BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Cập nhật ngày: 04/12/2011 - 07:19

Ngày 4.12, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016 đã họp Phiên thứ 2. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương có ý nghĩa quan trọng, nhằm thông qua một số quyết định hoàn thiện bộ máy hoạt động của Ban chỉ đạo và thảo luận thông qua quy chế làm việc, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016; đồng thời thảo luận và cho ý kiến về định hướng phân công trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ có chức danh tư pháp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn khởi đầu thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 và các văn kiện Đại hội Đảng 11, khẳng định tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Bên cạnh kiện toàn tổ chức, cần bám sát nội dung nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ thẩm quyền tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp.

Chủ tịch nước khẳng định: Cùng với khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động các cơ quan bổ trợ tư pháp, các cơ quan ban ngành tham gia cần tích cực xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Tại phiên họp, các ủy viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, góp ý sôi nổi về quy chế làm việc của Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó ban chỉ đạo cho rằng, quy chế của Ban chỉ đạo cần xây dựng cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo và trách nhiệm của ban chỉ đạo. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lại nhấn mạnh việc xây dựng quy chế làm việc toàn khóa theo 3 nội dung là rộng, cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm toàn khóa sau đó bổ sung, điều chỉnh theo từng năm để phù hợp với vận động của thực tiễn.

Một số ý kiến của các thành viên khác nhấn mạnh cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp. Đồng tình với các ý kiến này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật là hết sức quan trọng để đáp ứng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 trong thời gian tới.

Trong ngày làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã thảo luận, cho ý kiến về việc hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong các hoạt động tư pháp; cũng như cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện sớm cơ chế, chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ tư pháp, trọng tâm là cán bộ có chức danh tư pháp như kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư. 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng hiện nay, việc tuyển dụng cán bộ cho ngành rất khó khăn do sinh viên luật không lựa chọn vào công tác trong ngành dẫn đến thiếu cán bộ, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần xây dựng cơ chế thu hút, tuyển chọn, mở rộng nguồn để có thể bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp.

Một số thành viên thì cho rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp thực sự chưa được nâng lên, việc đào tạo bồi dưỡng còn nhiều hạn chế; việc chỉ tập trung đào tạo cán bộ của 3 chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp có đáp ứng được yêu cầu hay không?

Đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện; Thứ trưởng  Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, việc thành lập Học viện Tư pháp để tập trung một đầu mối đào tạo là phù hợp, tuy nhiên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng  chuyên môn cho cán bộ có chức danh tư pháp là hết sức quan trọng. Chủ tịch nước nói: “Làm thế nào đến năm 2015, khi chúng ta tổng kết nhiệm kỳ, chất lượng kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư phải hơn hẳn, còn ngược lại phải tự phê bình. Nói như thế để xác định các thành viên phải hết sức tích cực, đồng tâm hiệp lực với nhau để giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương… trong lĩnh vực này”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, bên cạnh thực hiện tốt vị trí, chức năng của Ban chỉ đạo, các thành viên cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết số 49  về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong những nhiệm kỳ trước, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo VOV