BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao: Cho hôm nay và cho mai sau

Cập nhật ngày: 21/11/2009 - 05:35

Nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Theo nghĩa rộng thì nhân lực KH&CN bao gồm những người đáp ứng được một trong những điều kiện như đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng về một lĩnh vực KH&CN; hoặc làm việc trong một lĩnh vực KH&CN có trình độ tương đương.

Theo nghĩa trên thì có thể hiểu nhân lực KH&CN bao gồm cả những người đã tốt nghiệp đại học nhưng không làm việc trong lĩnh vực KH&CN. Khái niệm này dường như quá rộng để thể hiện hoạt động KH&CN của một quốc gia. Do vậy, các nước thường sử dụng khái niệm nhân lực nghiên cứu và phát triển (NCPT) để chỉ  lực lượng lao động KH&CN của mình.

Ở Việt Nam, theo đánh giá của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội thì năng lực khoa học- công nghệ quốc gia nói chung còn thấp. Điều tra tiềm lực khoa học- công nghệ của Bộ Khoa học- Công nghệ cũng cho thấy, tuổi đời của cán bộ khoa học khá cao, hầu hết là giáo sư và phó giáo sư gần 60 tuổi, số dưới 50 tuổi chỉ chiếm 12%.

Số lượng tiến sĩ là hơn 10.000 người nhưng trình độ so với chuẩn quốc tế rất thấp, chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt thiếu các chuyên gia và tổng công trình sư.

Tự động hoá và công nghệ sinh học vẫn được coi là nhóm ngành thiếu nhân lực trầm trọng nhất. Tuy hầu hết các trường đào tạo kỹ thuật đều có chuyên ngành này nhưng hiện cả nước chỉ có 5.000 người làm việc trong lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên phát biểu về việc đào tạo và thu hút nhân tài

Ở Tây Ninh, theo thống kê năm 2009 thì trong tổng số 25.763 cán bộ, công chức và viên chức, chỉ có 2 tiến sĩ (chưa tính số đã bảo vệ nhưng chưa nhận bằng) khoảng 127 thạc sĩ và khoảng 6.800 người có trình độ đại học. Nếu tính bình quân  số người có trình độ trên đại học (trên 10.000 dân) là quá thấp.

Để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học nói riêng, tỉnh Tây Ninh đã ban hành chính sách về đào tạo và thu hút nhân tài theo Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND ngày 20.12.2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (thay thế cho Quyết định số29/2007/QĐ-UBND).

Theo Quyết định này người đi học được hưởng:

Về đào tạo, hỗ trợ học phí theo thư chiêu sinh. Ngoài các khoản được hưởng theo quy định của Trung ương, tỉnh hỗ trợ thêm theo chế độ khoán cho thời gian thực học bao gồm: tiền ăn, ở, tài liệu, tàu xe (kể cả máy bay), tiền đi thực tế, trang phục chống rét, cụ thể như sau: Học tại Hà Nội: 700.000 đồng/tháng/người, học tại thành phố Hồ Chí Minh: 400.000 đồng/tháng/người. Về đào tạo nâng cao, chỉ hỗ trợ khoán kinh phí ôn thi đầu vào, tàu xe đi lại, tài liệu…. cho nghiên cứu sinh, cao học:

Học ôn tại Hà Nội: nghiên cứu sinh được 3.500.000 đồng/người; Cao học được 3.000.000 đồng/người.

Học ôn tại thành phố Hồ Chí Minh: Nghiên cứu sinh được 2.000.000 đồng/người, Cao học 1.500.000 đồng/người.

 Sau khi có giấy báo trúng tuyển được UBND tỉnh quyết định cử đi học sẽ được hưởng trợ cấp theo định mức khoán như sau: Nghiên cứu sinh: 50 triệu đồng/người/khoá. Cao học: 40 triệu đồng/người/khoá. Chuyên khoa cấp II học lên tiến sĩ: 25 triệu đồng/người/khoá. Chuyên khoa cấp I học lên thạc sĩ: 20 triệu đồng/người/khoá. Chuyên khoa cấp II ngành y: 15 triệu đồng/người/khoá. Chuyên khoa cấp I ngành y: 10 triệu đồng/người/khoá.

Đây là chế độ ưu đãi rất tích cực và có hiệu quả mà nhiều tỉnh áp dụng. Trong thực tế ở Tây Ninh, Quyết định trên đã có tác dụng tốt, khuyến khích người đi học, trong 2 năm từ khi có chính sách ban hành, số lượng người đi học cao học và tương đương tăng đáng kể, nhất là lực lượng trẻ. Đây là một dấu hiệu tốt cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

 Đào tạo tại chức cao học, tại chỗ trong tỉnh cũng đã có kết quả bước đầu là làm tăng thêm số lượng đội ngũ được đào tạo.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực, Quyết định 48 nêu rõ: người ở trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh có học hàm giáo sư, phó giáo sư; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ đồng ý về Tây Ninh công tác ít nhất là từ 5 đến 7 năm theo đề nghị của sở, ngành, được Sở Nội vụ thẩm định và được UBND tỉnh quyết định sẽ được hưởng trợ cấp một lần ban đầu từ 50 triệu đến 70 triệu đồng; ngoài tiền lương theo quy định, được hưởng thêm trợ cấp hằng tháng 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng/người.

