BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phiên họp 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Cập nhật ngày: 13/09/2010 - 11:08

Sáng 13.9, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 34. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Nội dung phiên họp tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Công tác xây dựng luật pháp, giám sát; Cho ý kiến về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII và về định mức phân bổ Ngân sách Nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015; Nghe báo cáo về việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31(AIPA 31).

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh trình bày tờ trình xây dựng hệ thống định mức chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước năm 2011 của các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu: Định mức phân bổ theo dự toán chi thường xuyên năm 2007 đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Dự thảo định mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước mới có nhiều điểm khác biệt như: Về tiền lương và các khoản có tính chất lương, dự thảo định mức mới không bao gồm lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp theo lương. Sự khác biệt về quy định định mức chi trả tiền lương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách tiền lương trong thời gian tới.  

Sau khi nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra về xây dựng hệ thống định mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước năm 2011, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các chương trình mục tiêu quốc gia; Quản lý sử dụng dự phòng ngân sách và quỹ dự trữ tài chính…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp.

Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, quy định cũ về mức chi mua sắm, tiếp khách, chi tiêu về chế độ đối với cán bộ nhà nước và một số quy định chi khác đã lạc hậu so với thời giá, trong dự thảo quy định mới cần được nâng lên.

Về tiêu chí bổ sung đối với các tỉnh, thành phố về định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, ông Trần Đình Đàn góp ý: “Hiện nay, trong hệ thống giáo dục của chúng ta có đại học ở các địa phương. Chúng ta mà dồn đại học về Hà Nội và TP HCM thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cũng phải phân vùng để có đại học, còn nếu ta bỏ hẳn trợ cấp đại học ở địa phương là không đúng. Riêng quy định cụ thể về đại học, cao đẳng ở địa phương, theo tôi nên có quy định cụ thể phân bổ ngân sách cho địa phương trong những năm tiếp theo”.

Về cách tính để phân bổ ngân sách cho các địa phương theo thang điểm, theo ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thì nguyên tắc tính điểm như dự thảo đưa ra chưa thực sự hợp lý.

Ông Ksor Phước nói: “Tôi rất đồng ý quan điểm là phải công khai, minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không ưu ái tỉnh này, tỉnh khác. Nhưng cách tính điểm, tôi thấy rằng xếp Lâm Đồng hơn Gia Lai chưa được công bằng. Cũng như thế so sánh con số của 63 tỉnh, thành về số điểm thì thấy rằng cũng chưa ổn. Vì thế, tôi đề nghị xem lại cách tính này”.

Về tiêu chí phân bổ ngân sách cho các địa phương, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: Các tiêu chí phân bổ cần phải đảm bảo mục tiêu giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, giảm  chênh lệch giàu nghèo và phải có tiêu chí cụ thể trong phân bổ ngân sách cho tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020.

                                                                                                            (Theo Chinhphu.vn)