Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phiên họp UBND tỉnh tháng 5:
Phát triển nông nghiệp, xây dựng, đầu tư bảo đảm khoa học, sát thực tiễn
Thứ ba: 14:11 ngày 17/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 17.5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch Trần Văn Chiến, Dương Văn Thắng đồng chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 5.2022. Nhiều nội dung quan trọng về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được trình bày, thảo luận, đóng góp tại phiên họp.

Đại biểu dự phiên họp. Ảnh Vũ Nguyệt

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày khái quát dự thảo đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo dự thảo, mục tiêu chung của đề án là định hướng các vùng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ; có các chính sách phù họp để đẩy mạnh phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cũng theo dự thảo đề án, tỉnh phấn đấu định hướng phát triển 17 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025 là 9 vùng (6 vùng trồng trọt và 3 vùng chăn nuôi); giai đoạn 2026 — 2030 là 8 vùng (6 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi).

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kiết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng.

Riêng diện tích sản xuất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng vào năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030. Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân trình bày tại phiên họp. Ảnh Vũ Nguyệt

Đại biểu tham dự cuộc họp cơ bản thống nhất với dự thảo đề án do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày, đồng thời phát biểu một số ý kiến đóng góp. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu và thuyết minh một số nội dung được góp ý. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, dự thảo đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang tính định hướng, không phải bất di bất dịch và lưu ý về việc phân chia giai đoạn, phân vùng – nhất là những vùng hiện hữu…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận cho biết lãnh đạo UBND tỉnh cơ bản thống nhất với dự thảo đề án, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến góp ý; cần bổ sung khái niệm về vùng, xác định các tiêu chí vùng, sắp xếp cho rõ các vùng đã đủ điều kiện và các vùng có khả năng phấn đấu đạt, các vùng sẽ định hướng hình thành. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần rà soát lại các chính sách có liên quan để áp dụng cho phù hợp.

Tại phiên họp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh còn trình dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu dự họp cơ bản thống nhất với dự thảo đề án này, đồng thời lưu ý một số nội dung cần nghiên cứu điều chỉnh.

Quan tâm phát triển vật liệu xây dựng “thân thiện môi trường”

Về lĩnh vực xây dựng, ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng trình phiên họp nội dung dự thảo quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; dự thảo Kế  hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng.

Liên quan đến các nội dung do Sở Xây dựng trình, lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu dự họp đã có một số ý kiến góp ý để hoàn chỉnh các văn bản dự thảo. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc dự báo khả năng nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh trong 5 năm tới – có thể tăng gấp nhiều lần so với 10–15 năm qua do xu hướng phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu đánh giá phù hợp để có các dự báo, định hướng sát thực tiễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đặt vấn đề: Vì sao gạch không nung phát triển chậm, chưa có chỗ đứng trên thị trường? Một khi đã đề ra lộ trình hạn chế gạch nung thì cần phải có cơ sở, điều kiện phát triển gạch không nung để thay thế gạch truyền thống. Do đó, cơ quan chuyên môn cần làm rõ tính nổi trội, tính cạnh tranh của gạch không nung ra sao? Cần nhận diện những hạn chế, yếu kém của quá trình đầu tư phát triển gạch không nung hiện nay.

Tránh để xảy ra “biến tướng” từ chủ trương sử dụng tro, xỉ… làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan chuyên môn cũng cần đề ra cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo đảm thực hiện đúng quy định ở lĩnh vực này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại phiên họp. Ảnh Vũ Nguyệt

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh

Tại phiên họp, đại diện đơn vị tư vấn trình bày khái quát quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Liên quan đến dự án này, đại biểu dự họp có ý kiến về việc thực hiện công tác tái định cư; tính toán khoa học để bảo đảm an toàn cho công trình, dự án, bảo đảm về môi trường tự nhiên trong trường hợp hồ Dầu Tiếng xả lũ ở lưu lượng cao nhất; về việc cấp nước sinh hoạt; về khối lượng chất thải, về phương án xử lý từng loại rác thải ở từng khu vực trong dự án...

Đại diện đơn vị tư vấn giải trình một số nội dung mà đại biểu đã đặt ra. Tuy nhiên, có đại biểu vẫn lưu ý đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm và thuyết minh thuyết phục về tính khoa học, tính thực tiễn từ ảnh hưởng của việc xả lũ tác động đến dự án cũng như môi trường.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh đây là dự án rất quan trọng của tỉnh, có tính chất lan toả, khơi thông, kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, Đảng bộ và chính quyền thị xã Trảng Bàng phải nỗ lực lớn, trách nhiệm cao, chủ động phối hợp triển khai thực hiện. Đồng thời, địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt khâu giải phóng mặt bằng trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích để bảo đảm mục tiêu phát triển trong tương lai.

Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh Vũ Nguyệt

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng trong thời gian nhanh nhất; quyết liệt giải quyết các vấn đề còn vướng mắc; sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ về tái định cư và việc làm, bảo đảm người dân bị ảnh hưởng từ dự án phải có cuộc sống tốt hơn hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý chủ đầu tư cần phải định vị nhà máy xử lý nước sinh hoạt và xác định nguồn nước nguyên liệu. Bên cạnh đó, dự án có nhiều nguồn rác thải, nước thải, khí thải – nhất là chất thải nguy hại nên cần tính toán kỹ và có phương án xử lý bảo đảm yêu cầu gắt gao về bảo vệ môi trường.

Bảo Tâm

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục