Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Phát triển thuỷ sản: Tiềm năng nhiều, nguồn lợi ít
Chủ nhật: 09:53 ngày 17/07/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện tại, nguồn lợi thuỷ sản nuôi trồng còn thấp, thuỷ sản đánh bắt trong tự nhiên chủ yếu vẫn từ hồ Dầu Tiếng.

Quy hoạch một đàng, thực tế một nẻo

Thu hoạch cá tra

Trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong những năm gần đây và những năm tới, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Tây Ninh cho rằng Tây Ninh chưa tận dụng được những lợi thế có sẵn để giúp ngư dân thoát nghèo, làm giàu từ việc nuôi trồng thuỷ sản, mà chủ yếu là nuôi cá theo mô hình công nghiệp. Hiện tại, nguồn lợi thuỷ sản nuôi trồng còn thấp, thuỷ sản đánh bắt trong tự nhiên chủ yếu vẫn từ hồ Dầu Tiếng.

Theo báo cáo tóm tắt rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Tây Ninh có 1.775 ha đất phù sa ven sông suối lớn; khoảng 29.000 ha diện tích ao hồ, mặt nước lớn; hơn 22.833 ha diện tích mặt nước sông, suối và hồ chứa là cơ sở phát triển nuôi thuỷ sản chuyên canh hoặc kết hợp sản xuất nông nghiệp; hơn 10.500 ha đất ngập lũ, đất trũng có thể tận dụng nuôi thuỷ sản trong mùa lũ.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2015, Tây Ninh có tổng diện tích nuôi trồng đạt tối đa khoảng 2.500 ha; đến năm 2020 là 3.450 ha; tổng sản lượng đến năm 2020 đạt 69.890 tấn (trong đó NT đạt 65.290 tấn, khai thác thuỷ sản đạt 4.600 tấn/năm, chủ yếu là cá.) Trong đó, sản lượng cá tra sẽ rất lớn: đến năm 2015 đạt từ 15.000 đến 30.000 tấn;  đến năm 2020 đạt từ 25.000 đến 50.000 tấn. Dự kiến kim ngạch XK đạt 4 triệu USD vào năm 2010; 15 triệu USD vào năm 2015; 27 triệu USD vào năm 2020.

Thế nhưng đánh giá về hiện trạng phát triển nguồn lợi thuỷ sản, ông Khải tỏ ra băn khoăn: “Căn cứ vào quá trình phát triển của ngành thuỷ sản trong thời gian qua và với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu phát triển của ngành đến năm 2015 có thể nói là “xa vời”, khó mà thực hiện được”.

“Căn cứ vào quá trình phát triển của ngành thuỷ sản trong thời gian qua và với điều kiện, tình hình thực tế hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu phát triển của ngành đến năm 2015 có thể nói là “xa vời”, khó mà thực hiện được”.

Ông Lê Văn KhẢi, Chi cỤc trưỞng Chi cỤc ThuỶ sẢn Tây Ninh

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Tây Ninh có khoảng 736 ha nuôi trồng thuỷ sản, tăng 4,7% so cùng kỳ. Sản lượng thuỷ sản (bao gồm cả đánh bắt trong tự nhiên và nuôi trồng) được 3.582 tấn, tăng 9% so cùng kỳ. Tổng giá trị thuỷ sản tính bằng tiền đạt khoảng 46 tỷ đồng, tăng chưa đầy 5% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 34 tỷ, giá trị sản lượng khai thác 12 tỷ và giá trị dịch vụ thuỷ sản đạt 3 tỷ đồng. Trong năm 2010, giá trị thuỷ sản thu được là 111 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2009. Tổng sản lượng trong năm đạt 12.627 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 9.580 tấn. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt được chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, một phần bán đi TP.HCM và một phần nhỏ xuất khẩu (sản phẩm cá tra nuôi và chế biến tại một nhà máy ở Trảng Bàng). Như vậy, đối chiếu với số liệu tính toán trong quy hoạch và thực tế thì “kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 4 triệu USD” vào năm 2010 là “không tưởng”. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mức 15 triệu USD vào năm 2015 cũng… không thể có!