Chính sách này có tính hấp dẫn nhưng trong thực tế ở Tây Ninh lại không khả thi và còn vướng cơ chế chung. Hiện thực thì số người về thì ít (2 người) trong khi đó ở Tây Ninh, khi học xong một số người lại sẵn sàng bồi hoàn tiền đào tạo để… xin chuyển đi. Phải chăng Tây Ninh không có đất dụng võ? Hay cơ chế  khuyến khích sử dụng nhân tài bất cập vì thực tế cho thấy chẳng những không thu hút được người mới từ nơi khác về mà còn mất đi? Đâu là nguyên nhân? Có ý kiến cho rằng Tây Ninh vẫn còn thiếu cơ chế thực hiện chính sách trên. Dưới đây xin phân tích một số nguyên nhân:

Một là đối với việc trả tăng thêm số tiền lương hằng tháng hiện nay là khó thực hiện, vì phải lấy từ nguồn nào trong ngân sách vì hệ thống thang bảng lương đã quy định rõ ràng.

Hai là nếu người đến xin việc là người mới tốt nghiệp, chưa trong biên chế của tổ chức, cơ quan nào liệu có thể cho đặc cách vào thẳng các cơ quan Nhà nước không? Đây là điều khó thực hiện. Vì quy định hiện hành về thi tuyển- tuyển dụng công chức- viên chức nhà nước là phải thi công khai, có chế độ về trả lương công chức dự bị và tiền lương khởi điểm. Điều này sẽ trái với quy định tuyển dụng công chức viên chức nhà nước hiện hành của Chính phủ. Hơn nữa, cũng là bất cập và mâu thuẫn với những người đang trong đội ngũ hiện thời vốn gắn bó nhiều năm với tỉnh lại không được hưởng. Còn ở đơn vị sự nghiệp có thu tự trả lương thì chắc gì họ đã chấp nhận vì họ cũng phải “hạch toán” lương.

Ba là các cơ quan nơi sử dụng người hiện nay hầu hết đã đủ biên chế, việc tuyển dụng để tạo nguồn cho tương lai là chủ yếu. Việc tìm kiếm, phát hiện và sử dụng nhân tài vẫn còn là vấn đề chưa được quan tâm lắm. Hơn nữa cũng chưa có một “phép thử” đánh giá nhân tài nào hiệu quả hơn là phải kinh qua thời gian và thử thách công việc. Còn nếu chỉ nhìn vào tấm bằng mới tốt nghiệp thì khó có cơ quan nào dám nhận, trừ phi là… con cháu, quen biết.

Cho đến nay Tây Ninh chưa thống kê, đánh giá được nguồn lực có khả năng nghiên cứu khoa học (đã từng có công trình, hoặc bài viết cho khoa học) là bao nhiêu trong tổng số nguồn nhân lực. Cơ cấu theo chuyên môn, ngành khoa học của nguồn hiện có như thế nào cũng cần phải phân tích để có hướng đào tạo và thu hút (chỉ nên thu hút lĩnh vực nào mà tỉnh cần sử dụng, chứ không phải là tất cả ngành). Nhưng chắc chắn rằng hiện chúng ta thiếu rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là lực lượng được đào tạo bài bản từ các trường công lập có “thương hiệu” và có trình độ sau đại học, đặc biệt là những người được đào tạo từ các nước phát triển, nước công nghiệp mới.

 Từ những phân tích trên, cho thấy tỉnh Tây Ninh cần phải có những việc làm thiết thực hơn, trong thời gian tới, có thể là các biện pháp sau:

Trước hết phải thành lập quỹ khuyến khích và phát triển nhân tài của tỉnh (có thể trích từ ngân sách tỉnh và động viên khác từ các nguồn). Cần xác định những ngành nghề chuyên môn  tỉnh đang cần thu hút là những ngành nào. Cải cách thủ tục hành chính về tuyển dụng đặc cách và trả thù lao thêm ngoài lương. Có chế độ ưu đãi để “giữ chân”  người tài:  như  chế độ nâng bậc lương trước thời hạn nếu học tập đạt thành tích cao, kết hợp với đề bạt, bổ nhiệm chức vụ, chế độ xét cho thi nâng ngạch. Nhanh chóng tìm chọn nguồn nhân lực trẻ tại chỗ, có học lực khá, có năng lực, có tâm huyết đưa đi đào tạo ở nước ngoài, có thể ngay trong các nước ASEAN và châu Á  như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật và một số nước châu Âu khác.

Thạc sĩ khuẤt VaN SACH