BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiến thắng Tua Hai:

Phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của phong trào Ðồng khởi 

Cập nhật ngày: 07/12/2019 - 00:19

BTN - Nhân chứng lịch sử - Đại tướng Mai Chí Thọ, Chính trị viên của lực lượng tham gia trận đánh Tua Hai đã kết luận rằng: “…Tập kích Tua Hai không phải là trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đấy là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của đồng khởi…”.

Biểu diễn văn nghệ nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Tua Hai. Ảnh: Đ.H.T

Xuất phát từ âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ tiền đồn chống các nước xã hội chủ nghĩa, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Gèneve năm 1954, không hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, chia cắt lâu dài đất nước ta, đề ra nhiều thủ đoạn tàn bạo, đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng, tiêu diệt các cơ sở cách mạng ở miền Nam.

Tại Tây Ninh, chúng bắn xả vào các đoàn biểu tình, đốt nhà, dồn dân vào các khu trù mật, khu dinh điền. Chúng dìm các phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam vào trong biển máu. Mỹ - Diệm tuyên bố “Đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh”, ban hành Luật 10/59 - đàn áp dã man những người kháng chiến. Đồng chí Hoàng Lê Kha- Thường vụ Tỉnh uỷ, trong khi dự hội nghị của Thị xã uỷ, đã bị bắt, chúng kết án đồng chí bằng Luật 10/59, chém đầu bằng máy chém.

Từ ánh sáng Nghị quyết 15

Đứng trước tình hình cách mạng miền Nam “ngàn cân treo sợi tóc”, tháng 1.1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời và chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Mùa Xuân năm 1960, trong không khí phấn khởi toàn miền Nam thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hưởng ứng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, phong trào Đồng khởi miền Nam nổ ra. Đêm 16 rạng 17.1.1960, tại Bến Tre, bằng lực lượng chính trị của quần chúng, phong trào Đồng khởi đã nổ ra long trời lở đất, khiến Bộ Tổng tham mưu Mỹ - Diệm phải khiếp sợ. Tại Tây Ninh, dưới sự chỉ đạo của Ban Quân sự Miền và Tỉnh uỷ Tây Ninh, quân và dân Tây Ninh cùng các lực lượng vũ trang Miền tập kích cứ điểm Tua Hai.

Tua Hai là một cứ điểm quan trọng của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 nguỵ, một trung tâm huấn luyện và là kho vũ khí lớn được bảo vệ rất nghiêm ngặt; nhưng cũng là nơi có cơ sở nội tuyến mạnh, được một chi bộ Đảng lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một huyện uỷ viên ngoài thành. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 15, Xứ uỷ Nam bộ đã phê chuẩn kế hoạch đánh cứ điểm Tua Hai của Ban Quân sự Miền để mở đầu phong trào đồng khởi võ trang toàn miền Nam.

Chỉ huy trưởng trận đánh Tua Hai là đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Chính trị viên là đồng chí Mai Chí Thọ. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 3 bộ phận chia thành 4 mũi tiến công. Tham gia trận đánh, ngoài lực lượng võ trang quân sự Miền, Tỉnh uỷ Tây Ninh còn huy động trên 300 lực lượng dân công do đồng chí Đỗ Văn Nguyện (tự Tư Nguyện) và đồng chí Ba Mảnh phụ trách.

Đúng 0 giờ 30 ngày 26.1.1960, cuộc tiến công được bắt đầu. Mặc dù chỉ với vũ khí thô sơ, nhưng với quyết tâm cao và cách đánh táo bạo bất ngờ, ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ trận địa. Bắt và phóng thích tại chỗ trên 500 tù binh, thu hàng ngàn khẩu súng và đạn dược các loại.

Chiến thắng Tua Hai mở đầu cho phong trào Đồng khởi võ trang toàn miền Đông Nam bộ và đã lan toả toàn miền Nam. Thúc giục cả nước tiến lên thực hiện chiến tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi.

