Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ văn hoá của Nhân dân
Thứ hai: 09:16 ngày 30/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Qua một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24.11.2021, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nghệ sĩ Nhân dân – Tiến sĩ Bạch Tuyết biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đón giao thừa năm Quý Mão 2023 tại TP. Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, qua một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24.11.2021, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 62-KH/TU, ngày 9.3.2022 về Công tác văn hoá, văn nghệ năm 2022; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12.12.2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hoá triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực văn hoá - văn nghệ; chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.

Theo đó, các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ cũng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng trên lĩnh vực văn hoá - văn nghệ và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hoá toàn quốc.

Các cấp uỷ, chính quyền thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, chú trọng giáo dục, xây dựng về đạo đức nhân văn, trong đó cốt lõi là giá trị văn hoá cộng đồng dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến tạo động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua rộng rãi của quần chúng, thu hút đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia. Phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mang lại những lợi ích toàn diện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tích cực tham gia xây dựng địa phương.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật đón giao thừa năm Quý Mão 2023 tại TP. Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Tính đến tháng 12.2022, toàn tỉnh có 388/388 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh; 425/431 đơn vị trường học đạt chuẩn văn hoá; 1.229/1.315 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 64/71 xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 267.039/297.344 gia đình văn hoá; 533/535 ấp, khu phố văn hoá, tỷ lệ 99,63%.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có cách làm hay, mô hình tốt trong huy động sức dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân như: Cuộc vận động “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Cuộc vận động “Xây dựng giá trị mẫu hình thanh niên Tây Ninh trong thời kỳ mới”; phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Phòng, chống tệ nạn xã hội” được thực hiện ở khu dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị, trường học...

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá được thực hiện thường xuyên nhằm phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức, truyền thống, lòng tự tôn và niềm tự hào của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc sinh sống, có nhiều di sản văn hoá mang đặc trưng của dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số được quan tâm, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; phát triển rộng rãi đến người dân, nhất là các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số.

Các thiết chế văn hoá phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng, 100% xã có dân tộc thiểu số sinh sống có Trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng, Nhà văn hoá dân tộc.

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh và Báo Tây Ninh xem các ấn phẩm tại Hội Báo Xuân tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 29.1.2023. . Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Thông qua hệ thống thiết chế văn hoá, các hoạt động văn hoá được đầu tư phát triển nâng cao về số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức, phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, hưởng thụ đời sống văn hoá ngày càng cao của Nhân dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 câu lạc bộ, đội, nhóm văn hoá, thể thao duy trì hoạt động thường xuyên; 105 đội văn nghệ quần chúng; các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức bình quân 200 cuộc/năm. Thư viện, tủ sách mở cửa thường xuyên phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của người dân.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác văn hoá được chỉ đạo thực hiện. 100% thiết chế văn hoá trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức, bộ máy hoàn chỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hoá ngày càng được chuẩn hoá về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển về số lượng và chất lượng, số hội viên kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương ngày càng có hướng tiến triển, đạt nhiều danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú. Tính đến năm 2022, Tây Ninh có 14 Nghệ nhân ưu tú, 6 Nghệ sĩ ưu tú.

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ (giữa) cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Nhà báo tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Tây Ninh xem các ấn phẩm của Thư viện tỉnh trưng bày tại Hội Báo Xuân tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 29.1.2023. . Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Thời gian qua, Thư viện tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường số hoá tài liệu địa chí, bổ sung thêm nguồn sách điện tử để phục vụ bạn đọc trên môi trường mạng thông qua các hạ tầng mạng do Thư viện tỉnh quản lý.

Chỉ tính riêng năm 2022, Thư viện tỉnh đã phục vụ cho gần 3 triệu lượt người khai thác, sử dụng các dịch vụ thư viện, trong đó khai thác các dịch vụ trên Cổng thông tin của Thư viện tỉnh (khai thác tài liệu số, sách điện tử, tra cứu, mượn sách, tài liệu…) đạt trên 2,8 triệu lượt.

Bên cạnh đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đầu tư hình ảnh, xây dựng các video giới thiệu, quảng bá trên website, fanpage và nhiều nền tảng mạng xã hội khác để giới thiệu, quảng bá các di sản văn hoá của tỉnh.

Trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư tại hội nghị Văn hoá toàn quốc, những nội dung, giải pháp, định hướng lớn về văn hoá được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hoá, văn học nghệ thuật, góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, tạo động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

An Khang

Tin cùng chuyên mục