Nguồn lợi lớn còn bỏ ngỏ

Tuy nhiên, ông Khải cho rằng, quy hoạch phát triển thuỷ sản ở Tây Ninh không phải là “hớ”, mà sở dĩ Tây Ninh không đạt được mục tiêu như dự kiến là vì chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế, chưa tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực này. Trong thực tế, lợi nhuận thu được từ nguồn thuỷ sản nuôi trồng cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng tính trên diện tích bình quân mỗi năm. Cụ thể, nếu tính bình quân lợi nhuận thu về trên 1 ha mặt nước nuôi cá tra sẽ cao gấp 4 lần hoặc có thể hơn so với trồng cây công nghiệp lẫn nông nghiệp.

Xét về điều kiện tự nhiên thì Tây Ninh có nhiều thuận lợi để nuôi cá tra công nghiệp. Trước đây, do không có nhà máy chế biến nên người nuôi cá tra trong tỉnh gặp bất lợi ở “đầu ra”. Hơn 1 năm nay, một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu có công suất trên 10.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động ở xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng. Những tưởng, sau khi có nhà máy, sản lượng cá tra sẽ tăng vọt nhưng trong thực tế, dù nhà máy đã cố gắng  kêu gọi nông dân “liên kết”, nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tạo nguồn cá tra nguyên liệu nhưng nhà máy vẫn thiếu cá chế biến, hoạt động không đạt 1/3 công suất. Lý do là khu quy hoạch nuôi cá tra nguyên liệu của nhà máy hiện đã bị “đình” lại do trùng lắp quy hoạch với 1 dự án khác nên nhà máy phải tự đi mua, thuê đất để nuôi cá nguyên liệu. Hiện tại, công ty này có trên 15 ha ao cá tra, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 100 ha. Do bị động trong khâu chuẩn bị nguyên liệu nên từ đầu năm đến tháng 6.2011, nhà máy phải đóng cửa.

 “Khu vực ven sông Sài Gòn có điều kiện thổ nhưỡng rất tốt để nuôi cá tra. Chúng tôi đã nuôi cá tra ở nhiều nơi tại các tỉnh miền Tây nhưng chưa có nơi nào cho chất lượng cá tra ngon như ở khu vực này. Đòi hỏi đầu tiên của các đối tác châu Âu khi tiêu thụ cá tra ở Việt Nam là thịt cá phải trắng, càng trắng càng tốt, mà thịt cá tra nuôi ở khu vực này rất trắng, trong, rất ngon”, đại diện nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu (thuộc Công ty TNHH công nghệ thực phẩm miền Đông) cho biết.

Công ty này cũng đã đi khảo sát các khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông nhưng sau đó “lắc đầu” trước tình trạng ô nhiễm. “Nếu dòng sông này trong sạch, nguồn lợi thuỷ sản mang về cho Tây Ninh là cực kỳ lớn. Chỉ riêng nuôi cá tra bè, cá tra ao ở các vùng trũng ven sông này, thì nguồn nguyên liệu dư để đáp ứng cho khoảng 6 nhà máy có công suất tương tự chúng tôi. Ngoài giá trị kinh tế, giá trị xã hội cũng không nhỏ khi hoạt động thuỷ sản phát triển sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”, đại diện Công ty nói. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ở sông Vàm Cỏ Đông đã đến mức báo động. Theo ông này, cách đây vài tháng, ông đưa 1 tàu cá từ Tiền Giang lên Tây Ninh, qua nhiều vùng sông nước khác nhau cá tra vẫn tươi roi rói. Thế nhưng vừa vào địa phận huyện Trảng Bàng 1 quãng sông, gặp nước sông này, cá tra rộ lên chết sạch như bị trúng độc.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty TNHH công nghệ thực phẩm miền Đông

Theo Chi cục Thuỷ sản, nghề nuôi cá ở Tây Ninh còn nhiều hạn chế, trở ngại: nguồn nước nuôi chủ yếu tận dụng từ hệ thống thuỷ lợi cho nông nghiệp nên sự phát triển nuôi thuỷ sản luôn đi sau và phụ thuộc chính vào hạ tầng thuỷ lợi này; nuôi thuỷ sản còn mang tính tự phát và manh mún, chưa hình thành các vùng nuôi tập trung; mức độ đầu tư nuôi chuyên và thâm canh còn hạn chế, trình độ kỹ thuật nuôi thấp nên sản lượng và chất lượng sản phẩm chưa cao…

HOÀNG THI

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục