Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng tập trung, chuyên canh do có nguồn nước ngọt dồi dào, thích hợp cho nuôi trồng thuỷ sản
Nuôi cá lóc bông tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Vũ Nguyệt
Hồ Dầu Tiếng cùng hệ thống các kênh thuỷ lợi phân bố đều khắp và các lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, đặc biệt là các khu vực thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà có khả năng hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản. Những năm qua, ngành nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành còn hạn chế do còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nuôi tập trung, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định.
Mô hình nuôi thâm canh tôm càng xanh toàn đực
Thời gian qua, khu vực nuôi trồng thuỷ sản cặp các tuyến kênh thuỷ lợi từng bước hình thành và phát triển; một số diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, quảng canh đã chuyển đổi sang nuôi thâm canh, bán thâm canh có áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ. Một số đối tượng nuôi mới, có hiệu quả như: tôm càng xanh toàn đực, cá chạch lấu, cá chép giòn, cá chép Koi, ba ba gai... Các phương thức nuôi mới được nông dân đầu tư như: nuôi trong bể xi măng, nuôi trong bể bạt tròn, trong ao đất có lót bạt, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm nước.
Huyện Dương Minh Châu có diện tích nuôi trồng thuỷ sản 148 ha, sản lượng trung bình 230 tấn/năm. Xã Phước Minh là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản do gần hồ Dầu Tiếng, nông dân có kỹ thuật, tay nghề về nuôi trồng thuỷ sản. Anh Nguyễn Trọng Khiêm- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thời gian qua, Hội phối hợp chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản thông qua việc tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Trong đó, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn giải quyết việc làm cho nông dân nuôi cá lóc và ba ba, tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng.
Theo ông Đào Văn Long- Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản làng chài ấp B4 (xã Phước Minh), Tổ hợp tác được thành lập năm 2017, hiện có 26 thành viên, chủ yếu nuôi cá lóc và ba ba. Những năm qua, nông dân được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn để nuôi trồng thuỷ sản, từ đó phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, mối băn khoăn lớn nhất hiện nay của nông dân là giá cả thị trường không ổn định, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, làm tăng nhiều chi phí sản xuất, dẫn đến lợi nhuận thấp hoặc thua lỗ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung với quy mô nhỏ, gồm: Vùng nuôi ba ba thương phẩm tại xã Tân Hoà, huyện Tân Châu của Hợp tác xã dịch vụ - sản xuất thuỷ đặc sản Tân Hoà với 47 thành viên, tổng diện tích nuôi 20.000m2; vùng nuôi ba ba thương phẩm tại xã Phước Minh và Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu với khoảng 48 hộ dân tham gia, diện tích nuôi 20.000m2; vùng nuôi ba ba của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh với 10 thành viên, diện tích nuôi khoảng 7.900m2. Sản phẩm của các vùng nuôi ba ba được ký hợp đồng tiêu thụ với công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh; phục vụ tiêu thụ nội địa tại các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… hoặc xuất sang Trung Quốc.
Ngoài vùng nuôi ba ba, tỉnh còn có vùng nuôi cá lóc (lóc đen, lóc bông) tại xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Dương Minh Châu với khoảng 30 hộ dân, diện tích 32,8 ha; phục vụ tiêu thụ nội địa và các tỉnh, thành, một số được thương lái thu gom bán sang Vương quốc Campuchia.
Vùng nuôi cá hỗn hợp tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu với khoảng 10 hộ dân, diện tích khoảng 40 ha, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, có vùng nuôi cá tra tập trung của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng; diện tích 32,4 ha, sản lượng ổn định khoảng 4.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các vùng nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có đường giao thông, điện, cấp thoát nước; tuy nhiên, chưa đáp ứng yêu cầu cho vùng nuôi trồng thuỷ sản chuyên canh, tập trung. Do đó, cần đầu tư, xây dựng, nâng cấp các hạng mục giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cột chống sét, các trạm bơm chuyển tải nguồn nước thải đã xử lý vào kênh tưới… cho các vùng nuôi.
Bên cạnh đó, đa số người dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình, quảng canh là chính, khu vực nuôi phân tán, chưa hình thành các khu vực nuôi tập trung chuyên canh có diện tích lớn theo mô hình sản xuất hàng hoá; do đó, việc xây dựng, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển vùng nuôi chuyên canh tập trung cần sự tham gia của nhiều ngành để tạo chuyển biến trong cộng đồng dân cư.
Giá cả thị trường của các loài thuỷ sản luôn biến động, cùng với sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi, giá thành thuỷ sản ngày càng cao, dẫn đến người nuôi có lợi nhuận thấp, đôi lúc thua lỗ, từ đó, khó thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển nuôi thuỷ sản tập trung, thâm canh.
Ngày 14.12.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2557/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là phát triển ngành thuỷ sản tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng chuyên canh, tập trung nhằm tận dụng nguồn nước có chất lượng tốt, sử dụng đầy đủ các mục tiêu của hồ Dầu Tiếng, tận dụng các khu vực dọc theo hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để phát triển nuôi trồng thuỷ sản có sự đầu tư về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm tạo thị trường ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ củng cố, phát triển các vùng chuyên canh nuôi thuỷ sản tập trung hiện có, đồng thời phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư tại các vùng nuôi chuyên canh, tập trung mới gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà. Cụ thể: nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông; cấp, thoát nước; điện; cột chống sét; hệ thống ao xử lý nước; hệ thống tái sử dụng nước nuôi trồng thuỷ sản để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp (nước nuôi thuỷ sản sau khi xử lý được bơm vào kênh tưới hoặc thiết kế tưới tự chảy tuỳ vào điều kiện thực tế từng vùng nuôi).
Giai đoạn 2023-2025, phát triển vùng nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Lộc Ninh và xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu với 90 ha; vùng nuôi thuỷ sản mới gắn với thu gom, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, diện tích 200 ha. Giai đoạn 2026-2030, phát triển vùng nuôi thuỷ sản tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, quy mô 200 ha; vùng nuôi thuỷ sản tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu quy mô 150 ha; vùng nuôi thuỷ sản tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng quy mô 200 ha.
Tỉnh cũng định hướng việc lựa chọn và khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế; giá thành thấp, chất lượng sản phẩm cao, có lợi thế so sánh như: ba ba, cá lóc, tôm càng xanh, chạch lấu, lươn, cá rô đồng... không khuyến khích các đối tượng nuôi phổ biến, không có lợi thế so sánh với các tỉnh, các vùng khác. Bên cạnh đó, tổ chức nuôi thử nghiệm mô hình nuôi thuỷ sản chuyên canh tập trung, sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng; triển khai, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả tốt.
Ngoài ra, tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm sản xuất và thị trường tiêu thụ phát triển tốt, người chăn nuôi đạt lợi nhuận khả quan, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường.
Trúc Ly
Huyện Dương Minh Châu sẽ phát triển một số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung dọc theo tuyến kênh Đông, kênh Tây, kênh cấp 1, nâng tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn đến năm 2025 là 528,4 ha. Tập trung thực hiện tại các xã Phước Minh, Phước Ninh, Lộc Ninh, Chà Là; các xã còn lại và thị trấn Dương Minh Châu giữ ổn định diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2025.
Song song đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cấp thoát nước phục vụ vùng nuôi ba ba, cá lóc tại các xã Phước Minh, Phước Ninh; vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại xã Lộc Ninh, Chà Là. Phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng được khoảng 70% - 80% nhu cầu giống thuỷ sản trên địa bàn huyện.
Huyện tập trung xây dựng 3 chuỗi liên kết giá trị ngành hàng có sản lượng lớn: Một là, chuỗi liên kết ngành hàng cá tra khép kín từ đơn vị cung cấp con giống - đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y - người nuôi - doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ; trong đó doanh nghiệp chế biến sẽ là người chủ trì điều phối các hoạt động của chuỗi. Hai là, chuỗi liên kết ngành hàng ba ba, do hiện nay đã hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Ba là, chuỗi liên kết ngành hàng cá lóc, gồm 2 chuỗi thành phần là chuỗi liên kết cá lóc cung cấp sản phẩm sống và chuỗi liên kết sản xuất cá lóc sơ chế, chế biến. Đối với mô hình nuôi thuỷ sản khác, tuỳ vào điều kiện thực tế để xây dựng chuỗi liên kết và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm.