Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: GDP tăng cao nhất kể từ 2011
Thứ hai: 20:16 ngày 01/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9 đã khai mạc sáng 1/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phiên họp có nhiệm vụ hoàn thiện các báo cáo chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 khóa XII và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong tháng 10. Đồng thời, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 của đất nước. 

Trong phát biểu khai mạc, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã đạt kết quả rất toàn diện mà nổi bật là GDP 9 tháng tăng 6,98% - mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Nhìn lại những thành tích nổi bật tháng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến thành công đặc biệt của Hội nghị WEF-ASEAN tại Hà Nội, sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước năm 2018; được quốc tế đánh giá cao, được xem là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức tại ASEAN và Đông Á.

Cùng với đó là sự ra mắt chính thức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đây là đơn vị đặc biệt thuộc Chính phủ, là đầu mối thống nhất quản lý vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng. Thủ tướng kỳ vọng, sự ra mắt Ủy ban này sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, đóng góp vào sự phát triển đất nước. 

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong thời gian qua tích cực chuẩn bị các văn kiện, báo cáo trình Hội nghị Trung ương và Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. 

Đi sâu vào kết quả tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng phân tích và cho rằng có tám chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, bốn chỉ tiêu đạt. 

Theo Thủ tướng, GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011, trong đó, cả ba khu vực nông nghiệp,công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng. 

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có năm mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng.

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.

Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tốt. 

Chỉ rõ những bất cập, khó khăn cần khắc phục của nền kinh tế, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cần đi sâu phân tích, đưa ra những giải pháp cụ thể. 

Theo Người đứng đầu Chính phủ, CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý... “Đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra,” Thủ tướng lưu ý. 

Không chỉ có vậy, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá thành giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng tuy có cải thiện nhưng nhìn chung, còn nhiều bất cập, nhất là một số bộ quan trọng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một số vấn đề khác cần quan tâm như nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; dịch chân tay miệng diễn biến phức tạp...

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng thảo luận, cho ý kiến, nhất là đối với các bất cập, tồn tại của ngành, lĩnh vực mình để có biện pháp xử lý, giải quyết tốt nhất, để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2018, tạo đà cho năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục xu hướng khả quan. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 36,8%. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Thu hút khách du lịch đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%.

Về tình hình từ nay đến cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%.

Nguồn VIETNAM+

Tin cùng chuyên mục