Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người làm công tác giám sát phải năng nổ, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ, phải có kiến thức về pháp luật, xác định được đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát; có kiến nghị với đơn vị được giám sát, đồng thời phải tiếp tục giám sát việc thực hiện những kiến nghị đó.
GSĐTCCĐ giám sát viêc thi công đường rỗng Củ Chi kênh đình, xã Cẩm Giang.
Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSÐTCCÐ) là hoạt động mang tính nhân dân, được xây dựng trên nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời và làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Những kiến nghị sau giám sát được xem như là tiếng nói từ cơ sở, chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với các cấp, các ngành trong quá trình hoạt động quản lý Nhà nước.
Trên địa bàn huyện Gò Dầu, thời gian qua, hoạt động của Ban TTND và Ban GSÐTCCÐ có nhiều thành tích nổi bật, góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa những sai phạm trong quá trình thi công các công trình, thực thi công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban TTND và Ban GSÐTCCÐ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện 110 cuộc giám sát. Qua đó, phát hiện và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định 20 vụ việc có sai phạm.
Ðiển hình như tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thạnh Phước vừa mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp; tuyến đường Ngô Gia Tự ở khu phố Nội ô A, Thị trấn, đơn vị thi công thiết kế chỉ có một bên thoát nước; tuyến đường số 207 ấp Phước Hội B, xã Phước Thạnh có nền hạ cao hơn đường chính liên xã, làm khu dân cư không thoát nước được khi mùa mưa…
Bà Lê Thị Bích Ngọc- Chủ tịch UBMTTQVN xã Cẩm Giang cho biết, công tác giám sát của Ban GSÐTCCÐ và Ban TTND được thực hiện chặt chẽ theo quy trình. UBND xã cũng rất đồng tình, nên khi MTTQ yêu cầu cung cấp tài liệu giám sát về nội dung nào đều được đáp ứng đầy đủ; hồ sơ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn xã cũng gửi cho Ban GSÐTCCÐ.
Năm 2017, Ban TTND đã giám sát 9 cuộc, kiến nghị nhiều vấn đề, được UBND xã tiếp thu và chỉ đạo xử lý, như: kinh phí hoạt động cho tổ DCTQ ở ấp Cẩm An còn thiếu; một số hộ sử dụng nguồn vốn vay 3 công trình vệ sinh của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã không đúng mục đích; một số đại biểu HÐND vắng mặt nhiều lần trong các hội nghị tiếp xúc cử tri…
Ban GSÐTCCÐ cũng đã giám sát nhiều công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn, phát hiện sai sót và kiến nghị các đơn vị thi công khắc phục. Như công trình bê tông hoá dãy phố chợ Cẩm Giang chưa bảo đảm chất lượng, xi măng, cát, đá không đúng với bản vẽ. Sau khi nhận được phản ánh, Ban GSÐTCCÐ đã tổ chức giám sát và đề nghị nhà thầu khắc phục kịp thời.
Ban TTND và Ban GSÐTCCÐ xã Cẩm Giang cũng đã giám sát 8 cuộc với hàng chục công trình xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ cận nghèo từ nguồn kinh phí do MTTQVN tỉnh hỗ trợ; giám sát công trình nâng cấp sỏi đỏ rỗng Củ Chi - kênh đình xã Cẩm Giang có chiều dài 1.360m, nền đường 4m, mặt đường rộng 3m với tổng chi phí thi công gần 3 tỷ đồng; công trình nạo vét rạch Bàu Nâu 2 dài 1.613m, phục vụ diện tích tưới tiêu khoảng 100 ha; nạo vét kênh Ba Bàu dài 1.943m, phục vụ diện tích tưới tiêu khoảng 95 ha…
Ông Trần Văn Kha- Trưởng Ban TTND xã Cẩm Giang cho biết, muốn giám sát có hiệu quả, ngoài việc xây dựng kế hoạch phân công các thành viên, phải làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, được sự hỗ trợ của chính quyền, làm tốt công tác phối hợp với các đoàn thể- nhất là đối với Ban điều hành tổ dân cư tự quản.
Người làm công tác giám sát phải năng nổ, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ, phải có kiến thức về pháp luật, xác định được đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát; có kiến nghị với đơn vị được giám sát, đồng thời phải tiếp tục giám sát việc thực hiện những kiến nghị đó.
“Ban TTND và Ban GSÐTCCÐ phải biết dựa vào dân, động viên người dân cùng phối hợp trong hoạt động giám sát. Thông qua đó, các ban kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của các tầng lớp nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác giám sát cho phù hợp”- ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Gò Dầu nói thêm.
“Tuy nhiên, công tác giám sát ở cơ sở hiện nay còn một số khó khăn. Mỗi xã, thị trấn thành lập 1 Ban TTND và 1 Ban GSÐTCCÐ, hoạt động với hình thức kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã kiêm chức danh Trưởng Ban TTND và Trưởng Ban GSÐTCCÐ, nhưng do thường xuyên bị thay đổi nhân sự nên việc giám sát chưa được sâu”- ông Nguyễn Văn Khải thẳng thắn nhìn nhận.
Khi đề cập đến những khó khăn trong công tác giám sát, bà Nguyễn Thị Mỵ- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Cẩm Giang, Trưởng Ban GSÐTCCÐ cho biết, khó khăn lớn nhất khi giám sát là nhà thầu không hợp tác. Mặt khác, nhiều công trình có kỹ thuật cao, trong khi trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ Mặt trận cơ sở lại giới hạn.
Ðây cũng là những trăn trở của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh. Vì thế, hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều tổ chức tập huấn chuyên đề về công tác giám sát; tổ chức hội nghị toạ đàm ở các huyện để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó phát huy hiệu quả công tác giám sát ở cơ sở.
MTTQ