Tại Tây Ninh, hoà nhịp cùng chiến thắng Tua Hai, các phong trào đấu tranh cách mạng bùng lên mạnh mẽ với những cuộc nổi dậy diệt ác, phá kìm, gỡ đồn bót, bức hàng, bức rút trên phân nửa đồn bót địch, giải phóng xã, ấp, phá tan toàn bộ các khu trù mật trọng yếu, áp sát trung tâm, thị xã, thị trấn, giành chính quyền, làm chủ tình hình. Cuối năm 1960, Tây Ninh có 2/3 số xã được giải phóng, diệt và làm tan rã hầu hết tề ấp, xã và trên 70% lực lượng bảo an dân vệ (đến tháng 7.1960, quân và dân Tây Ninh đã nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ).

Chưa đầy một tuần sau, ngày 1.2.1960, Tiểu đoàn 14 (nay là Trung đoàn 174)- tiểu đoàn chủ lực của Tây Ninh chính thức được thành lập và liên tiếp lập nên nhiều chiến công, đến tháng 8.1960, toàn tỉnh đã có tới 44 đội du kích xã, quân số từ 1-2 tổ đến 1 trung đội.

Trên toàn Nam bộ đến cuối năm 1960, có 800/1.296 xã, nhân dân nổi dậy giành chính quyền làm chủ tình hình, 100 xã hoàn toàn giải phóng.

Ngày 20.12.1960, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng khai mạc. Với tuyên ngôn và cương lĩnh của mình, dưới lá cờ Mặt trận đã tập hợp lực lượng đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị đứng lên chống Mỹ cứu nước. Ngày 15.2.1961, Quân giải phóng miền Nam ra đời.

Trong tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ thú nhận: “Đến cuối năm 1960, toàn bộ nông thôn phía Nam và phía Tây Nam Sài Gòn, một số vùng phía Bắc, Cộng sản đã kiểm soát và bao vây Sài Gòn”.

Kiểm tra chiến lợi phẩm thu được sau trận đánh Tua Hai. Ảnh tư liệu P. TK

Đến trận đánh ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Tua Hai khẳng định sự đúng đắn trong sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, mở ra thời kỳ mới xây dựng lực lượng, hoàn thiện phương thức đấu tranh giải phóng miền Nam.

Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa chính trị to lớn, củng cố niềm tin, cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy “Đồng khởi võ trang” của quân dân Tây Ninh, nhân dân miền Đông Nam bộ và lan toả khắp miền Nam; đã đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn thử thách, từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển hẳn sang thế tiến công. Nhân chứng lịch sử - Đại tướng Mai Chí Thọ, Chính trị viên của lực lượng tham gia trận đánh Tua Hai đã kết luận rằng: “…Tập kích Tua Hai không phải là trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đấy là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của đồng khởi…”.

Ý nghĩa và giá trị lịch sử của chiến thắng Tua Hai còn được PGS.TS Trịnh Vương Hồng- Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích và khẳng định: “…Nếu Bến Tre tiêu biểu cho loại hình đồng khởi được bắt đầu từ sự nổi dậy của đông đảo quần chúng cách mạng, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, có kết hợp ở chừng mực nhất định với tiến công quân sự; thì Tây Ninh điển hình cho một loại hình đồng khởi bắt đầu bằng tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng…”, và ông cũng kết luận rằng: “Trận đột phá Tua Hai và sức vang dội của nó không giới hạn ở Tây Ninh hay miền Đông Nam bộ mà trên thực tế đã kích thích nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch… Đó thực sự là cột mốc báo hiệu những trận thắng lớn của quân dân ta ở miền Nam thời đánh Mỹ”.

Chiến thắng Tua Hai diễn ra cách đây 60 năm, nhưng tinh thần Chiến thắng Tua Hai vẫn mãi mãi ghi đậm trong mỗi con người chúng ta hiện nay, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh; cổ vũ các tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Tây Ninh ngày càng phát triển và phồn vinh.

T.N

(Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh; Tài liệu Hội thảo 40 năm Chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi Đông Nam bộ; Chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ, NXB Quân đội Nhân dân năm 1999).