Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới thả bom nguyên tử xuống đất nước Nhật Bản năm 1945. Ảnh tư liệu P.TKTS.
Chính sách hai mặt của Mỹ trong giải trừ vũ khí hạt nhân
Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất trong lịch sử từng sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiện tại, Mỹ là cường quốc nắm giữ số đầu đạn hạt nhân lớn hàng đầu thế giới với khoảng 5.200 đầu đạn hạt nhân và 2.700 đầu đạn hạt nhân thường trực. Với sức mạnh và khả năng chi phối của mình, nước Mỹ có khả năng và cả trách nhiệm để đi đầu thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, do chính sách hai mặt luôn hiện hữu trong chính sách hạt nhân của Mỹ khiến Washington khó có thể trở thành đầu tàu công tâm của thế giới trong vấn đề này. Mỹ luôn lớn tiếng hô hào các nước phải bảo đảm an ninh hạt nhân và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng lại hoàn toàn không đả động gì đến việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Đồng thời, cũng chính Mỹ lại có sự phân biệt đối xử giữa các nước theo đuổi mục đích phát triển công nghệ hạt nhân.
Vào những năm 1960, để chống lại Liên Xô, Mỹ đã từng cung cấp một lò phản ứng hạt nhân cùng 4.500 gam uranium cho Iran. Khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran 1979 nổ ra, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Iran tan vỡ, Mỹ đã tìm cách thu hồi số nguyên liệu này nhưng không thành công. Thế là, Mỹ quay sang tố cáo Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và tìm mọi cách gây sức ép, cấm vận, thậm chí dùng giải pháp quân sự để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tương tự trường hợp của Iran là Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Cả Iran và Triều Tiên trước sau đều khẳng định chương trình hạt nhân họ theo đuổi nhằm mục đích dân sự, và đó là quyền chính đáng của họ đã được quy định trong NPT. Thế nhưng, trong mắt Mỹ, cả Iran và Triều Tiên đều là các quốc gia không thân thiện và thù địch với Mỹ, do vậy không thể và không được phép phát triển công nghệ hạt nhân – kể cả vì mục đích hoà bình. Điều đáng nói là, trong khi phản đối Iran và Triều Tiên thì Mỹ lại dành trường hợp ngoại lệ đặc biệt cho Israel, đơn giản vì Israel là nước đối đầu với Iran, là đồng minh then chốt của Mỹ ở khu vực Trung Đông giàu có bậc nhất thế giới về dầu mỏ. Như vậy, thiếu một sự công tâm, nước Mỹ khó có thể dẫn dắt thế giới hướng về một tương lai phi hạt nhân.
Tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố
Sau sự kiện ngày 11.9.2001, chống khủng bố được chính quyền Mỹ xem là một ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời sử dụng cuộc chiến này làm ngọn cờ để tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, lại cũng là Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn kép trong định nghĩa khủng bố và lựa chọn cách ứng xử với khủng bố.
Khi tổ chức Al-Qaeda tấn công nước Mỹ làm hơn 3.000 người Mỹ thiệt mạng, 6.000 người bị thương thì đó hoàn toàn là khủng bố. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ khi đó là G.W.Bush đã phát động và yêu cầu các nước tham gia cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu của Mỹ. Học thuyết đánh đòn phủ đầu của Mỹ đưa ra vô hình chung đã mặc định bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có thể trở thành nơi chứa chấp khủng bố, do vậy các nước phải lựa chọn hoặc theo Mỹ hoặc chống lại Mỹ. Hàng loạt các quốc gia đã bị liệt vào danh sách quốc gia khủng bố như: Syria, Iran, Iraq, Afghanistan, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Maroc, Libya, Yemen, Cuba. Nhân danh cái gọi là chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Iraq và Afghanistan - những quốc gia hoặc có vị trí địa chính trị quan trọng (Afghanistan) hoặc có nguồn dầu mỏ phong phú (Iraq). Dư luận hoàn toàn có lý khi cho rằng, Mỹ đã lợi dụng kết hợp giữa chống khủng bố với chống những ai không theo mình.
Khi quân khủng bố Chechnya tấn công vào nhà hát ở Moscow vào ngày 23.10.2002, bắt giữ 850 người làm con tin, hay khi lực lượng này tấn công vào một trường tiểu học ở Beslan, miền Nam nước Nga, bắt giữ gần 800 trẻ em làm con tin cũng như đánh bom làm hàng trăm người chết ở nhiều nơi trên đất nước Nga thì dưới lăng kính của Mỹ, đó không phải là khủng bố mà là những hành động đấu tranh cho nền độc lập chân chính cho Chechnya, đơn giản là vì lực lượng này chống nước Nga và điều này có lợi cho Mỹ. Mỹ đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu của Nga đưa quân khủng bố ở Chechnya vào danh sách các tổ chức khủng bố. Không chỉ vậy, chính quyền Mỹ còn rộng cửa tiếp đón họ đến Mỹ.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hiện nay một lần nữa cho thấy rất rõ tính hai mặt trong cách nhìn nhận về khủng bố của Mỹ và phương Tây. Để lật đổ Tổng thống V.Yanukovich, những kẻ cực đoan đã kích động người biểu tình xông vào chiếm và đốt toà nhà thị chính ở thủ đô Kiev, bắn súng, ném bom xăng vào cảnh sát và cả những người biểu tình ôn hoà khác, sau đó đổ vấy trách nhiệm gây nên đổ máu cho lực lượng bảo vệ pháp luật của chính quyền Tổng thống Yanukovich, đồng thời khẩn thiết kêu gọi can thiệp từ bên ngoài để chấm dứt các hành động đàn áp bạo lực đẫm máu, và ngăn ngừa một thảm hoạ nhân đạo có thể xảy ra ở Ukraine. Phải khẳng định ngay rằng, những hành vi của lực lượng đối lập là hoàn toàn vi hiến, phi pháp và phải bị lên án, trừng trị thích đáng. Thế nhưng, thay vì làm điều đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây lại hết lời ca ngợi, tôn vinh họ như những người biểu tình ủng hộ dân chủ; cảnh báo chính quyền của Tổng thống Yanukovich không được dùng vũ lực để chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ này, kể cả khi họ đã hành xử như những tên côn đồ theo chủ nghĩa phát xít mới. Thế nhưng, có một điều lạ là, khác với những người biểu tình ở Kiev, khi những người biểu tình ở miền Đông Ukraine xông vào chiếm toà nhà thị chính thì họ lại bị phương Tây phê phán là những kẻ khủng bố hoặc chiến binh, và rằng việc chính quyền lâm thời thẳng tay sử dụng vũ lực để chống lại họ là điều có thể hiểu được.
Dựa trên những suy diễn mang tính chủ quan hơn là các chứng cứ xác thực, Mỹ không ngừng lớn tiếng tố cáo Nga là can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, đơn phương áp đặt các lệnh cấm vận, trừng phạt nhằm vào nước Nga. Thế nhưng, bản thân Mỹ và một số nước phương Tây lại tự cho phép mình làm điều ngược lại. Nga có đầy đủ chứng cứ để chứng minh rằng, trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Yanukovich, Mỹ và phương Tây đã chi 20 triệu USD/tuần để tài trợ cho phe đối lập, trong đó có cả vũ khí. Nhờ vào tiền của Mỹ, phe đối lập đã tiến hành kế hoạch lật đổ Tổng thống Yanukovich, dựng lên chính phủ lâm thời thân phương Tây một cách hoàn hảo đến mức không chê vào đâu được. Những người tham gia biểu tình được bảo đảm ăn uống đầy đủ, có lều bạt để nghỉ ngơi, tránh rét và nghỉ qua đêm, được liên lạc bằng điện thoại di động miễn phí. Sau mỗi ca biểu tình cả ngày đêm ở quảng trường Maidan (thủ đô Kiev), họ được nhận 40 USD/ngày. Nếu liều lĩnh tấn công cảnh sát bằng bom xăng thì số tiền thưởng sẽ lên tới 250 USD/người. Đi xa hơn, Mỹ còn đưa ra đảm bảo sẽ giúp thủ lĩnh các tổ chức cực đoan cánh hữu di tản khẩn cấp khỏi lãnh thổ Ukraine, cấp chỗ ở và tiền bạc ở bất kỳ nước châu Âu nào tuỳ họ chọn một khi cuộc cách mạng thất bại. Đây là những việc làm xâm phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập vốn đã được ghi rất rõ trong Hiến chương Liên Hợp quốc.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã từng cung cấp thông tin cho phía Mỹ những bằng chứng về hoạt động của nhóm khủng bố Việt Tân có căn cứ trên đất Mỹ. Cụ thể, tổ chức này đã có các hoạt động giết hại dân thường trong các cuộc xâm nhập từ Thái Lan về Việt Nam nhằm mục đích lật đổ chế độ chính trị tại Việt Nam. Mới đây nhất, ngành chức năng đã có bằng chứng xác thực khẳng định, một số đối tượng thuộc tổ chức phản động Việt Tân đã kích động các phần tử xấu trong nước lôi kéo, kích động người dân, công nhân gây ra các vụ gây rối, đập phá tài sản của các doanh nghiệp trong các vụ việc gây rối của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai vào giữa tháng 5.2014 vừa qua. Vậy nhưng, phía Mỹ vẫn nhất mực cho rằng không có bằng chứng nào buộc tội Việt Tân là khủng bố, và tiếp tục dành cho tổ chức khủng bố này sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Như vậy, không khó để hiểu được logic trong cách hành xử của Mỹ. Đối với những người có hành vi vi phạm luật pháp, thậm chí tiến hành các hoạt động khủng bố ở các quốc gia không thân thiện theo cách nhìn của Mỹ thì đó là đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ; trách nhiệm của Mỹ là phải ủng hộ và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, cũng là những hành động đó nếu vi phạm luật pháp của Mỹ, đi ngược lại lợi ích và giá trị của Mỹ thì đó là tội phạm phải bị nghiêm khắc trừng phạt. Nói cách khác, đối với Mỹ, căn cứ để đánh giá, phân loại và ứng xử với khủng bố không phụ thuộc vào bản chất của hành động khủng bố, mà lại phụ thuộc vào việc hành động đó ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của bản thân nước Mỹ. Chính cách hành xử theo tiêu chuẩn kép này đã khiến cuộc chiến chống khủng bố hao tiền tốn của của nước Mỹ đến nay vẫn chưa có hồi kết, nước Mỹ và thế giới vẫn không trở nên an toàn hơn trước hiểm hoạ khủng bố toàn cầu.
V.H.K
(Còn tiếp)