BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển ngành CN cơ khí: Chờ “đòn bẩy”

Cập nhật ngày: 20/08/2011 - 10:48

Máy thổi lá cao su do một cơ sở cơ khí ở Tân Châu chế tạo

Công nghiệp cơ khí và chế biến mủ cao su được xem là 2 ngành công nghiệp chủ lực của Tây Ninh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Thạc sĩ Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết.

Trong giai đoạn 1995- 2010, ngành công nghiệp cơ khí Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 17,61%/năm, cao hơn so với công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm, chỉ đứng sau ngành khai thác khoáng phi kim loại (21,55%/năm) và ngành dệt may (19,61%/năm). Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cơ khí lại có khả năng thu lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp dệt may, da giày.

Quy mô nhỏ, vốn hạn chế

Thế nhưng, đánh giá lại thực trạng quy mô của các DN cơ khí Tây Ninh, lãnh đạo ngành Công thương cho biết vốn hoạt động của các DN hầu hết là nhỏ và… siêu nhỏ (theo tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam), chỉ có 1 DN có quy mô vừa. Hiện tại, các DN trong nước chưa đủ lực để thay đổi trang thiết bị  và máy móc hiện đại (vì hầu hết các DN này phải vay vốn để hoạt động). Đây là một trong những hạn chế chủ yếu làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cơ khí Tây Ninh so với các địa phương khác và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong việc tìm thị trường đầu ra, 100% sản phẩm công nghiệp của các DN dân doanh được tiêu thụ trong nước; DN Nhà nước có sản phẩm xuất khẩu từ 60% đến 70% sản phẩm làm ra. So với các DN FDI, sản phẩm của các DN trong nước kém lợi thế hơn do thiếu thông tin thị trường, sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng và mẫu mã chưa cao và còn hạn chế về hệ thống phân phối. Bình quân, doanh thu hằng năm của DN cơ khí FDI là trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó, DN cơ khí tư nhân trong nước chỉ đạt bình quân 7 tỷ đồng, DN Nhà nước có doanh thu 30 tỷ đồng (năm 2008) nhưng đến năm 2009 lại giảm còn 24 tỷ.

Phần lớn công nghệ sử dụng trong ngành cơ khí hiện nay ở tỉnh ta là bán tự động (chiếm khoảng 53%), còn lại là thủ công. Trình độ công nghệ của các DN hiện chỉ ở mức trung bình so với DN ở các địa phương khác. Các sản phẩm có thể được xem là “thương hiệu” của Tây Ninh hiện nay chủ yếu là dây chuyền sản xuất tinh bột mì, được sản xuất, lắp ráp chuyển giao cho các địa phương trong cả nước với tỷ lệ chế tạo khoảng 70%- trừ thiết bị ly tâm siêu tốc bốc tách mủ phải nhập ở nước ngoài; máy chuyên dùng chế biến hạt điều, mủ cao su. Nguồn nguyên liệu (chủ yếu là sắt, thép các loại) được các DN nhỏ và siêu nhỏ mua từ thị trường trong nước; DN Nhà nước nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu, còn DN FDI nhập khẩu 100% (bán thành phẩm) từ các nước ASEAN và Đông Bắc Á.

Phần lớn công nghệ sử dụng trong ngành cơ khí hiện nay ở tỉnh ta là bán tự động (chiếm khoảng 53%), còn lại là thủ công.

Cần “đòn bẩy” cho ngành công nghiệp “đầu tàu”

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và trên thế giới, ông Phạm Văn Quan, Phó Giám Sở Công thương cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các DN cơ khí Tây Ninh vượt qua khó khăn, như đã làm trong năm 2008, đồng thời có giải pháp căn cơ, phù hợp cho ngành này phát triển bền vững, xứng tầm như các nghị quyết, chiến lược đã xác định.

Cụ thể, Nhà nước cần có cơ chế tạo vốn cho ngành cơ khí như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, dài hạn; có chính sách khuyến khích các DN, cơ sở cơ khí nghiên cứu, đầu tư phát triển sản xuất phụ tùng, linh kiện theo hướng nâng cao khả năng chuyên môn hoá, tự động hoá. Nhà nước cần rà soát, hỗ trợ cho các DN cơ khí thuộc mọi thành phần kinh tế (chú trọng dân doanh) để họ có vốn, có sự nghiên cứu tái cấu trúc lại DN, nắm bắt cơ hội vươn lên từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với các sản phẩm cơ khí chủ lực, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế cho các dịch vụ kỹ thuật (như mua công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến).

Nhà nước cũng cần ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, hỗ trợ kinh phí để đào tạo cán bộ, chuyên gia, công nhân giỏi ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách, cơ chế thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực xứng tầm trong quá trình hội nhập đối với ngành công nghiệp cơ khí. Hiện phần lớn DN cơ khí Tây Ninh phải tự đào tạo lao động cho mình.

Việc liên kết, hợp tác để tăng sức phát triển cũng là một yếu tố mang tính quyết định. Sắp tới, ngành Công thương đề xuất vận động các DN cơ khí tham gia Hội Doanh nghiệp Tây Ninh, sau đó tổ chức thành phân hội cơ khí. Khi nguồn đặt hàng còn nhỏ lẻ thì các DN tự giải quyết đầu ra, nhưng khi có nguồn đặt hàng lớn, cần có năng lực cung ứng thì các DN trong phân hội sẽ phối hợp thống nhất chia sẻ đơn đặt hàng, tránh việc tự đàm phán sẽ làm mất lợi thế, nhất là giá bán sản phẩm.

BẢO TÂM