Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau ba ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, cải tiến, ngày 1/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn, trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành, hai Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tóa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Trong ngày chất vấn cuối cùng (1/11), các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến: Chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quản lý, chuyển đổi đất đai nông lâm trường; vấn đề khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Công an; quy định trách nhiệm nêu gương của Hội nghị Trung ương 8; việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt; duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng; tiến trình xử lý nợ xấu; xử lý các ngân hàng yếu kém, sử dụng ngoại tệ khu vực biên giới…; các dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lãng phí sử dụng sách giáo khoa; xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện; vấn đề nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; tình trạng người có công chưa được xem xét công nhận;…
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra nhiều lý giải đối với chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về vấn đề sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, việc sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu san lấp tiềm ẩn những yếu tố về môi trường khi sử dụng. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng rất thận trọng trong quá trình thẩm định và đưa ra nhiều yêu cầu để Bộ Xây dựng đáp ứng, đánh giá thực hiện các thí nghiệm liên quan. Sau khi hoàn thành đầy đủ những yếu tố theo quy định pháp luật thì Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định công bố tiêu chuẩn này theo Quyết định 2847 ngày 28/9/2018.
Bộ Xây dựng và các bộ liên quan cũng ban hành 15 tiêu chuẩn, quy chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật cụ thể nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý tro, xỉ của nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng cho biết: Thủ tướng và Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ liên quan, nghiên cứu hướng sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện sản xuất ra vật liệu xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, cũng như thẩm định quy chuẩn để các bộ ban hành.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chất vấn về thực trạng trục lợi chính sách, quá trình xét người có công. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng vấn đề xử lý nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chưa đạt được mong muốn. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị định nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.
Về hiện tượng trục lợi chính sách người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công. Gần đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về chính sách người có công. Các cơ quan chức năng cũng truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử án treo 124 người.
Cho biết về giải pháp tiếp tục thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện kinh tế ổn định vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ: Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện, ban hành 10 Thông tư chỉ đạo việc tăng cường ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Bộ tiêu chuẩn về thẻ chíp nội địa cho thẻ ATM, ban hành tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Liên quan đến lãi suất và việc áp dụng trần lãi suất như một biện pháp hành chính, ông Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành dỡ bỏ quy định này; hiện chỉ còn áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi của đồng Việt Nam có kỳ hạn dưới 6 tháng.
Hiện nay số lượng tổ chức tín dụng tương đối nhiều và có chất lượng chưa đồng đều. Chính vì vậy, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì và ổn định ở mức hợp lý, bám sát cung cầu thị trường có tác dụng giữ ổn định hoạt động thị trường tiền tệ và “neo” được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này.
Cũng theo ông Lê Minh Hưng, tình hình triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu thời gian qua rất quyết liệt và đã đạt được kết quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã có các báo cáo chi tiết gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tới đây tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là Tòa án nhân dân các cấp, triển khai quyết liệt hơn nữa, xử lý những tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan.
Một loạt vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đã được đại biểu Quốc hội đặt ra cho người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể như tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án cầu Vàm Cống; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; về con số 112 đoàn đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ Bộ Giao thông Vận tải trong 3 năm qua.
Trong ngày chất vấn cuối cùng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trong lãng phí sử dụng sách giáo khoa. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế sách giáo khoa hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số sách giáo khoa đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả làm bài vào vở ghi. Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này còn hạn chế.
Trong phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ vào cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 3 năm, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như nước ta, nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. Thành quả này có được nhờ nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân.
Để bảo vệ những thành quả này, Thủ tướng cho rằng, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Đồng thời, Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập; nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia…
Thủ tướng Chính phủ cũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến: Giải pháp để các thành viên Chính phủ "đều tay hơn"; về công tác dân vận chính quyền; giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới Đồng bằng sông Cửu Long; về chính sách tôn giáo; vấn đề nợ xây dựng cơ bản; về những sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Nguồn TTXVN