Xứ uỷ Nam bộ quyết định thành lập Trường Đảng miền Nam, nhiều cán bộ Tuyên huấn được tăng cường cho trường Đảng ở các tỉnh phía Nam- trong đó có Tây Ninh. Thực hiện nhiệm vụ của Xứ uỷ Nam Bộ, Tỉnh uỷ có chủ trương “Đào tạo cán bộ tại chỗ, dùng lực lượng tại chỗ để dấy lên phong trào tại chỗ, dùng lực lượng tại chỗ để phát triển lực lượng tại chỗ”, Trường Đảng tỉnh Tây Ninh được ra đời nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao ý chí kiên cường, bất khuất của cán bộ, đảng viên, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng.

Ra đời trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn nhiệt huyết với nghề, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên góp phần giải phóng tỉnh nhà.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1994, với phương châm “Tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết tốt, quản lý tốt”, Trường Đảng tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Ban đầu chưa có cơ sở vật chất, không có giảng viên đứng lớp, phải nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh, đến khi nhập trường (7.1994) đã có đủ khả năng đáp ứng 100% nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, xây dựng.

Trường đã trở thành nơi đào tạo cán bộ có quy mô khá, số lượng đào tạo ngày càng nhiều, từng bước vươn lên khẳng định được vị trí là một trung tâm tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị lớn của tỉnh.

Năm 1994, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh được thành lập theo Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 22.7.1994 của UBND tỉnh, trên cơ sở sáp nhập Trường Đảng và Trường Hành chính tỉnh.

Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trong chặng đường gần 30 năm (1994-2021), Trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục ngàn lượt học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở; trưởng, phó phòng ban, ngành, đoàn thể của huyện, thành phố; trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cán bộ công chức, viên chức là chuyên viên, cán sự và một số đối tượng khác. Trường đã được Trung ương và địa phương tặng nhiều bằng khen, đặc biệt năm 2006, Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giai đoạn 2017 đến 2021, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo trường tổ chức và phối hợp thực hiện nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Về nghiên cứu khoa học, hằng năm đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học nhằm bổ trợ, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, học tập và góp phần tổng kết kinh nghiệm của địa phương; Trường đã thực hiện 4 đề tài khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn; chủ trì tổ chức 1 hội thảo khoa học cấp khu vực (các Trường Chính trị khu vực Đông Nam Bộ) và tham gia 4 hội thảo cấp khu vực do các Trường Chính trị khu vực Đông Nam Bộ tổ chức; Trường đã tổ chức 12 hội thảo khoa học cấp trường (với hơn 170 bài tham luận) và 15 buổi sinh hoạt khoa học định kỳ; ngoài ra, giảng viên còn tham gia viết bài nghiên cứu, trao đổi lý luận, thực tiễn, báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế, sáng kiến kinh nghiệm được triển khai theo đúng kế hoạch, hiệu quả và được giới thiệu, đăng tải lên website của nhà trường, tạp chí chuyên ngành, Báo Tây Ninh; đặc biệt năm 2021, đã xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh” nhằm tạo diễn đàn khoa học và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên nhà trường.

 Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả”, Trường tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh xứng tầm là một đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn có uy tín và chất lượng của tỉnh, phấn đấu đạt danh hiệu Trường Chính trị chuẩn vào năm 2030.

Để hướng đến mục tiêu này, Ban Giám hiệu nhà trường chủ động, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê duyệt Đề án Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh đạt chuẩn mức 1 giai đoạn 2022-2030 và định hướng những năm tiếp theo đúng Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn. Đội ngũ giảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khơi dậy và phát huy sức trẻ, thực hiện những yêu cầu và biện pháp sau:

Một là, giảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Hơn ai hết, đội ngũ giảng viên phải là người nắm vững và trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, chống đối của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Hai là, giảng viên phải nêu cao tinh thần học nâng cao trình độ. Hiện nay, nhiệm vụ học tập nâng cao trình độ là trách nhiệm rất quan trọng đối với cán bộ quản lý các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên trẻ.

Giảng viên phải học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức kinh điển về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó học tập nâng cao chuyên môn đạt trình độ tiến sĩ là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.

Trên cơ sở phấn đấu, nỗ lực của từng giảng viên, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để giảng viên tham gia học tập, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.

Ba là, giảng viên cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Mỗi giảng viên phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện song song với hoạt động giảng dạy để không ngừng bổ sung kiến thức mới về lý luận và thực tiễn.

Bốn là, giảng viên phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng sư phạm. Ngoài trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học, giảng viên cần phải được trang bị một cách có hệ thống những kỹ năng sư phạm như kỹ năng giảng dạy, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tiếp cận thực tiễn vận dụng vào bài giảng để có thể thu hút được sự quan tâm của học viên đối với vấn đề mình truyền đạt.

Mặt khác, người giảng viên còn phải rèn luyện tư duy phát hiện những vấn đề mới; và không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp; phải thực sự tâm huyết trong việc nghiên cứu, giảng dạy và phải tự khẳng định được vị thế của mình, khắc phục mọi biểu hiện thoả mãn, tự kiêu.

Năm là, giảng viên không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng; tác phong mẫu mực của nhà giáo. Giảng viên Trường Chính trị phải thật sự gương mẫu, là tấm gương để học viên noi theo. Bản thân giảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp để ý thức được vai trò, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của giảng viên góp sẽ phần xây dựng văn hoá Trường Đảng theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quan hệ ứng xử với học viên.

Với truyền thống gần 75 năm xây dựng và phát triển, Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh luôn chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong tình hình mới, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị ngày càng cao và tiêu chí xây dựng Trường Chính trị chuẩn, đội ngũ giảng viên vẫn là nền tảng, động lực để tiếp tục phát huy truyền thống. Vì vậy, đòi hỏi mỗi giảng viên phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình thể hiện khát vọng, lý tưởng và nhiệt huyết trong giảng dạy, không ngừng rèn luyện để vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn, thực tiễn, phương pháp giảng dạy, chuẩn mực về phong cách, gương mẫu về đạo đức góp phần vào sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường chung tay xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Mai Tuấn Kiệt

Bình quân hằng năm có 18 đến 20 lớp; tổng số lớp đào tạo, bồi dưỡng là 103 lớp cho 8.257 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, trong đó: cao cấp lý luận chính trị có 4 lớp (358 học viên); trung cấp lý luận chính trị - hành chính có 49 lớp (3.550 học viên); bồi dưỡng ngạch chuyên viên có 16 lớp (1.267 học viên); bồi dưỡng ngạch cán sự có 4 lớp (195 học viên); bồi dưỡng khác 30 lớp (2.887 học viên).

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục